Ngày này 65 năm trước (7/5/1954), Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu” trở thành biểu tượng cho các dân tộc thuộc địa bị thực dân áp bức đứng lên giành độc lập.
Nhưng chiến thắng lịch sử đó không diễn ra ở Hà Nội hay đồng bằng mà được làm nên ở thung lũng xa xôi, rộng lớn ở vùng rừng núi Tây Bắc.
Trả lời phỏng vấn VTC News về sự kiện lịch sử quan trọng này, Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội lý giải vì sao ta và Pháp lại quyết chiến ở Điện Biên Phủ chứ không phải Hà Nội.
Hầm chỉ huy của Christian de Castries tại căn cứ Điện Biên Phủ. Hầm chỉ huy này nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Tướng Thụy cho biết, sau nhiều thất bại và không thể xây dựng căn cứ ở đồng bằng, quân đội Pháp quyết định lựa chọn Điện Biên Phủ làm nơi xây dựng tập đoàn cứ điểm với ý đồ dụ, thu hút tiêu diệt quân chủ lực của ta.
Về bối cảnh lúc bấy giờ, sau 8 năm chiến tranh xâm lược Việt Nam, Pháp ngày càng thiệt hại nặng nề, vùng chiếm đóng bị thu hẹp, quân Pháp trên chiến trường dần lâm vào thế phòng ngự bị động.
Ngày 7/5/1953, tướng Navarre được cử làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Sau nhiều thiệt hại của quân đội Pháp, Navarre đề ra kế hoạch quân sự với hy vọng trong 18 tháng sẽ giành lấy một thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”.
Quân Pháp đánh giá Điện Biên Phủ là nơi có thể hút được chủ lực của ta lên và thuận lợi cho họ dùng hỏa lực để tiêu diệt.
Trung tướng Đặng Quân Thụy
“Tướng Navarre sang với ý đồ rất lớn là sẽ tập trung lực lượng lại chứ không dàn quân chiếm lĩnh nhiều nơi nữa. Navarre muốn tập trung lại thành khối lớn, tạo thành sức mạnh lớn và dùng sức mạnh đó để đánh với chủ lực của ta”, tướng Thụy nói.
Sau khi khảo sát, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã tập trung lực lượng để xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất tại đây.
“Họ đã chọn vùng đồng bằng nhưng không được, không thành công nên quyết định lựa chọn Điện Biên Phủ.
Quân Pháp đánh giá Điện Biên Phủ là nơi có thể hút được chủ lực của ta lên và thuận lợi cho họ dùng hỏa lực để tiêu diệt.
Đây là đánh giá rất chủ quan của Bộ tham mưu quân đội Pháp, họ có ý đồ dụ chủ lực của ta lên đấy và dùng sức mạnh để đánh bại chủ lực của ta, sau đó tỏa ra chiếm lại Tây Bắc”, tướng Thụy nhận định.
Trung tướng Đặng Quân Thụy cho biết, vì là ý tưởng lớn, được Navarre tập trung mọi cố gắng nên quá trình xây dựng tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ diễn ra rất nhanh.
“Đầu tiên, một vài tiểu đoàn của Pháp nhảy dù xuống, sau đó dần dần phát triển lực lượng, tăng quân dần lên. Quá trình đó diễn ra rất nhanh, chỉ từ mấy tiểu đoàn dù, sau đó thả pháo, thả xe tăng, bộ binh xuống và rồi hình thành tập đoàn cứ điểm”, tướng Đặng Quân Thụy nói.
Tổng số địch ở Điện Biên Phủ lúc cao nhất có tới 16.200 quân, gồm 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, cùng với pháo binh, công binh, xe tăng và nhiều máy bay.
Sau khi kiểm tra, các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đều coi Điện Biên Phủ là “một pháo đài bất khả xâm phạm”.
Tướng Đặng Quân Thụy cho biết, để đối phó với ý đồ của Pháp lúc bấy giờ, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội đã tìm cách ta tấn công quân Pháp nhiều vùng khác nhau đến kéo giãn đội hình địch.
“Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo Bác Hồ về việc quân Pháp tập trung quân lại để tiêu diệt chủ lực của ta, Bác đã nói “ta không sợ, ý đồ của họ muốn tập trung thì ta buộc họ phải phân tán ra và ta đánh”.
Bác Hồ nói “ta không sợ, ý đồ của họ muốn tập trung thì ta buộc họ phải phân tán ra và ta đánh”.
Trung tướng Đặng Quân Thụy
Sau đó, ta dùng pháo binh để giãn quân địch, mở nhiều chiến dịch ở miền Trung, miền Nam, cả ở Thượng Lào và Hạ Lào, buộc quân địch phải rải ra, làm thất bại ý đồ của họ”, tướng Thụy nói.
Nhưng do vị trí chiến lược quan trọng của Điện Biên Phủ đối với Bắc Đông Dương. Navarre tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành một “cái bẫy hiểm ác”, một “cái máy nghiền khổng lồ”.
Sau khi ta giành nhiều thắng lợi quận sự ở hầu khắp các mặt trận trên chiến trường Đông Dương, tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt lực lượng địch ở đây, giải phóng vùng Tây Bắc, tạo điều kiện giải phóng Bắc Lào.
Ngày 13/31954, quân ta nổ súng mở màn cuộc tấn công đập tan tập đoàn cứ điển Điện Biên Phủ. Chiến dịch điện Biên Phủ được chia làm 3 đợt, quân ta lần lượt tiến công tiêu diệt và chiếm các cụm cứ điểm lớn của địch.
Chiều 7/5, quân ta đánh vào sở chỉ huy địch. 17h30 ngày 7/5, tướng De Castries, Chỉ huy trưởng cùng toàn bộ Ban tham mưu của địch đầu hàng và bị bắt sống.
Tướng De Castries bị bắt tại Điện Biên Phủ.
Kết thúc chiến dịch, quân đội ta loại khỏi vòng chiến đấu toàn bộ 16.200 tên địch, trong đó có 1 tướng, hạ 62 máy bay, 81 đại bác.
Thắng lợi trận Điện Biên Phủ đã đập tan “kế hoạch Navarre”, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi.
“Các tướng lĩnh quân đội Pháp sau này phân tích cũng không hiểu tại sao Navarre lại chọn chiến trường rừng núi xa xôi như Điện Biên, nhiều người đánh giá Navarre là người không hiểu tình hình”, Tướng Đặng Quân Thụy cho hay.