Lý Thần Tông (1116 - 1138) tên thật là Lý Dương Hoán - vị vua thứ năm của triều đại nhà Lý. Ông là vị vua duy nhất nhà Lý được kế vị ngai vàng không phải do vua cha truyền lại. Vua Lý Nhân Tông không có con trai nên đã lập Dương Hoán làm hoàng thái tử và truyền ngôi cho.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ: "Lý Thần Tông là cháu gọi Thánh Tông bằng ông, gọi Nhân Tông bằng bác, con của Sùng Hiền hầu, do phu nhân họ Đỗ sinh ra. Khi mới lên 2 tuổi, được nuôi trong cung, lập làm hoàng thái tử. Nhân Tông băng hà, bèn lên ngôi báu''.
Tương truyền năm Thần Tông 21 tuổi, vua đột nhiên mắc bệnh lạ, trên người mọc đầy lông lá, cư xử cuồng loạn, gầm gừ đáng sợ như hổ. Triều đình khi ấy phải làm cũi vàng để nhốt vua trong đó, đồng thời mời các danh y đến khám chữa bệnh cho vua. Tuy nhiên dù bao người đến cũng chẳng ai khiến bệnh tình của vua thuyên giảm, triều đình phải phái người tìm thầy thuốc khắp cả nước.
Vua Lý Thần Tông từng mắc bệnh lạ, bị nhốt trong cũi vàng. (Ảnh minh hoạ)
Theo y học ngày nay, vua Lý Thần Tông có thể mắc bệnh rậm lông, tên khoa học là Hypetrichosis (còn gọi bệnh người sói, hội chứng người sói).
Thiền sư Nguyễn Minh Không được cho là đã chữa lành căn bệnh này của nhà vua. Ông là cao tăng nổi tiếng của triều đại nhà Lý đồng thời được xem là người sáng lập nhiều ngôi chùa nhất ở nước ta và được tôn vinh là ông tổ nghề đúc đồng.
Thời điểm ấy, khi sư Minh Không được mời vào cung trị bệnh, nhiều pháp sư khác cũng đang chữa bệnh cho vua. Thấy sư Minh Không ăn mặc quê mùa nên tỏ vẻ khinh thường. Nhà sư chỉ đóng một chiếc đinh dài vào cột rồi nói: “Ai nhổ được cái đinh này ra hãy nói chuyện chữa bệnh”, nhưng chẳng ai dám trả lời.
Sau khi vào gặp vua, sư Minh Không sai người đi chuẩn bị một cái vạc lớn đựng nước nấu sôi cả trăm lần, nhà sư dùng tay không tắm cho vua. Sau đó, bệnh của vua Lý Thần Tông ngày càng thuyên giảm, ít lâu sau thì khỏi hẳn.
Khỏi được bệnh lạ, vua cảm phục tài năng của sư Minh Không. Để tạ ơn cứu mạng, vua đã cho phép sư đổi từ họ Nguyễn sang họ Lý, phong làm quốc sư.