Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Việt Nam cần phải tìm được thị trường ngách cho mình trong lĩnh vực bán dẫn

(VTC News) -

Ông Lê Minh Quốc nhận định, trong lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam không nên theo đuổi "đỉnh cao" như chế tạo wafer mà phải tìm ra hướng đi ngách cho riêng mình.

Thị trường ngách

Chia sẻ tại sự kiện "Vẽ lại bản đồ bán dẫn toàn cầu: Việt Nam ở đâu" tổ chức vừa qua tại Hà Nội, ông Lê Minh Quốc, kỹ sư MK Group, người góp phần làm chip điện tử cho căn cước công dân và có 42 năm kinh nghiệm trong ngành, nhận định rằng trong "cuộc đua" bán dẫn, Việt Nam nên tỉnh táo lựa chọn các thị trường ngách thay vì những ngành đỉnh cao như chế tạo wafer.

Theo đó, chế tạo wafer hay các ngành công nghiệp bán dẫn kỹ thuật cao khác như in quang khắc là cuộc chơi tiêu tốn hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, đầu tư ban đầu không phải rào cản duy nhất mà vấn đề còn nằm ở đầu ra thương mại và câu hỏi "Bán cho ai?", bởi ngay cả một "đế chế" công nghệ như Samsung vẫn chưa thể thành công lớn với dòng chip riêng Exynos do cạnh tranh quá mạnh.

Thay vào đó, Việt Nam nên hiểu được thế mạnh của nước ta, tập trung vào các thị trường ngách và đánh mạnh vào đó. Thành công sẽ nằm ở định hướng của nhà nước, cũng như quyết tâm của doanh nghiệp.

Nhận định về cánh cửa thâm nhập của Việt Nam vào ngành công nghiệp mũi nhọn này, ông Nguyễn Việt Hải - Giám đốc công nghệ Công ty SNS (Sirius Network Solution) nói: "Ngành bán dẫn rất rộng, có rất nhiều phân khúc, nên rõ ràng Việt Nam cần tham gia vào. Tuy nhiên, tham gia làm gì và như thế nào là câu chuyện của mỗi doanh nghiệp và rất cần định hướng nhà nước để có phong trào".

Ngoài ông Hải với vai trò diễn giả, sự kiện còn có sự tham gia của ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Intel Việt Nam và ông Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS).

Ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc Intel Việt Nam tại sự kiện.

Đồng tình với nhận định trên của ông Hải, ông Thắng cho rằng câu hỏi mấu chốt ở thời điểm hiện tại không phải Việt Nam có nên tham gia làm ngành bán dẫn hay không, mà là nên làm gì và làm như thế nào. Sở dĩ Việt Nam hoàn toàn có thể thâm nhập vào ngành bán dẫn dù đây là sân chơi đã đông đúc các "ông lớn" của khoa học công nghệ là bởi đây là ngành công nghiệp có rất nhiều công đoạn, và mỗi công đoạn đều hoàn toàn độc lập về mặt yêu cầ cũng như năng lực.

"Câu hỏi làm cái gì trở nên quan trọng ở chỗ dù một quốc gia hay một doanh nghiệp có năng lực để làm một công đoạn nào đó, không có nghĩa là có năng lực để làm một công đoạn khác", Giám đốc Intel Việt Nam nhận định.

Dẫn chứng cho nhận định này, báo cáo năm 2020 của Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS) chỉ ra rằng bán dẫn là một ngành vô cùng phân cực. Lấy ví dụ, 3 phân khúc in quang khắc, lắng đọng, và loại bỏ & làm sạch vật liệu chiếm đến 70% thị trường nhưng mỗi phân khúc đều do một số ít nhà cung cấp chính thống trị.

Năm 2023, theo số liệu của Seeking Alpha, thị trường quang khắc gần như bị "độc chiếm" bởi 3 công ty là ASML của Hà Lan và hai "ông trùm" quang học Nhật Bản là Nikon, Canon. Trong đó, riêng ASML đã chiếm 82,9% thị phần, theo sau là 9,25% của Nikon và 7,4% của Canon. Tuy nhiên, ngành loại bỏ & làm sạch vật liệu - một công đoạn quan trọng khác, lại được thống trị bởi Mỹ với 56% thị phần.

Để Việt Nam có thể tìm ra được câu trả lời cho con đường ngách thâm nhập ngành công nghiệp chủ chốt này vẫn cần nhiều thời gian, nhưng theo ông Thắng, câu hỏi "Làm như thế nào?" cũng cần được trả lời một cách đồng thời.

"Nếu chưa trả lời được câu hỏi là làm cái gì một cách cụ thể, thì chúng ta vẫn nên đặt ra câu hỏi làm như thế nào. Bởi cách làm sẽ gắn liền với nhận biết, đánh giá và kỳ vọng của chúng ta để xây dựng những năng lực trước khi quay trở lại vấn đề làm cái gì", ông chia sẻ.

Nhận định sâu hơn về tiềm năng thâm nhập của nước ta, ông Hải cho biết Việt Nam có những lợi thế lớn không thể phủ nhận như lực lượng trẻ và nền tảng STEM rất tốt. Đồng tình với ý kiến đó, ông Thắng nhấn mạnh nguồn nhân lực chính là một năng lực đặc biệt sẽ quyết định con đường thâm nhập ngành bán dẫn của Việt Nam.

Ông Nguyễn Việt Hải - Giám đốc công nghệ Công ty SNS.

Tự chủ bán dẫn có ý nghĩa sinh tồn

Câu hỏi làm bán dẫn hay không không chỉ dừng lại ở câu chuyện công nghệ hay kinh doanh, mà theo ông Lê Minh Quốc - kỹ sư MK Group, người góp phần làm chip điện tử cho căn cước công dân chia sẻ trong khuôn khổ sự kiện, đây còn là vấn đề an ninh quốc gia. Ông Quốc là người có 42 năm làm trong ngành công nghiệp bán dẫn, từ năm 1982.

"Căn cước công dân gắn chip chứa toàn bộ thông tin cá nhân của người dân, và yêu cầu bảo mật là vô cùng lớn, đến mức bảo mật của thẻ ngân hàng hay SIM điện thoại 'không là gì cả'", ông Quốc nhấn mạnh, và nói thêm về vấn đề an ninh, bảo mật của căn cước công dân gắn chip, Bộ Công an làm vô cùng chặt chẽ, kiểm soát từng con chip từ phần cứng cho đến phần mềm OS. Để hoàn toàn kiểm soát vấn đề bảo mật với yêu cầu cao như vậy, việc tự chủ công nghệ sản xuất này là sống còn.

Ngoài ra, ông Quốc cũng tự hào chia sẻ rằng hiện nay thẻ căn cước công dân gắn chip đã có thể đáp ứng về mặt kỹ thuật để thay thế hộ chiếu khi xuất cảnh trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân dùng thẻ này xuất trình thay cho hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. 

Theo thông tin từ Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các quốc gia ASEAN đang hướng tới mục tiêu thống nhất các loại giấy tờ tùy thân, bao gồm cả việc sử dụng căn cước công dân. ASEAN gồm 10 quốc gia là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Thạch Anh

Tin mới