Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Việt Nam đang dôi dư 3 triệu tấn gạo, có nên xuất khẩu?

(VTC News) -

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, gạo dự trữ của Việt Nam đang dôi dư, nên xuất khẩu cho những nước cần trong bối cảnh COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát.

Liên quan đến vấn đề có nên xuất khẩu gạo đang được dư luận quan tâm và nhiều ý kiến trái chiều, trả lời VTC News, GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, “cha đẻ” của nhiều giống lúa ngon tại Đồng bằng sông Cửu Long - khẳng định, lượng gạo dự trữ của Việt Nam hiện vẫn dôi dư, có thể xuất khẩu 3 triệu tấn mà không lo thiếu hụt.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, trong vụ lúa đông xuân vừa rồi, Việt Nam may mắn hơn Thái Lan khi Thái Lan gặp hạn hán dẫn đến thiếu nước và mất mùa. Còn Việt Nam, do lượng nước đầy đủ vì có mưa vào tháng 8, tháng 9 nên vụ đông xuân 2019-2020 là vụ mùa "trúng đậm" đối với người dân ĐBSCL.

Với hơn 1,5 triệu ha lúa, vụ đông xuân 2019-2020 người dân ĐBSCL thu về hơn 5,5 triệu tấn gạo. Tới thời điểm hiện tại, đã có 900.000 tấn gạo được xuất đi, còn dôi dư 4,6 triệu tấn.

GS.TS Võ Tòng Xuân, “cha đẻ” của nhiều giống lúa ngon tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

"Vụ đông xuân vừa rồi có thể nói là mùa bội thu, bởi có những người thu hoạch được 8 tấn/ha, trong khi trung bình thường chỉ hơn 6 tấn/ha.

Với 4,6 triệu tấn gạo hiện còn nằm ở kho thương lái và các doanh nghiệp trong nước, chúng ta chỉ cần giữ lại 1,5 triệu tấn để đảm bảo an ninh lương thực, 3,1 triệu tấn dôi dư còn lại nên xuất khẩu cho những nước đang thiếu gạo như: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia...", GS.TS Võ Tòng Xuân nêu ý kiến.

Ông Xuân cho biết, lý do ông khẳng định chỉ cần giữ 1,5 triệu tấn gạo đã có thể đảm bảo an ninh lương thực là vì vụ hè thu đang tới gần. Vụ hè thu năm nay, ông dự đoán sẽ thu về ít nhất 4 triệu tấn gạo.

"Chỉ còn 2 tháng nữa là tới vụ hè thu (tháng 5), trong khi đó, mỗi vụ này thường sẽ thu về trên 4 triệu tấn gạo, chắc chắn năm nay không ngoại lệ. Do đó, chúng ta chỉ cần lượng gạo đủ để đảm bảo an ninh lương thực trong vòng 2 tháng (từ nay đến cuối tháng 5). 

Trong lúc các doanh nghiệp trong nước đang lao đao, lận đận, ngành gạo lại có thị trường thì tại sao không nắm bắt cơ hội này để xuất khẩu? Tôi nghĩ điều cần làm bây giờ là tạo điều kiện cho doanh nghiệp", ông Xuân nói.

Về việc Tổng cục Dự trữ nhà nước chỉ mới mua được 7.700 tấn gạo trong tổng số 190.000 tấn Thủ tướng giao do nhà thầu không đến ký hợp đồng, từ chối cung cấp gạo, GS.TS Xuân cho rằng, nếu các nhà thầu phá vỡ hợp đồng thì cần theo luật để xử lý nghiêm.

 GS.TS Võ Tòng Xuân vẫn khẳng định gạo dự trữ của Việt Nam đang dôi dư, nên xuất khẩu cho những nước cần. (Ảnh minh hoạ).

"Thật ra, đây là hiện tượng "găm hàng" do các doanh nghiệp thu mua gạo của Việt Nam phụ thuộc lớn vào thương lái thu mua thóc của dân. 

Chẳng hạn, Vinafood ký hợp đồng trúng thầu với Tổng cục Dự trữ nhà nước, nhưng thực tế Vinafood không trực tiếp sản xuất gạo mà phải mua qua hết thương lái. Giờ bỗng dưng thương lái lại không bán gạo cho Vinafood nữa mà đem đi xuất khẩu, nên buộc Vinafood phải kiến nghị đến Thủ tướng.

Để giải quyết việc này, cần công khai mức giá và đấu giá mua gạo để thương lái yên tâm bán gạo cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp ký thẳng với đơn vị này thì giá bao nhiêu cũng phải bán theo giá đã ký lúc trước", GS.TS Võ Tòng Xuân nói.

GS.TS Võ Tòng Xuân cũng bày tỏ quan điểm cho rằng vấn đề an ninh lương thực không phải là vấn đề lớn đối với nước ta.

"Nên nghĩ đơn giản, vì việc sản xuất lúa ở Việt Nam khác hơn các nước khác, chỉ có 3 tháng là có một vụ lúa mới. Mà thực tế thì chỉ cần một vụ lúa của mình đã dư sức nuôi cả nước. Vấn đề lương thực của nước ta sẽ không bao giờ đáng lo ngại, vì giống lúa sản xuất ở ĐBSCL là ngắn ngày, có những giống chỉ 85 ngày thôi đã thu hoạch", GS.TS Võ Tòng Xuân phân tích.

Đặc biệt, ông Xuân cho rằng, vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang biến động, nhiều nước gặp vấn đề về an ninh lương thực, nếu Việt nam chủ động xuất khẩu gạo cho những nước đó thì đây là "hành động đẹp không thể phủ nhận".

Video: ATM 'rút gạo' miễn phí ở TP.HCM

Thy Huệ

Tin mới