Theo Express, núi lửa Agung sắp phun trào tạo ra những dòng bùn mạnh mẽ gồm đất đá và mảnh vụn, đang chảy xuống với tốc độ cao tại các đoạn dốc của núi lửa.
Chính quyền Bali cảnh báo người dân gần núi lửa Agung tránh xa các dòng sông vì dòng dung nham lạnh có thể gây nguy hiểm chết người.
Năm 2006, một vụ phun trào núi lửa bùn ở Sidoarjo, đảo Java, Indonesia chôn vùi nhiều ngôi làng trong lớp bùn dày đến 40 m, cướp đi 13 mạng sống và phá hủy nơi ở của hơn 60.000 người.
Video: Nguy cơ dung nham lạnh từ núi lửa Indonesia
Trong những hình ảnh ban đầu, dòng bùn có chứa nước, đất đá và các mảnh vụn núi lửa đang chảy mạnh mẽ qua một thung lũng sông gần núi Agung. Dù có tính chất gần giống như bê tông nhưng hỗn hợp nước và tro bụi này vẫn có thể chảy xuống thung lũng với tốc độ chóng mặt.
Người phát ngôn của Cơ quan quản lý thảm họa Indonesia (BNPB) cảnh báo, người dân không được đến gần các dòng sông gần núi Agung.
Các dòng bùn này bắt đầu xuất hiện ở nhiều địa điểm như sông Yeh Sah ở Karangasem, gây thiệt hại đến các khu đất nông nghiệp. Một cảnh sát tại Bali cho biết tro bụi từ núi Agung gặp nước mưa và trở thành bùn tấn công sông Yeh Sah.
Núi lửa Indonesia có nguy cơ phun trào bất cứ lúc nào. (Ảnh: Reuters)
Theo BNPB, 40.000 người được sơ tán khỏi khu vực gần núi lửa Agung đang phun tro bụi nhưng vẫn còn hàng nghìn người chưa rời đi dù có cảnh báo nguy hiểm ở mức cao nhất.
Cơ quan này cho biết các cột khói thường đi kèm những vụ nổ phun trào và âm thanh của sự rung chuyển này có thể vang xa đến 12 km: "Nguy cơ của một đợt phun trào lớn hơn đang rất gần kề".
Mối đe dọa từ núi lửa Agung khiến chính phủ Indonesia phải đóng cửa sân bay tại Bali, hủy hơn 2000 chuyến bay khiến hàng nghìn du khách mắc kẹt trên đảo. Hiện tại vẫn chưa rõ núi lửa Agung sẽ phun trào vào lúc nào.
Lần cuối cùng núi Agung phun trào là năm 1963, khiến hơn 1.700 người thiệt mạng và phá hủy nhiều ngôi làng, đây được coi là một trong những đợt phun trào núi lửa thảm khốc nhất trong lịch sử Indonesia.