Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao Quốc hội chưa thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh?

(VTC News) -

Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4, tuy nhiên, một số nội dung chưa nhận được ý kiến đồng thuận cao nên được hoãn chưa thông qua.

Tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều nay (15/11), nhiều phóng viên đặt câu hỏi về việc sau một thời gian thí điểm tự chủ toàn phần, 2 bệnh viện lớn là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K xin dừng cơ chế này. Trước đó, trong kỳ họp Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu nêu ra những khó khăn vướng mắc trong quá trình tự chủ bệnh viện. Vậy giải pháp nào để gỡ vướng cho những đơn vị này?

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến phóng viên đặt câu hỏi về việc Quốc hội quyết định điều chỉnh thời gian thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đây là lĩnh vực “nóng” tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, vậy Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi dự kiến sẽ được điều chỉnh và thông qua khi nào?

Phóng viên Ngọc Thành VOV.VN đặt câu hỏi về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Trả lời những nội dung này, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp này, tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, có nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn về các nội dung trong dự thảo luật, đặc biệt là phần về chính sách tài chính, cơ chế tài chính cho bệnh viện, trong đó có cả vấn đề về tự chủ bệnh viện. Ông Mai cho rằng, đây là những nội dung rất mới, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã báo cáo Quốc hội đây là nội dung cần thời gian để làm rõ, xin trình lại và thảo luận ở kỳ họp sau.

Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Liên quan đến vấn đề tự chủ bệnh viện, ông Nguyễn Hoàng Mai cho biết, hiện nay có 2 bệnh viện lớn “xung phong” tự chủ toàn phần nhưng sau đó lại xin dừng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động của dịch COVID-19, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu tài chính của các bệnh viện. Song lý do khác quan trọng hơn là những vướng mắc về cơ chế liên quan khi thực hiện tự chủ.

Việc tự chủ bệnh viện đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của hàng loạt luật như Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giá, Luật Đấu thầu. Ông Nguyễn Hoàng Mai cho biết, trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ cố gắng tối đa để thảo luận, thống nhất những quy định nào cần điều chỉnh trong các luật liên quan để tạo điều kiện cho các bệnh viện tự chủ.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội có 12 chương và 120 điều, nhiều hơn 14 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, bỏ 01 điều và bổ sung 15 điều.

Nguyễn Trang (VOV.VN)

Tin mới