Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao xử tù những người bắt giữ 'cát tặc'?

Dân có quyền bắt giữ khi phát hiện trường hợp phạm tội quả tang nhưng ranh giới giữa bắt người phạm tội quả tang và bắt giữ người trái pháp luật rất mong manh.

Ngày 28/6, TAND huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) đã tuyên phạt tổng cộng 35 năm tù với 4 bị cáo, về tội Bắt giữ người trái pháp luật và Cướp tài sản.

Các bị cáo gồm: Nguyễn Văn Cường (40 tuổi, trú xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn), Nguyễn Tuấn Anh (21 tuổi), Dương Văn Quý (27 tuổi) và Dương Văn Cương (28 tuổi, cùng trú huyện Sóc Sơn).

Đây là nhóm bị cáo đã tự ý bắt trói những người khai thác cát trái phép gần khu vực đất nông nghiệp của các bị cáo, sau đó thu điện thoại của những người này.

Các bị cáo tại phiên xét xử

Theo lời khai của các bị cáo, việc thu điện thoại là nhằm ngăn không cho “cát tặc” gọi thêm người đến, tránh đánh nhau to. Qua xô xát, bị cáo Nguyễn Văn Cường cũng bị một người trong nhóm hút cát chém vào cánh tay, gây thương tích 8%.

Hội đồng xét xử TAND huyện Sóc Sơn nhận định, Nguyễn Văn Cường là người cầm đầu, ba bị cáo còn lại có vai trò giúp sức. Cường bị tòa tuyên phạt 30 tháng tù về tội "Bắt giữ người trái pháp luật"; 7 năm 6 tháng tù về tội "Cướp tài sản" (điện thoại di động). Tổng hình phạt là 10 năm tù.

Pháp luật quy định, đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm bị phát hiện, thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc ủy ban nhân dân nơi gần nhất (Điều 111 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Bắt người phạm tội quả tang).

Tuy nhiên, ranh giới giữa việc bắt người phạm tội quả tang và bắt giữ người trái pháp luật là rất mong manh. Nếu chưa hiểu rõ pháp luật mà vội vàng hành động, rất có thể người dân sẽ vướng vòng lao lý như trường hợp của Nguyễn Văn Cường và 3 bị cáo nói trên.

Hội đồng xét xử TAND huyện Sóc Sơn nhận định, các bị cáo dù không có thẩm quyền bắt giữ người nhưng đã dùng vũ lực bắt, trói rồi đưa bị hại về nhà trái pháp luật. Việc lấy hai chiếc điện thoại của bị hại đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản.

Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo xâm phạm về sức khỏe, thân thể và tài sản của người khác. Trong đó, Cường đóng vai trò cao nhất, ba bị cáo còn lại với vai trò đồng phạm giúp sức.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (trưởng VP luật Chính Pháp – đoàn luật sư TP Hà Nội)

Trả lời VOV.VN về vấn đề này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (trưởng VP luật Chính Pháp – đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Quá trình cơ quan điều tra làm việc cũng như diễn biến tại phiên tòa cho thấy, các bị cáo chủ động mang theo hung khí lên thuyền của nhóm người hút cát và bắt giữ nhóm này. Trước hết, phải thấy rằng, các hành vi như vậy chưa phù hợp với quy định của pháp luật và tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho bản thân cũng như người khác.”

Theo luật sư Đặng Văn Cường, việc cầm hung khí lên thuyền của người khác, dẫn đến khả năng hai bên đánh nhau là hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi nhóm người xông lên thuyền không có chức năng nhiệm vụ để làm việc bắt giữ. Việc bắt giữ thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng. Và trên thực tế, hành động này đã dẫn đến toàn bộ hậu quả về sau, người bị thương, người bị trói và nhiều người phải vướng vòng lao lý.  

Xét về hành vi dùng vũ lực để lấy điện thoại, cần phải làm rõ xem hành vi này để chiếm đoạt tài sản, hay ngăn cản việc gọi điện để dẫn đến đánh nhau to hơn. “Hành vi Cướp tài sản chỉ cấu thành tội phạm khi chứng minh được hành vi đấy nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Việc các bị cáo lấy điện thoại nhằm mục đích gì cũng cần được chứng minh, làm rõ. Tình tiết này nếu các bị cáo kêu oan thì có thể tòa cấp phúc thẩm sẽ xem xét lại”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Quyền của công dân có thể bắt giữ người phạm tội quả tang, tuy nhiên những tội đó phải rõ ràng, ai cũng có thể thấy được. Theo luật sư Đặng Văn Cường, những tội như cướp tài sản, trộm cắp, hiếp dâm… là những tội có thể thấy rõ ràng. Tuy nhiên, việc hút cát trên sông thì chưa rõ ràng có phạm tội hay không.

Đối với người dân, khi thấy các hành động vi phạm pháp luật cần hết sức tỉnh táo, đồng thời tự trang bị những kiến thức pháp luật cần thiết để có cách ứng xử phù hợp.

“Người dân cần hiểu rõ ràng thế nào là bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang thì mới đưa ra hành động bắt. Việc bắt giữ cũng phải hết sức thận trọng. Thứ nhất là việc bắt giữ phải thể hiện sự công khai. Thứ hai là phải thông báo cho cơ quan chức năng.

Trước khi bắt giữ phải thông báo, sau khi bắt giữ phải dẫn giải đến các cơ quan chức năng, không dẫn ra nhà kho, về nhà hay nơi hoang vắng nào đó. Tránh trường hợp ảnh hưởng đến thân thể, sức khỏe của người bị bắt giữ hoặc gây nguy hiểm cho chính người bắt giữ. Nếu không làm như vậy thì rất dễ dẫn đến trường hợp bắt giữ người trái pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường tư vấn.

Võ Nam (VOV.VN)

Tin mới