Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao Việt Nam không công bố tình trạng khẩn cấp dịch corona?

(VTC News) -

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng Việt Nam đáp ứng rất tốt trước khi ban bố tình trạng khẩn cấp dịch virus corona.

Chiều 31/1, Bộ Y tế họp báo thông tin dịch viêm phổi cấp do virus corona, trong đó, Bộ cho biết các ca dương tính với virus corona ở Việt Nam đều là xâm nhập, chưa có ca bệnh lây lan trong cộng đồng.

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, công bố tình trạng khẩn cấp của WHO mang tính chất kêu gọi các quốc gia chung tay vào phòng chống dịch bệnh. Qua đó tạo nguồn lực để đáp ứng. Còn hiện nay, các biện pháp như hạn chế đi lại, đóng cửa khẩu... là không có trong công bố này.

Đây không phải lần đầu tiên WHO công bố tình trạng dịch khẩn cấp. Trước đó, WHO công bố 5 lần với các dịch bệnh khác.

Đối chiếu lại Việt Nam, theo khuyến cáo của Bộ Y tế chúng ta làm rất nhiều hoạt động đáp ứng được những vấn đề trên: Chia sẻ thông tin, thành lập ban chỉ đạo, chính quyền cáp cấp tham gia, chuẩn bị cho nguồn lực.

"Tôi cho rằng Việt Nam đáp ứng rất tốt trước khi ban bố tình trạng khẩn cấp. Tại Việt Nam, luật lại quy định khác về tình trạng y tế khẩn cấp so với quốc tế. Việt Nam làm việc hết sức mình để đáp ứng công tác phòng chống dịch" - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

"Việt Nam chưa bao giờ công bố khẩn cấp", ông Phu nói. 

Bên cạnh đó, bà Sataco Ottshu, đại diện WHO cho rằng, tiêu chí quyết định sự kiện y tế bất thường hay không đó là: Sự kiện y tế bất thường hay không, nguy cơ lây lan toàn cầu hay không, có đáp ứng cần sự chung tay của toàn cầu hay không.

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam (Bộ Y tế), tính đến 13h ngày 31/1, thế giới ghi nhận 9.833 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV).

Trong đó 213 người chết (toàn bộ đều là người Trung Quốc). Riêng Trung Quốc, 9.699 trường hợp nhiễm bệnh tại 30/31 tỉnh/thành phố.

Ngoài quốc gia này, thế giới cũng ghi nhận 134 trường hợp nhiễm virus corona tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Thái Lan (14 trường hợp), Nhật Bản (14), Hồng Kông (15), Singapore (13), Đài Loan (9), Ma Cao (7), Australia (9), Malaysia (8), Hoa Kỳ (6), Pháp (6), Việt Nam (5), Đức (5), Hàn Quốc (7), Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (4), Canada (3), Campuchia (1), Nepal (1), Sri Lanka (1), Phần Lan (1), Ấn Độ (1), Phillippines (1).

Tùng Lâm

Tin mới