Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao UFO bỗng dưng xuất hiện nhiều ở Mỹ và Trung Quốc?

(VTC News) -

Sau sự cố khinh khí cầu Trung Quốc bay vào không phận Mỹ, hàng loạt vụ việc tương tự diễn ra, gợi lên nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời.

Lầu Năm Góc và các quan chức tình báo Mỹ đang cố gắng giải thích chuyện gì đang diễn ra liên quan đến ba vật thể bay không xác định (UFO) trên bầu trời Alaska, Canada và Michigan. Các vật thể đã bị các máy bay chiến đấu Mỹ bắn hạ bằng tên lửa vào ngày 10, 11 và 12/2.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng cho biết chuẩn bị bắn hạ một UFO khác mà họ phát hiện.

Lầu Năm Góc và các quan chức tình báo Mỹ đang cố gắng giải thích chuyện gì đang diễn ra liên quan đến ba vật thể bay không xác định được phát hiện gần đây. (Ảnh: Getty)

Từ khí cầu đến UFO

Vật thể mới nhất lần đầu tiên được phát hiện vào 11/2 ở Montana. Ban đầu, thậm chí một cuộc tranh luận còn nổi lên về việc nó có tồn tại hay không, khi các quan chức quân sự phát hiện ra đốm sáng trên radar quan sát rồi sau đó không thấy nữa. Họ cho rằng điều đó rất bất thường. Đến 12/2, một đốm sáng lại xuất hiện ở Montana, rồi Wisconsin và Michigan. Sau khi các quan chức quân sự xác nhận trực quan, họ điều một chiếc F-16 bắn hạ vật thể trên khu vực hồ Huron.

Hai câu hỏi lớn hiện xoay quanh các vụ việc này: Thứ nhất, các vật thể bay là gì? Thứ hai, tại sao đột ngột chúng có vẻ xuất hiện nhiều hơn và bị bắn hạ nhiều hơn ở Mỹ?

Chưa có câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên. Theo New York Times, các quan chức Mỹ không biết những vật thể này là gì, càng không biết chúng dùng để làm gì hay ai đã đưa chúng đến.

Vật thể bị bắn hạ tại hồ Huron trước đó bay ở độ cao 6.000 mét và được cho là tiềm ẩn nguy hiểm cho hàng không dân dụng. Các quan chức Mỹ cho biết thêm, nó có cấu trúc hình bát giác với các sợi dây treo lơ lửng nhưng không rõ mang theo những gì.

Trong khi đó, các vật thể bị bắn hạ vào ngày 10, 11/2 cũng bay ở độ cao thấp, có thể gây nguy hiểm lớn cho máy bay dân sự, nên bị bắn hạ. Một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết, chúng rất có thể không phải khí cầu. Nhưng vật thể hôm 11/2 được chính quyền Canada mô tả là hình trụ và một số quan chức khác nói nhiều khả năng đó là một loại khí cầu nào đó.

Đến nay vẫn chưa ai biết rõ sự thật.

Máy bay F-16. 

Chưa loại trừ khả năng nào

Radar của NORAD theo dõi hai vật thể đầu tiên trong ít nhất 12 giờ trước khi chúng bị bắn hạ. Nhưng các quan chức Bộ Quốc phòng chưa bao giờ nói liệu họ có phát hiện ra các vật thể này trên radar trước khi chúng đến gần không phận Mỹ hay không. Một quan chức cho biết không rõ điều gì đã giữ các vật thể này bay ở trên cao.

Ngoài ra, các quan chức Mỹ đang xem xét video và các dữ liệu cảm biến khác được phi công thu thập, những người đã trực tiếp quan sát các vật thể trước khi chúng bị phá hủy. Nhưng bản chất chính xác của các vật thể, việc chúng đến từ đâu và phục vụ cho mục đích gì sẽ không được xác nhận cho đến khi FBI và cảnh sát Canada có cơ hội kiểm tra kỹ lưỡng các mảnh vỡ.

Đối với câu hỏi thứ hai, chưa thực sự chắc chắn việc các vật thể bay xuất hiện tại Bắc Mỹ có phải là “đột ngột nhiều lên” hay không. Điều chắc chắn trước mắt là sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc, quân đội Mỹ và Canada đang trở nên cảnh giác và chú ý đến các vật thể mà trong quá khứ có thể họ đã cho phép bỏ qua.

Một trong những động thái ảnh hưởng đến tần suất phát hiện các UFO là sau vụ khinh khí cầu, Bộ Tư lệnh Phòng không Vũ trụ Bắc Mỹ, hay NORAD, đã điều chỉnh để hệ thống radar trở nên nhạy hơn. Nói cách khác, NORAD thấy nhiều vụ xâm nhập vì họ đang chủ ý tìm kiếm các vụ việc đó. Điều này một phần được thúc đẩy bởi những lùm xùm liên quan đến khinh khí cầu Trung Quốc – khi một số ý kiến cho rằng vật thể này đã bay lơ lửng trong không phận Mỹ một thời gian quá lâu (1 tuần) mới bị bắn hạ.

Hình ảnh khí cầu bị bắn hạ. 

“Chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng hơn không phận ở những độ cao này, bằng nhiều biện pháp bao gồm tăng cường radar. Điều đó có thể giải thích một phần sự gia tăng các vật thể được phát hiện trong tuần qua”, Melissa Dalton, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ cho biết tại một cuộc họp báo vào tối 12/2.

Các quan chức Mỹ cũng không loại bỏ hoàn toàn khả năng số vụ việc thực tế có thể nhiều hơn. Một số đưa ra giả thuyết rằng các vật thể có thể đến từ Trung Quốc, hoặc một cường quốc nước ngoài khác, và có thể nhằm mục đích kiểm tra khả năng phát hiện của Mỹ sau vụ khinh khí cầu.

Một giả thuyết khác được đưa ra hỏi hôm 12/2, về việc các quan chức có loại trừ khả năng các vật thể này có nguồn gốc ngoài Trái đất hay không. Tướng Glen D. VanHerck, chỉ huy Bộ Tư lệnh phía Bắc của Lực lượng Không quân Mỹ, cho biết: “Tôi chưa loại trừ bất cứ điều gì vào thời điểm này". Nhưng một số quan chức an ninh quốc gia Mỹ có ý kiến ngược lại. Một trong số đó nhận định, các vật thể không là thứ gì khác ngoài những thiết bị được tạo ra trên Trái đất.

"UFO" ở Trung Quốc

Trong khi đó, phía bên kia bán cầu, các nhà chức trách Trung Quốc cũng được cho là đang chuẩn bị bắn hạ một "vật thể bay không xác định" được phát hiện trên bầu trời gần phía đông tỉnh Sơn Đông.

Các nhà chức trách nước này đưa ra thông tin hôm 12/2, nói vật thể được phát hiện gần thành phố Nhật Chiếu. Theo Global Times, các nhà chức trách đang chuẩn bị bắn hạ vật thể này, và kêu gọi ngư dân ở khu vực lân cận giữ an toàn.

Ngoài cụm “vật thể bay không xác định” quen thuộc với công chúng, theo SCMP, quân đội Trung Quốc dùng cụm “điều kiện trên không không xác định”, trong khi quân đội Mỹ dùng “hiện tượng trên không không xác định” để chỉ những trường hợp UFO. Theo Independent, tính đến tháng 6/2021, lần duy nhất Trung Quốc từng xác nhận chính thức việc UFO được nhìn thấy là năm 1998, khi hai máy bay quân sự phải đánh chặn một vật thể bay thấp giống “cây nấm chân ngắn” với hai luồng sáng từ tâm, và khi đến gần, vật thể tăng tốc độ trước khi biến mất một cách “ma mị”. Trung Quốc đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để theo dõi các báo cáo UFO, với việc số lượng báo cáo có xu hướng tăng.

Khi các cơ quan Mỹ cho rằng khí cầu Trung Quốc đi vào không phận nước này là để do thám, Bắc Kinh phủ nhận và cho biết đó thực ra chỉ là khí cầu dân sự, nhằm mục đích nghiên cứu khí hậu. Trung Quốc chỉ trích Mỹ “thổi phồng” và phản ứng thái quá khi dùng vũ lực bắn hạ khí cầu, nói rằng hoàn toàn có thể có động thái đáp trả.

Đối với các vật thể không xác định mới nhất mà Mỹ bắn hạ, nếu bất cứ vật thể nào là từ Trung Quốc, điều đó có thể là bước leo thang lớn sau sự cố khí cầu. Theo New York Times, một số quan chức vì vậy cho rằng không nên vội kết luận các vật thể là thiết bị giám sát từ Bắc Kinh, trong khi đó các quan chức Trung Quốc dường như cũng muốn giảm căng thẳng liên quan.

Phương Anh (Tổng hợp )

Tin mới