Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao quan chức cấp cao Mỹ ít thăm Đài Loan?

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ đến Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày 2/8 trong chuyến thăm chính thức cấp cao nhất của một quan chức Mỹ tới hòn đảo này.

Nếu chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ diễn ra theo đúng kế hoạch vào ngày 2/8, bà Pelosi sẽ là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm hòn đảo này trong hơn 25 năm qua.

Theo nguồn tin am hiểu với vấn đề, bà Pelosi dự kiến sẽ đến thăm Đài Loan (Trung Quốc), nhưng kế hoạch có thể thay đổi vào phút chót. 

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. (Ảnh: WSJ)

Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã bắt đầu chuyến công du châu Á vào ngày 31/7, với điểm dừng chân đầu tiên là Singapore và các địa điểm tiếp theo sẽ là Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng không đề cập Đài Loan (Trung Quốc) có trong hành trình hay không. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phản ứng trước các báo cáo về chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của bà Pelosi, rằng sẽ có những hành động đáp trả.

Mỹ ban đầu công nhận chính phủ ở Đài Loan là chính phủ của Trung Quốc. Nhưng sau khi Mỹ và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979, mối quan hệ Mỹ - Đài Loan đã bước vào một thời kỳ lấp lửng về mặt ngoại giao kéo dài hàng thập kỷ.

Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) đã cư xử như những đồng minh nhưng cả hai bên đều không duy trì một đại sứ quán chính thức ở thủ đô của bên còn lại. Các Tổng thống Mỹ từ lâu đã tránh tiếp xúc với những người đồng cấp Đài Loan, thậm chí là qua các cuộc điện đàm, để tránh làm Trung Quốc tức giận.

Các quan chức cấp cao của Mỹ thường hiếm khi có chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc). Quan chức cấp cao Mỹ đến thăm Đài Loan lần gần nhất là cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich vào năm 1997.

Lý do Mỹ và Đài Loan không có quan hệ ngoại giao

Tổng thống Mỹ duy nhất từng đến thăm Đài Loan (Trung Quốc) là ông Dwight D. Eisenhower, người đã gặp Tưởng Giới Thạch tại Đài Bắc vào năm 1960.

Vào năm 1971, sau khi mất ghế tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và được Trung Quốc thay thế, Đài Loan dần mất đi sự công nhận về mặt ngoại giao trên toàn thế giới. Năm 1979, Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Kể từ đó, Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan và hoạt động theo chính sách “Một Trung Quốc”. 

Mặc dù Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan (Trung Quốc), nhưng hai bên vẫn có những mối quan hệ về nhiều mặt.

Cùng năm 1979, khi quan hệ với Trung Quốc được thiết lập, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã ký ban hành Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó đặt ra một loạt điều khoản cho các mối quan hệ không chính thức.

Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) có mối quan hệ mạnh mẽ về kinh tế và quân sự. “Mỹ sẽ cung cấp cho Đài Loan các thiết bị quân sự và dịch vụ quốc phòng với số lượng cần thiết nhằm giúp Đài Loan duy trì khả năng tự vệ”, Đạo luật Quan hệ Đài Loan nêu rõ.

Trên thực tế, cả hai bên đều duy trì nhiệm vụ ngoại giao. Mỹ đã thành lập Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan nhằm hỗ trợ và bảo vệ lợi ích của Washington tại Đài Bắc một cách không chính thức. Trong khi đó, Đài Loan thành lập Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc, đặt tại khu vực Công viên Cleveland của Washington.

Các nhà lập pháp Mỹ từng đến thăm Đài Loan

Các nhà lập pháp Mỹ có các chuyến thăm thường kỳ đến Đài Loan. Trong những tháng gần đây, đã có một số chuyến thăm quan trọng tại Đài Loan, với sự tham gia của Thượng nghị sĩ Rick Scott và Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth.

Một phái đoàn nhỏ của các nhà lập pháp lưỡng đảng, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Robert Menendez, đã thực hiện một chuyến đi không báo trước đến Đài Bắc vào tháng 4. Những chuyến thăm như vậy thường vấp phải sự chỉ trích và phản đối kịch liệt của giới chức Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo Đài Loan cũng từng đến thăm Mỹ. Bà Thái Anh Văn thăm Mỹ vào năm 2019 khi trên đường đến Caribe, với các điểm dừng chân ở New York và Denver, bất chấp việc Trung Quốc phản đối động thái này.

Nếu chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ diễn ra theo đúng kế hoạch, bà Pelosi sẽ là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm hòn đảo này trong hơn 25 năm qua, sau chuyến thăm của ông Gingrich vào năm 1997. 

Đài Loan và Mỹ đang xích lại gần nhau?

Washington Post nhận định rằng, Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) dường như xích lại gần nhau khi mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh xảy ra căng thẳng.

Vào tháng 11/2016, ông Donald Trump, khi ấy là tổng thống đắc cử, đã có cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn, sau hàng thập kỷ tồn tại khoảng cách ngoại giao được kiểm soát chặt chẽ giữa hai bên.

Vào năm 2018, cựu Tổng thống Trump ký Đạo luật Du lịch Đài Loan nhằm khuyến khích nhiều cuộc gặp chính thức hơn giữa các quan chức Đài Loan (Trung Quốc) và các đối tác Mỹ. 2 năm sau, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar đã đến thăm Đài Loan (Trung Quốc) trong chuyến thăm cấp cao nhất tới đảo quốc này của một thành viên nội các từ năm 1979.

Trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã dỡ bỏ các quy tắc tự áp đặt của chính phủ Mỹ đối với việc cấm tương tác giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc).

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ tìm cách gây áp lực với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã không thay đổi những biện pháp trên.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã nhiều lần gợi ý rằng Mỹ sẽ viện trợ quân sự cho Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công hòn đảo này.

Trung Quốc phản ứng ra sao trước chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi?

Trung Quốc, vốn không chấp nhận bất kỳ cuộc gặp chính thức nào giữa Mỹ và Đài Loan, đã kiên quyết phản đối việc bà Pelosi thăm Đài Loan. 

“Nếu bà Pelosi nhất quyết thăm Đài Loan, Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết hôm 1/8.

Ông Triệu Lập Kiên cho rằng, bà Pelosi là “nhân vật số 3 của chính phủ Mỹ”, nên chuyến thăm Đài Loan của bà “rất nhạy cảm” và dù bà đến Đài Loan vào thời điểm nào hoặc bằng cách nào đều sẽ “phá hoại nghiêm trọng quan hệ Mỹ - Trung và gây ra các tác động chính trị tồi tệ”.

Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Biden vào tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cảnh báo Mỹ không can thiệp vào hòn đảo này.

Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi cho biết, quân đội Trung Quốc “sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài”.

Trong khi đó, Nhà Trắng đã lên tiếng nhằm xoa dịu tình hình. Người Phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby tuần trước nói rằng không có lý do gì để Mỹ và Trung Quốc phải đối đầu nếu bà Pelosi quyết định đến thăm Đài Loan. Ông Kirby nói thêm rằng, “không có thay đổi nào” trong chính sách của Mỹ liên quan đến Trung Quốc.

Mai Trang (VOV.VN)

Tin mới