Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Việt Hương: 'Chắc do trời thương nên tôi được chồng cưng chiều'

(VTC News) -

"Suốt 18 năm qua, dù đang giận dỗi hay bực tức gì, trước khi đi ngủ vợ chồng tôi đều phải nói lời yêu dành cho nhau" - Việt Hương chia sẻ.

Ma Da là phim điện ảnh đánh dấu sự trở lại của Việt Hương. Trong phim, cô vào vai một người phụ nữ làm nghề vớt xác trên sông. Việt Hương thừa nhận trong sự nghiệp diễn xuất mấy chục năm, đây là vai diễn làm khó, làm khổ bản thân nhất.

Việt Hương tâm sự nhiều người hỏi gần 50 tuổi và có tất cả nhưng sao phải vất vả như vậy làm gì? Tuy nhiên với nữ nghệ sĩ "tiền bạc dù nhiều đến đâu, chưa chắc mua được cảm giác thỏa mãn với nghề".

“Đóng phim Ma Da, tôi như một người đàn ông”

- Đã lâu không đóng phim, lý do gì khiến chị quyết định nhận lời tham gia phim "Ma Da"?

Mỗi một phim, một vai diễn đều là sự trải nghiệm mới mẻ. Vai Lệ trong Ma Da khác hẳn hoàn toàn những gì trước đây tôi từng thể hiện, do đó, tôi quyết định nhận lời tham gia bộ phim.

Ma Da có những cảnh quay mà giờ nghĩ lại, tôi cũng không khỏi bất ngờ sao bản thân có thể vượt qua được. Qua vai diễn này, tôi đã học được rất nhiều kỹ năng sống của một người con vùng sông nước.

Việt Hương hy sinh ngoại hình và sức khoẻ cho vai diễn.

- Được biết, tất cả các cảnh khó của phim chị đều tự thực hiện mà không có diễn viên đóng thế. Chị gặp khó khăn ra sao với việc này?

Lệ trong Ma Da là vai diễn hay nhất và cũng khó nhất với tôi vì đòi hỏi rất nhiều kỹ năng sống còn. Trước khi nhận lời tham gia phim, tôi không có một chút chất liệu hay kinh nghiệm nào về sông nước hay thói quen lẫn nếp sống của người Cà Mau.

Thế mà vào phim, tôi phải tập cách tự chạy vỏ lãi (thuyền máy) như những người dân ở miền Tây. Có những thuyền máy không phải giật dây một phát là nổ liền mà có những trục xoay rất nặng. Ngoài đời, phụ nữ rất khó có thể chạy xuồng máy một cách thành thạo. Tôi phải tập rất nhiều lần để có thể làm được.

Trong phim, bà Lệ là người mạnh bạo, cá tính, có phần hơi thô kệch như đàn ông nên tôi trong quá trình hóa thân vào nhân vật này, tôi cũng cố gắng không dám đùa giỡn nhiều.

Ma Da là bộ phim đem tới nhiều cảm xúc cho Việt Hương trong 30 năm làm nghề.

- Nhân vật của chị trong "Ma Da" là người phụ nữ làm nghề vớt xác trên sông. Chị đã tìm hiểu về công việc đặc biệt này thế nào trước khi phim bấm máy?

Trước khi quay phim, tôi cùng với ê-kíp trong đoàn đi theo và quan sát kỹ một chị sống ở vùng sông nước, có vóc dáng tương đối giống tôi, tính cách tương tự như nhân vật Lệ. Sau đó, tôi cắt tóc, nhuộm da, rồi đổi quần áo với chị ấy. Ngoài ra, tôi cũng học cách đi đứng, cách nói chuyện cho đúng với người dân ở đó.

Đặc biệt, tôi phải cố kiếm cho bằng được người đã có kinh nghiệm làm nghề vớt xác trên sông để nhờ họ hỗ trợ cho mình.

Bản thân những người vớt xác với kinh nghiệm hàng chục năm, họ cũng dặn khi xuống nước thì phải xin phép. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành nên dù trong phim chỉ là xác giả, tôi cũng làm tất cả các thủ tục khi xuống nước.

- Cũng vì ngâm mình dưới nước quá nhiều để đóng bộ phim này, chị từng bị liệt một nửa cơ mặt. Hiện tại, sức khỏe của chị thế nào?

Ngâm nước lâu, tôi bị ngấm nước, lạnh thấu tận xương. Khí lạnh nhập vào người nên ảnh hưởng đến các cơ.

Dân chuyên nghiệp người ta chỉ ngâm từ 6- 8 tiếng, tôi ngâm nước có ngày lên đến 12-13 tiếng đồng hồ. Dây thần kinh số 7 không bị đứt mà nó bị co rút khiến mặt biến dạng. Tuy nhiên, hiện tại sức khỏe của tôi đã ổn định trở lại.

Hai vợ chồng giữ thói quen nói lời yêu thương suốt 18 năm

- Dù bộ phim "Ma Da" quay được 2 năm nhưng tôi thấy chị vẫn còn rất xúc động khi nhìn lại hình ảnh của mình trong phim. Chị có đặt kỳ vọng doanh số thế nào ở bộ phim này?

