"Ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư", Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) Lê Phước Vũ đã tuyên bố như vậy tại đại hội cổ đông bất thường của công ty sáng 6/9/2017 tại TP.HCM khi dẫn ra ví dụ Tập đoàn Hòa Phát lời đến 2.000 tỷ đồng/quý trong đó lãi từ thép chiếm 80%.
Ngay trong thời điểm được cho là "nhạy cảm" sau sự cố môi trường do nhà máy thép Formosa (Hà Tĩnh) gây ra và nỗi lo thị trường thép thế giới đang lao đao vì hàng triệu tấn thép dư thừa thì ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen vẫn tự tin công bố kế hoạch triển khai dự án thép Cà Ná.
Tổ hợp dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận có công suất 16 triệu tấn một năm, với vốn đầu tư 10,6 tỷ USD là dự án mà ban lãnh đạo Hoa Sen đã đặt rất nhiều kỳ vọng. Dự án này được Bộ Công Thương đưa vào dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025, tầm nhìn 2035.
Tuy nhiên, đến tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức cho tạm dừng triển khai dự án thép Cà Ná của Hoa Sen với lý do dự án chỉ mới dừng ở mức đánh giá sơ bộ, công tác chuẩn bị còn vội vàng, thông tin về dự án còn bất cập, chưa đầy đủ, toàn diện...
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen.
Đến ngày 16/1/2018, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017-2018 (niên độ tài chính của Hoa sen Group bắt đầu từ 1/10 đến 30/9 năm sau), ông Vũ cho biết, hiện công ty đang triển khai xúc tiến, hoàn thiện, chuẩn bị các thủ tục pháp lý cần thiết để đăng ký đầu tư dự án, đồng thời tiếp tục làm việc với các đơn vị tư vấn có uy tín để lựa chọn giải pháp công nghệ và máy móc thiết bị phù hợp cho việc triển khai dự án.
"Cà Ná là dự án lớn, khi nào cơ quan nhà nước cấp phép khi nào thì ta làm khi đó", ông Vũ cho biết.
Để chuẩn bị cho việc phát triển dự án khu liên hợp thép hàng triệu tấn/năm tại Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận, ngày 2/8/2016, HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen Tập đoàn Hoa Sen đã thông qua quyết định thành lập 5 doanh nghiệp mới trực thuộc tổ hợp dự án Cà Ná, trực tiếp tham gia việc triển khai, thực hiện đầu tư của tập đoàn tại đây, với hình thức là công ty TNHH MTV do Hoa Sen nắm giữ 100% vốn
5 doanh nghiệp này gồm Công ty TNHH MTV Đầu tư Khu liên hợp luyện cá thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận (HSIC) có vốn điều lệ 100 tỷ đồng do ông Lê Phước Vũ làm chủ tịch; và 4 công ty do ông Trần Ngọc Du - Tổng giám đốc Hoa Sen là Chủ tịch HĐQT gồm Công ty TNHH MTV Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận (HSIP) với vốn điều lệ 50 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận (HSRE) với vốn điều lệ 20 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Xi măng Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận, vốn điều lệ 30 tỷ đồng; và Công ty TNHH MTV Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ của 5 doanh nghiệp này là 250 tỷ đồng.
Mô hình 3D của dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.
Tuy nhiên, theo báo cáo thường niên 2017, Hoa Sen mới chỉ góp 15 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV Đầu tư Khu liên hợp luyện cá thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận (HSIC) và 3 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận (HSIP) và 2,5 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận. Như vậy, Hoa Sen đã rót 20,5 tỷ đồng vào các công ty con thực hiện dự án thép Cà Ná. Các công ty còn lại chưa được góp vốn.
Tổng mức đầu tư của dự án lên tới 10,6 tỷ USD trong khi vốn điều lệ của tập đoàn chỉ là 3.500 tỷ, tổng vốn chủ sở hữu là 5.500 tỷ đồng tại ngày 31/12/2017.
Với tổng mức đầu tư lên tới 10,6 tỷ USD, tập đoàn Hoa Sen chỉ đóng góp 15% vốn đầu tư cho dự án này, phần còn lại sẽ đi vay.
Ông Lê Phước Vũ cũng quảng bá rầm rộ đã có nhiều ngân hàng quốc doanh nội địa và quốc tế cho vay và góp vốn như Vietcombank, BIDV, Agribank, ACB, MBBank, HSBC, ANZ Standard Chartered Bank, Commonwealth Bank of Australia (CBA), UOB,… Trong khi sau ấy. những tên tuổi HSBC, ANZ, Standard Chartered Bank, Commonwealth Bank of Australia (CBA) đã rút vốn khỏi Việt Nam.
Tính đến ngày 31/12/2017, tổng nợ phải trả của Hoa Sen là 18.608 tỷ đồng, gấp 3,3 lần vốn chủ sở hữu (5.500 tỷ đồng). Trong đó, riêng vay nợ ngắn và dài hạn đã lên đến 17.074 tỷ đồng, tăng 44% so với đầu kỳ.
Hiện chủ nợ của Hoa Sen là là hàng loạt ngân hàng từ nội đến ngoại như VietinBank, Vietcombank, MBBank, Agribank, HSBC, ANZ, Standard Chartered Bank, UOB, Vietcombank, BIDV, Agribank, ACB, MBBank.... Hầu hết khoản vay đều được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị hoặc hàng tồn kho.
Trong đó, đến ngày 31/12/2017, Vietinbank đang là chủ nợ ngắn hạn lớn nhất của Tập đoàn Hoa Sen với tổng giá trị vay nợ hơn 5.342 tỷ đồng tại 5 chi nhánh. Vietcombank với tổng dư nợ cho vay 3.266,6 tỷ đồng, BIDV với 1214,5 tỷ đồng cho vay, MBBank với 397,8 tỷ đồng...
Đáng chú ý, khi tuyên bố bỏ 10,6 tỷ USD làm siêu dự án thép Cà Ná, ông Lê Phước Vũ cũng khẳng định sẽ không để một giọt nước ô nhiễm nào xuống biển. Dự án thép Cà Ná sẽ sử dụng công nghệ hiện đại Tây Âu.
Video: Nữ đại gia bị phó giám đốc ngân hàng lừa mất 245 tỷ đồng là ai?
Ngay sau khi thông tin dự án được công bố, trên các trang mạng xã hội xuất hiện thông tin rằng vào giữa năm 2015, Hoa Sen Group cử một đoàn cán bộ đến Ninh Thuận khảo sát địa điểm để thiết kế xây dựng tổ hợp thép Hoa Sen Cà Ná. Đoàn này do ông Nguyễn Văn Quý, khi ấy là Phó tổng giám đốc Hoa Sen Group phụ trách.
Thành phần có 6 người quốc tịch Trung Quốc, đến từ CISDI Group. Trong văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Thuận, Hoa Sen cho biết CISDI là đơn vị tư vấn thiết kế.
Trang web của CISDI Group cho biết công ty này là công ty con của Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) - nhà thầu chính xây dựng tổ hợp Formosa Hà Tĩnh cũng như dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO) hiện bị đình trệ.