Theo thông báo từ Hạm đội 7, tàu chiến của Mỹ tham gia tập trận trên Biển Đông là USS John S. McCain, tàu khu trục thuộc lớp Arleigh Burke mang tên lửa dẫn đường. Trong khi đó, Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản (JMSDF) cử tàu khu trục lớp Murasame JS Kirisame. Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) cử tàu hộ vệ tên lửa lớp Anzac HMAS Arunta.
Video: Tàu chiến các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản tập trận trên Biển Đông
Theo đó, các tàu chiến diễn tập hải quân mặt nước, tác chiến tàu ngầm, phòng không và nhiều hoạt động củng cố an ninh hàng hải khu vực.
USS John S. McCain của Mỹ
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain (DDG-56) thuộc lớp Arleigh Burke, biên chế tại Hải đội Khu trục 15 (DESRON 15) trong Hạm đội 7. Hiện chiến hạm này đồn trú tại Căn cứ Hải quân Yokosuka (Nhật Bản).
Tàu chiến này được đặt theo tên của cha và ông nội của Thượng nghị sĩ John McCain, là các đô đốc trong Hải quân Hoa Kỳ, chỉ huy tàu sân bay USS Ranger và tàu ngầm USS Gunnel trong Thế chiến 2.
USS John S. McCain bắt đầu chế tạo năm 1991 tại Bath Iron Works ở Maine và đưa vào hoạt động vào năm 1994. Tàu có thủy thủ đoàn gồm 24 chỉ huy, 23 sĩ quan và 291 thủy thủ.
Tàu có trọng lượng hơn 6.900 tấn, dài 154m, rộng 20m. USS John S. McCain có tầm phạm vi hoạt động hơn 8.100 km, với vận tốc 37 km/h, vận tốc tối đa đạt 56km/h.
Khu trục hạm này sử dụng hệ thống rada cảm biến hiện đại, bao gồm radar 3D AN/SPY-1D kiểm soát trên không và radar AN/SPS-67 (V) 2 tìm kiếm mục tiêu mặt nước. Ngoài ra, chiến hạm này còn sử dụng nhiều radar điều khiển hỏa lực và tác chiến điện tử thông minh khác.
Khu trục hạm thuộc USS John S. McCain lớp Arleigh Burke, được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, có khả năng phát hiện và đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Tàu sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng Mk 41, với 90 tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC. Ngoài ra, tàu còn trang bị tên lửa chống hạm hiện đại Harpoon SSM và nhiều ngư lôi chiến thuật.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain (DDG-56) của Hải quân Mỹ.
USS John S. McCain sử dụng hệ thống súng máy 25 mm và các pháo hạm cỡ nòng 12,7 mm. Khu trục hạm này có thể hoạt động độc lập hoặc theo nhóm tấn công tàu sân bay, nhóm tàu tác chiến trên mặt nước, đồng thời tham gia vào nhóm tấn công đổ bộ.
Đầu tháng 10/2020, USS John S. McCain (DDG 56) đã phối hợp với Nhóm tấn công tàu sân bay USS Ronald Reagan thực hiện cuộc tập trận tại khu vực trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Khu trục hạm JS Kirisame của Nhật
JS Kirisame (DD-104) lớp Murasame là khu trục hạm đa năng thế hệ thứ 3 của Nhật Bản, phát triển bởi công nghiệp quốc phòng Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Chiến hạm này được nâng cấp từ khu trục hạm cỡ nhỏ 3.500 tấn lớp Asagiri. Các tàu này được phát triển dựa trên các thiết kế tàu khu trục trong nước kết hợp với công nghệ của tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ. Khu trục hạm lớp Murasame thường được sử dụng chủ yếu cho hoạt động huấn luyện.
Đến năm 1999, trong thành phần Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản có 4 tàu khu trục thuộc lớp này (JDS Murasame, JDS Harusame, JDS Yudachi và JDS Kirisame).
JS Kirisame (DD-104) lớp Murasame là khu trục hạm đa năng thế hệ thứ 3 của Nhật Bản.
JS Kirisame được hạ thủy năm 1996 và chính thức hoạt động năm 1999, neo đậu tại cảng Sasebo. Tàu chiến này có lượng giãn nước tiêu chuẩn 4.500 tấn, chiều dài 151m, rộng 17,4 m.Tàu sử dụng 4 động cơ turbine khí đạt tốc độ tối đa 56 km/h. Thủy thủ đoàn trên tàu có 165 người.
