Ngày 19/2, trăng tròn sẽ đạt cực đại lúc 22h53 (giờ Việt Nam). Trăng tròn trùng với khoảng thời gian nó tiến tới vị trí cực cận - điểm gần Trái Đất trên quỹ đạo. Vì vậy quan sát từ Trái Đất, người xem sẽ thấy Mặt Trăng to hơn bình thường, nên gọi là siêu trăng
Khi siêu trăng diễn ra, Mặt Trăng trông sẽ sáng và to hơn bình thường. Lúc này Mặt Trăng sẽ xuất hiện ở phía đối diện Mặt Trời. Mặt Trăng lúc này phản xạ tối đa ánh sáng Mặt Trời về phía Trái Đất.
Hiện tượng siêu trăng. (Ảnh: NBC News)
Năm 2019 có ba lần diễn ra hiện tượng siêu trăng, vào ngày 21/1, 19/2 và 21/3. Đặc biệt, lần siêu trăng sắp tới sẽ xảy ra vào đúng rằm tháng Giêng tại Việt Nam, được cho là lần dài nhất và rõ nhất trong năm.
Các bộ lạc xa xưa ở Mỹ thường gọi hiện tượng này là "trăng tuyết" do thời gian xuất hiện đúng vào thời điểm tuyết rơi. Cũng có một số tài liệu gọi hiện tượng này là "trăng đói" do thời tiết khắc nghiệt, cản trở người đi săn.
Giới khoa học khẳng định, siêu trăng sẽ không gây ra các sự kiện địa chất nào, nó chỉ tạo nên một số khác biệt với sự lên xuống của thuỷ triều. Nếu nó cộng hưởng với điều kiện thời tiết nào đó, thì có thể nó sẽ gây ra vài vấn đề ở những vùng ven biển.