Sáng 10/11, sau phiên chất của các đại biểu, Thủ tướng báo cáo, giải trình một số vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ.
Theo Thủ tướng, không chỉ năm 2020 mà ngay từ bắt đầu nhiệm kỳ, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng thấy như hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, sự cố môi trường Formosa, sạt lở, lũ ống, lũ quét ở Tây Bắc, bão lũ và ngập lụt ở miền Trung.
Tuy nhiên, Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong 5 năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.
Tạp chí Economic hồi tháng 8 xếp Việt Nam được coi là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng cao nhất. Trong bối cảnh COVID-19, Việt Nam vẫn kiên trì duy trì tăng trưởng dương ở mức khá.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Từ những thành công trên, Thủ tướng nhắc lại bài học về sức mạnh của tinh thần đoàn kết được khẳng định trong giai đoạn qua, đặc biệt trong năm 2020 khi cách Việt Nam đối phó dịch COVID-19 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng hoàn thành tốt các trọng trách như chủ nhà APEC, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc…
Theo Thủ tướng, trong hơn 4 năm qua, Việt Nam tạo hơn 8 triệu việc làm mới cho người lao động. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, tăng 5,8%/năm - cao hơn nhiều mức tăng 4,3% giai đoạn trước.
Nhiệm kỳ qua, thu nhập đầu người bình quân của Việt Nam tăng gần 145%. Nhìn trên tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới, so sánh với mức sống của các nước trên thế giới, thu nhập người dân Việt Nam tương đương gần 9.000 USD tính theo ngang bằng sức mua (PPP).
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện nay xấp xỉ dân số của một số quốc gia trong nhóm “4 con hổ châu Á” cộng lại. Tỷ lệ hộ nghèo bền vững giảm, từ 9,8% năm 2015 xuống dưới 3% năm 2020.
"Chúng ta sẽ tiếp tục không ngừng nghỉ để giảm nghèo bền vững cho chưa tới 3% còn lại", Thủ tướng cho hay.
Trước những băn khoăn của Đại biểu Quốc hội, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ quan tâm hơn nữa đến phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp. Vấn đề về mức lương quá thấp của những người nghỉ hưu trước năm 1993 sẽ được Chính phủ quan tâm, giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có phương án đảm bảo nguồn lực để thực hiện.
Trong đại dịch, Chính phủ đã đề ra mục tiêu kép, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương. Tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều nước châu Âu áp dụng tái phong tỏa, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không được chủ quan lơ là, cần đề cao ý thức cộng đồng, nâng cao năng lực cách ly, điều trị, sản xuất sinh phẩm, vaccine cũng như phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội.