Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao tháng 12 Âm lịch được gọi là tháng củ mật?

(VTC News) -

Tháng củ mật là một cách gọi dân gian để chỉ tháng cuối cùng trong năm âm lịch, vì sao tháng Chạp được gọi là tháng củ mật?

Tháng 12 Âm lịch - tháng Chạp còn được dân gian gọi là "tháng củ mật". Nguồn gốc và ý nghĩa của tên gọi này gắn liền với những đặc điểm cuộc sống người dân thuở xưa trong thời điểm cuối năm. 

Vì sao tháng Chạp được gọi là 'tháng củ mật'?

Tháng củ mật là một cách gọi khác của tháng Chạp, tháng cuối cùng trong năm Âm lịch. Tên gọi "củ mật" xuất phát từ bối cảnh của cuộc sống và phong tục tập quán của người dân trong tháng này. "Củ" là từ Hán Việt có nghĩa là củng cố, bảo vệ, kiểm soát; "mật" là mật thiết, cẩn thận.

Hai từ này kết hợp với nhau được hiểu là  là kiểm soát cẩn thận, để chỉ sự trông coi, bảo vệ cẩn thận tài sản. Tháng Chạp được gọi là 'tháng củ mật' vì đây là thời điểm mà mọi người cần nâng cao cảnh giác để bảo vệ tài sản và sức khỏe của mình.

Tháng 12 Âm lịch là thời điểm tất bật nhất trong năm. Người dân chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền - một dịp lễ lớn nhất, quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam. Đây là thời điểm mà mọi người dồn dập hoàn thành công việc còn dang dở, thu xếp tài chính, sắm sửa đồ đạc để chuẩn bị đón Tết. Sự bận rộn và tấp nập này đòi hỏi mọi người phải hết sức cẩn thận, tránh những sai sót không đáng có.

Khi càng gần Tết, các hoạt động giao thương, mua bán càng gia tăng. Sự đông đúc, vội vàng và cả sự sơ suất có thể dẫn đến các rủi ro về mất mát tài sản, hỏa hoạn hay các tệ nạn xã hội như trộm cắp. Do đó, việc "củ mật" nghĩa là xem xét, trông chừng cẩn thận tài sản, nhà cửa trở thành một nhu cầu cấp thiết.

Vì sao tháng 12 Âm lịch được gọi là 'tháng củ mật'? (Ảnh: Nhật Thùy)

Vì sao tháng 12 Âm lịch được gọi là tháng Chạp?

Từ "chạp" có nguồn gốc từ chữ Hán "lạp", và thường được hiểu là gắn liền với khái niệm lễ lạp. Chữ "lạp" (臘) trong tiếng Hán có nghĩa là bữa tiệc cuối năm - lễ tất niên hay lễ hội tạ ơn cuối năm, nó cũng có nghĩa là lễ tế thần vào tháng cuối năm âm lịch. Theo lễ nhà Chu (Trung Quốc), lễ tế tất niên gọi là “đại lạp”.

Tháng 12 Âm lịch là thời điểm mà người xưa tổ chức những lễ hội để cảm tạ tổ tiên, thần linh đã bảo vệ và phù hộ họ trong suốt một năm. Vì thế, tháng này còn được gọi là tháng "lạp" - lạp nguyệt.

Ngoài ra, chữ “lạp” trong tiếng Hán cũng có nghĩa là thịt cá muối hong khô. Tháng cuối năm là thời gian người ta tích trữ các loại thực phẩm để đối phó với mùa đông rét mướt, và cũng để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Trong đó, thịt cá là loại thực phẩm quý giá, quan trọng.

Trong lịch sử văn hóa nông nghiệp, tháng Chạp là thời điểm mà người dân hoàn tất công việc đồng áng trong năm cũ và chuẩn bị cho những nghi lễ linh thiêng đón chào năm mới.

Người dân mua đào những ngày giáp Tết. (Ảnh: Ngô Nhung)

Tháng Chạp đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong năm, khi mọi người gấp rút hoàn thành những công việc cuối cùng, thanh toán nợ nần, dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm để người dân chuẩn bị những mâm cỗ tươm tất, sắm sửa quần áo mới và trang hoàng nhà cửa, tất cả nhằm chào đón một năm mới an khang, thịnh vượng.

Tháng Chạp có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và văn hóa của người Việt. Đây là lúc sum họp gia đình, tưởng nhớ ông bà tổ tiên và cũng là thời điểm phù hợp nhất để thực hiện những nghi thức tâm linh quan trọng. Những lễ cúng diễn ra trong tháng này, như lễ cúng mùng 1 tháng Chạp, cúng Rằm tháng Chạp, cúng tất niên hay cúng ông Công ông Táo, thể hiện lòng biết ơn và mong ước một năm mới bình an, đầy đủ.

Nhật Thùy

Tin mới