Chính phủ Ukraine đang cố gắng kêu gọi người dân và các bên bình tĩnh khi cho rằng những rủi ro hiện nay không lớn hơn so với thời điểm cách đây 8 năm khi xung đột ở miền đông Ukraine leo thang và Nga sáp nhập Crimea.
Mọi thứ đều trong tầm kiểm soát
Trong khi điện Kremlin và phương Tây đều nói về nguy cơ của một cuộc xung đột thì các nhà chức trách Ukraine lại giữ thái độ bình tĩnh. Trong tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết không có sự thay đổi nào về lực lượng của Nga so với đợt tăng cường lực lượng hồi mùa xuân 2021.
Người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia Ukraine cáo buộc, một số hãng truyền thông phương Tây đang nói quá về mức độ nguy hiểm của những toan tính chính trị và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng, việc Mỹ và Anh sơ tán thân nhân của các nhà ngoại giao khỏi đại sứ quán ở Kiev là một hành động thận trọng quá mức.
Tổng thống Ukraine Zelensky. (Ảnh: AFP)
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar cho biết, số binh lính Nga tập trung ở biên giới Ukraine "không đủ để thực hiện một cuộc tấn công trên quy mô toàn diện". Thay vào đó, phía Ukraine cho rằng Nga đang sử dụng việc tăng cường lực lượng "chủ yếu để tống tiền chính trị phương Tây và gây sức ép với Ukraine".
"Mục tiêu chiến thuật của Nga là khoét sâu sự chia rẽ bên trong của chúng ta, làm dấy lên sự sợ hãi và làm suy yếu tình hình trong nước", phía Ukraine cáo buộc Nga.
Ukraine lo ngại rằng khi nỗi hoảng sợ lan rộng, nền kinh tế Ukraine có thể bị ảnh hưởng hoặc gây ra những bất ổn chính trị. Điều này đã gây ra sự chia rẽ giữa Washington và Kiev, bất chấp những nỗ lực từ 2 phía nhằm khẳng định rằng cả hai sẽ đoàn kết chống lại bất kỳ hành vi gây hấn nào từ Nga.
"Tất cả mọi thứ đều trong tầm kiểm soát. Không có lý do gì để hoảng sợ", ông Zelensky nhận định trong bài phát biểu trên truyền hình.
Hiện chỉ có 4 quốc gia ủng hộ Mỹ ở các mức độ khác nhau là Anh, Australia, Canada và Đức.
Lập trường khác biệt của Ukraine và phương Tây về nguy cơ Nga tấn công
"Tôi sẽ để các bên khác đánh giá nhưng có khoảng 100.000 binh lính Nga ở biên giới với Ukraine và không có gì đảm bảo Moscow không có ý định tấn công Kiev. Tình hình trên theo tôi vẫn khá nguy hiểm", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hôm 25/1.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Anna Malyar và chỉ huy cấp cao lực lượng Ukraine ở tiền tuyến - Trung tướng Oleksander Pavlyuk, Ukraine ước tính Nga có tổng cộng 127.000 binh lính mặc dù Mỹ vẫn khẳng định Moscow có khoảng 100.000 binh lính. Hiện tại quân đội Ukraine có khoảng 200.000 binh lính và vì thế, Kiev cho rằng Moscow sẽ cần nhiều binh lính hơn nếu có ý định tấn công nước này.
Dù vậy, bà Psaki phủ nhận có bất kỳ sự chia rẽ nào giữa Washington và Kiev, đồng thời cho biết: "Chúng tôi liên tục duy trì liên lạc với Ukraine để tái khẳng định sự ủng hộ của mình cũng như để cập nhật thông tin về các đợt vận chuyển hậu cần và các trang thiết bị quân sự, điều đang diễn ra trong một vài ngày qua".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cũng nhấn mạnh về sự hợp tác quân sự này, đồng thời đề cao "lập trường ngoại giao của Mỹ cũng như việc nước này tăng cường hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine, trong đó có cung cấp vũ khí và các trang thiết bị".
Khi được hỏi về những khác biệt giữa hai bên, nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ tại Ukraine Kristina Kvien đã phủ nhận điều này. Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với ABC News ngày 25/1 về đợt vận chuyển tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ cùng các vũ khí khác, bà Kristina cho biết: "Tổng thống Zelensky đang xem xét rất nghiêm túc mối đe dọa từ Nga và ông ấy đang thận trọng để chuẩn bị lực lượng nếu cần thiết".
Phương Tây chuẩn bị cho kịch bản Nga tấn công Ukraine như thế nào?
Các nhà lãnh đạo phương Tây đang tăng cường chuẩn bị trước cho bất kỳ hành động quân sự nào từ Nga ở Ukraine, với việc Mỹ tập trung vào những giải pháp bảo vệ nguồn cung năng lượng trong khi Tổng thống Joe Biden cho biết ông đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt trực tiếp lên Tổng thống Putin.
Phương Tây cho rằng căng thẳng vẫn ở mức cao sau khi NATO cho biết sẽ điều thêm lực lượng dự bị cùng các tàu chiến và máy bay tiêm kích tới Đông Âu nhằm phản ứng trước việc Nga tăng cường lượng lượng gần biên giới với Ukraine.
Mỹ và châu Âu đã đe dọa sẽ trừng phạt kinh tế nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công và các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết sự đoàn kết đang dâng cao mặc dù có sự khác biệt giữa một số nước châu Âu về cách phản ứng tốt nhất.
Tổng thống Biden đã nhắc lại hôm 25/1 rằng Mỹ không có kế hoạch điều quân tới Ukraine, quốc gia vốn không phải thành viên NATO, song cho biết ông sẽ cân nhắc đến việc áp đặt các biện pháp trừng phạt trực tiếp lên Tổng thống Putin và sẽ có "những hậu quả to lớn" nếu Nga tiến hành kế hoạch tấn công Ukraine.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng hối thúc các đồng minh châu Âu sẵn sàng thực hiện các biện pháp trừng phạt ngay khi xung đột nổ ra. Ông Johnson cho biết Anh đang thảo luận với Mỹ về khả năng loại Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
Tại Washington, các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden cho biết Mỹ đang trao đổi với các quốc gia sản xuất năng lượng quan trọng và các công ty trên thế giới về khả năng chuyển hướng nguồn cung sang châu Âu nếu Nga tấn công Ukraine.
Châu Âu phụ thuộc khoảng 1/3 nguồn cung khí đốt vào Nga. Bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu đều làm nghiêm trọng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại, vốn xảy ra do thiếu nguồn cung.
Sự hỗ trợ quân sự của phương Tây với Ukraine cũng được tăng cường. Mỹ đã cung cấp gói hỗ trợ quân sự trị giá 650 triệu USD cho Ukraine trong năm qua và tổng số hơn 2,7 tỷ USD từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Một máy bay Mỹ chở các thiết bị quân sự và đạn dược đã hạ cánh ở Kiev ngày 25/1, đánh dấu đợt vận chuyển thứ ba trong gói an ninh 200 triệu USD Mỹ dành cho Ukraine. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết, khoảng 8.500 binh lính nước này đang đặt trong báo động cao và đang chờ lệnh để triển khai tới khu vực nếu Nga tấn công Ukraine.