Tôi xúc động vì bản thân đã làm hết sức với nhân vật Lệ. Bản dựng hậu kỳ cũng đã được ê-kíp làm tốt nhất cũng như phim có được dàn diễn viên hỗ trợ hết mình. Với tất cả những điều tốt nhất nhưng lỡ phim không thành công thì chắc là do số (cười).

Dù vậy, điều mà tôi cảm thấy thành công nhất đó chính là từ diễn viên đến tất cả mọi người trong ê-kíp sản xuất, hậu kỳ, hiện trường, ánh sáng, kỹ thuật đồng lòng cùng nhau, cùng một hơi thở để mang tác phẩm điện ảnh này đến với khán giả.

Tổ ấm hạnh phúc của Việt Hương.

- Ở tuổi 48, Việt Hương đã quá nổi tiếng và giàu có. Chị có bao giờ tự hỏi bản thân lý do khiến mình vẫn hy sinh hết mình với nghệ thuật như vậy?

Rất nhiều người hỏi tôi là "Việt Hương giờ quá hạnh phúc, có kinh tế, nổi tiếng sao không làm nghề an toàn phải cực khổ vậy làm gì?". Tuy nhiên, tôi nghĩ đó là cái nghiệp, là đam mê với nghề không thể bỏ. Nói thật, tôi chỉ ở nhà chừng 2 tuần là cảm thấy cơ thể khó chịu và thấy mình rất vô dụng. Vì thế nên tôi phải lên sân khấu diễn, đi đóng phim...

Như đã nói, ở bộ phim Ma Da, tôi không muốn dùng diễn viên đóng thế. Tôi muốn tự đóng để cho các thế hệ trẻ thấy mình có thể làm được, kể cả những cảnh khó. Sau mỗi cảnh quay, các bạn trẻ trong ê-kíp đều vỗ tay khen khiến tôi tự nhiên thấy rất phấn khởi. Ở tuổi này, có lẽ những người đồng nghiệp cùng thế hệ khen ngợi cũng không thể bằng được các bạn trẻ ủng hộ. Khi tôi vượt qua được một cảnh quay, bản thân cũng thấy rất đã.

Hiện tại, tôi đủ khả năng có thể tự sản xuất một bộ phim và đóng vai chính. Tuy nhiên khi dính đến tiền bạc thì đóng sẽ không có đã (cười). Vì vậy tôi vẫn sẽ lăn sả hết mình với những vai diễn nếu còn khả năng. 

- Ông xã - nhạc sĩ Hoài Phương và con gái có sốc khi thấy tạo hình của chị trong phim?

Ông xã tôi cũng không quá bất ngờ vì vợ xấu từ từ chứ không đột ngột (cười). Mỗi một ngày, tôi sẽ thay đổi ngoại hình một chút, từ cắt tóc, đến nhuộm da và mỗi tuần chỉ được nhuộm một ít. Ông xã và con gái cũng đã quá hiểu công việc của tôi nên không chê xấu mà chỉ quan tâm việc ngoại hình đã giống với nhân vật hay chưa? Thậm chí, con gái còn khuyên mẹ nên đi nhuộm da thêm ở cổ cho giống hoàn toàn với nhân vật.

- Bên cạnh Việt Hương luôn có sự đồng hành, chăm sóc của ông xã. Anh luôn đặt vợ lên hàng đầu trong mọi sự lựa chọn. Phải chăng đây là lý do chị thoải mái vẫy vùng, lăn xả cho nghệ thuật?

Chắc do trời thương nên tôi được ông xã cưng chiều. Nhưng đối với tôi, cuộc hôn nhân có lâu dài, hạnh phúc thì đều phải có sự công bằng và tôn trọng của hai vợ chồng. Ví dụ, khi tôi làm sai, ông xã sẽ thẳng thắn góp ý để tôi phải thay đổi, và ngược lại. Tôi nghĩ đó là điều cần làm để 2 vợ chồng dung hòa, chứ không phải ai là kèo trên của ai cả.

Việt Hương hạnh phúc khi có ông xã làm hậu phương.

- Ông xã luôn chiều chuộng và ủng hộ quyết định của vợ, vậy còn chị thì sao?

Nếu nói về tính nghệ sĩ thì anh Phương có "máu nghệ sĩ" hơn tôi. Anh có một phòng thu và có rất nhiều đàn, kèn. Ai mà chơi âm nhạc thì sẽ biết là rất tốn kém.

Ông xã tôi cũng có một ưu điểm là hoàn toàn không cà phê, rượu bia hay cờ bạc. Anh chỉ tập trung vào niềm đam mê âm nhạc của mình. Vì vậy nên tôi hiểu ý, tôn trọng và đồng ý mọi sở thích để anh luôn được giữ lửa đam mê. Tôi không muốn bắt anh tập trung làm kinh doanh mà quên đi cái nghề chính của mình.

Một điều thú vị nữa là dù có đang giận dỗi hay bực gì bực, trước khi đi ngủ thì hai vợ chồng đều phải nói một câu yêu thương với nhau. Ví dụ như "anh yêu em" hay "em yêu anh". Nói xong thì cả hai mới được đi ngủ và không được để bực bội trong lòng. Đó là thói quen của 2 vợ chồng tôi suốt 18 năm qua. 

- Cảm ơn chị về những chia sẻ!

Trailer phim "Ma Da"

Thanh Tùng

Tin mới