Tàu khu trục lớp Murasame được trang bị hệ thống thông tin hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin, máy tính và tình báo (C4I) do Nhật chế tạo, dựa trên cơ sở các phân hệ của hệ thống Aegis của Mỹ. C4I gồm có hệ thống định hướng chiến đấu OYQ-9 CSD và hệ thống kiểm soát tác chiến chống ngầm OYQ-103 ASWCS.
JS Kirisame được trang bị 16 ống phóng tên lửa chống ngầm phóng thẳng đứng theo hệ thống VLS Mk-41. Ngoài ra tàu có 18 ống phóng chứa tên lửa phòng không tầm trung, 8 tên lửa chống hạm, 1 pháo hạm, 2 hệ thống súng máy và 2 cụm phóng ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ.
Ngoài ra, tàu còn sử dụng trực thăng săn ngầm SH-60J, phiên bản cải tiến của trực thăng săn ngầm SH-60B Sea Hawk của Hải quân Mỹ.
Hệ thống radar quét của JS Kirisame có khả năng phát hiện 50 - 60 mục tiêu cùng lúc và tầm hoạt động lên tới 200 km. Ngoài ra còn có radar tìm kiếm bề mặt hiện đại.
Năm 2015, tàu JS Kirisame (DD-104) và JS Asayuki (DD-132) thuộc lực lượng tự vệ bờ biển Nhật Bản đã đến thăm Đà Nẵng và huấn luyện chung với Hải quân Việt Nam.
Tàu hộ vệ HMAS Arunta của Australia
HMAS Arunta (FFH 151) là tàu hộ vệ tên lửa, được xem là xương sống của Hải quân Hoàng gia Australia. Các tàu lớp Anzac là dự án hợp tác phát triển chung giữa Australia và New Zealand, được đưa vào biên chế từ năm 1996.
Tàu khu trục hạng nhẹ này có lượng choán nước khoảng 3.600 tấn, dài 118m, rộng 15m. Thủy thủ đoàn gồm 170 người.
Tàu hộ vệ HMAS Arunta của Hải quân Hoàng gia Australia.
Tàu được tích hợp hệ thống vũ khí hiện đại, gồm 8 ống phóng thẳng đứng Mk-41 Mod 5, mang 8 tên lửa chống hạm Harpoon, 2 ống phóng ngư lôi và 1 pháo hạm Mk-45 127mm.
Hệ thống phóng Mk-41 Mod 5 ban đầu sử dụng tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-7 Sea Sparrow. Từ năm 2014, chúng được thay thế bằng tên lửa MDBA Sea Ceptor và sau đó là tên lửa ESSM, do hãng Raytheon của Mỹ phát triển.
Dòng tiên lửa này có nhiệm vụ chống tên lửa đối hạm siêu âm, đồng thời có thể tiêu diệt các loại máy bay tiêm kích, cường kích của đối phương. Tên lửa được tích hợp đầu tự dẫn radar chủ động pha cuối, hệ thống truyền dẫn dữ liệu tàu-tên lửa liên tục cập nhật trong hành trình bay.
HMAS Arunta sử dụng hệ thống radar hiện đại (Thomson Sintra Spherion B Mod 5), có khả năng theo dõi mục tiêu trên không, kiểm soát, tìm kiếm trên bề mặt bằng hồng ngoại. Tàu hộ vệ có mang theo máy bay thực thăng đa nhiệm Sikorsky MH-60R Seahawk.
Tháng 6/2014, tàu hộ vệ Arunta hoàn thành việc nâng cấp trong Dự án Phòng thủ Tên lửa chống tàu của Hải quân Hoàng gia Australia. Arunta là con tàu thứ hai trong lớp Anzac được nâng cấp, với việc lắp đặt radar CEAFAR và hệ thống quản lý tác chiến SAAB được nâng cấp.
Năm 2017, tàu hộ vệ Arunta được triển khai ở Trung Đông 9 tháng trong khuôn khổ Chiến dịch Manitou. Arunta là tàu đầu tiên của Hải quân Hoàng gia Australia thực hiện tuần tra mở rộng trong khu vực và là tàu thứ 64 của Australia được triển khai tới khu vực kể từ năm 1990.