Liên quan đến việc vỉa hè TP.HCM bị tái lấn chiếm, VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Anh Dũng - Trưởng khoa đô thị, Trường đại học kiến trúc TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên giảng viên trường đại học bách khoa TP.HCM và chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân.
Thất bại vì làm theo kiểu phong trào
- Lòng lề đường ở TP.HCM lại tiếp tục bị tái chiếm sau khi TP.HCM ra quân xử lý. Vậy theo ông nguyên nhân do đâu?
Theo ý kiến chủ quan của tôi, vấn đề này có nhiều nguyên nhân:
Thứ nhất, kỷ cương chúng ta chưa nghiêm, công tác thực hiện còn mang tính phong trào, răn đe nhiều hơn. Chúng ta cần từng bước xử lý vấn đề cứng rắn hơn, biến phong trào thành phong cách sống theo luật pháp, xử lý nghiêm minh.
Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường ở TP.HCM lại tái diễn. (Ảnh: Quang Anh)
Thứ hai, việc sử dụng lòng lề đường đối với các hộ dân tiếp cận chưa quy thành luật, chưa có quy định chế tài nghiêm minh phổ biến đến từng hộ dân, biến việc vi phạm lấn chiếm theo kiểu ích kỷ cá nhân thành việc bảo vệ lòng lề đường mang tính cộng đồng. Điều này cần sự giúp sức của chính quyền địa phương sở tại.
Với thiết kế đô thị, thói quen nền kinh tế vỉa hè của cả người mua, người bán tồn tại hàng chục năm qua rất khó có thể dẹp dứt điểm nếu không có giải pháp đồng bộ.
Ông Lê Bá Chí Nhân
Thứ ba, chất lượng kỹ thuật cơ sở hạ tầng chưa hợp lý về quy mô và chất lượng, người đi bộ "ngại" đi bộ.
Thứ tư, tư tưởng tham lam của công trở thành phổ biến trong bộ phận lớn người dân, điều đó dẫn đến ý thức cộng đồng chưa cao.
Chính vì vậy, việc dọn dẹp lòng lề đường như vừa qua chỉ là cái ngọn, nhưng theo tôi, cái gốc nằm ở các nguyên nhân trên. Nếu không khắc phục các nguyên nhân trên thì tình trạng lấn chiếm lòng lề đường ở TP.HCM vẫn còn tái diễn dài dài.
- Việc TP.HCM lập lại trật tự lòng, lề đường có khả quan không?
Việc TP.HCM lập lại trật tự lòng, lề đường có khả quan nhưng cần phải giải quyết 4 nguyên nhân tôi đã trình bày như trên.
Đối với quận 1, việc lập lại trật tự lòng lề, đường có khả quan hơn, bởi lẽ đây là quận trung tâm nên các nguyên nhân 3 và 4 mà tôi nêu trên cơ bản đã khắc phục.
- Theo ông giải pháp nào để giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường?
Kỷ cương ngiêm minh, công bằng đối với tất cả người dân được sử dụng lòng lề đường (hộ dân tiếp cận, người bộ hành, xe cơ giới).
Pháp quyền phải được đề cao làm công cụ cho quản lý trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Tổ chức không gian lòng lề đường phải hợp chuẩn (kỹ thuật và mỹ thuật) theo các quy chuẩn, quy phạm trong khung pháp lý hiện hành của nhà nước.
Nâng cao dân trí, nâng cao ý thức cộng đồng,của người dân hướng đến nếp sống văn minh hiện đại.
* PGS TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên giảng viên trường đại học bách khoa TP.HCM
Dẹp vỉa hè không thể đơn độc được
- Ông đánh giá như thế nào về cách xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường của chính quyền TP.HCM trong thời gian qua?
Theo tôi, thời gian qua, TP.HCM xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường chỉ giải quyết phần ngọn mà bỏ qua phần gốc nên thất bại là chuyện đương nhiên. Tôi có cảm giác các quận, phường đang làm theo phong trào mà thiếu sự nghiên cứu, đánh giá nhân - quả về tình trạng lấn chiếm vỉa hè.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên giảng viên trường Đại học bách khoa TP.HCM). (Ảnh: Quang Anh)
Giải quyết vấn đề trên không thể đơn độc được mà phải có sự đồng thuận của các ban, ngành liên quan để cùng bàn bạc, nghiên cứu, đưa ra các giải pháp.
Xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đừng cứng nhắc, máy móc mà phải thích nghi, những chỗ có không gian vỉa hè thông thoáng, rộng có thể dành một phần vỉa hè nhỏ để buôn bán. Nghiên cứu vị trí bán hàng cho người hàng rong, nghiên cứu bán hàng ban đêm.
Video: Ông Đoàn Ngọc Hải xử lý xe biển ngoại giao đậu trên vỉa hè
Tăng cường kiểm tra, xử lý, phạt liên tục các trường hợp vi phạm để răn đe, buộc dân phải có cam kết.
Huy động thanh niên tham gia, thành lập nhóm tự quản (nhưng người có uy tín, trình độ như lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí) để tuyên truyền, sâu sát với người dân.
Kiên trì, lâu dài, bền vững với vấn để xử lý lấn chiếm lòng, lề đường để tạo thói quen. Khi tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra có nghĩa là lãnh đạo quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm, xuất hiện tiêu cực.
* Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân
Sẽ khó thực hiện câu chuyện thông thoáng lòng lề đường
Với thiết kế đô thị, thói quen nền kinh tế vỉa hè của cả người mua, người bán tồn tại hàng chục năm qua rất khó có thể dẹp dứt điểm nếu không có giải pháp đồng bộ. Cách dẹp lòng lề đường bằng cách cưỡng ép như vừa qua chỉ là giải pháp tình thế.
Dẹp đi một thói quen đã tồn tại rất lâu trong đời sống người dân. Đó là chưa kể những thiệt hại kinh tế mà người có nhà mặt tiền phải gánh chịu. Đây là một điều rất khó thực hiện.
Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân.
Thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới như: Italia, Pháp, Trung Quốc, Thái Lan... tình trạng người bán hàng rong đến nay vẫn tồn tại. Thậm chí nhiều nước còn chấp nhận sự tồn tại của nền kinh tế vỉa hè. Điền hình nước có nề kinh tế phát triển như Pháp thay vì cấm triệt để buôn bán trên vỉa hè thì họ chuyển sang quản lý, thu thuế đối với người kinh doanh trên vỉa hè.
Riêng đối với người không có địa điểm buôn bán ổn định thì Nhà nước sắp xếp chỗ buôn bán tập trung cho họ. Những trường hợp không bán đúng địa điểm quy định mới bị xử phạt.
Như vậy, đáng lẽ để dẹp tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước phải sắp xếp chỗ buôn bán ổn định cho người dân trước. Với cách làm hiện nay chẳng khác nào chúng ta đang dẹp buôn bán lấn chiếm vỉa hè theo quy trình ngược.