Hôm 3/10 (theo giờ Mỹ), ông Kevin McCarthy bị phế truất khỏi chức Chủ tịch Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu lịch sử tại nước Mỹ. Với 216 phiếu thuận và 210 phiếu chống, Hạ viện Mỹ lần đầu tiên loại bỏ Chủ tịch Hạ viện đương nhiệm. Trong số những người bỏ phiếu phế truất ông McCarthy có 8 thành viên đảng Cộng hòa và 208 đảng viên đảng Dân chủ.
Cuộc nổi dậy được lãnh đạo bởi nghị sĩ Matt Gaetz - thành viên đảng Cộng hòa cực hữu từ Florida. Vị nghị sĩ này đã cáo buộc Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã không làm hết trách nhiệm trong việc cắt giảm chi tiêu liên bang.
Ông Kevin McCarthy không tái tranh cử Chủ tịch Hạ viện Mỹ. (Ảnh: AP)
Ông McCarthy đã phải đối mặt với sự phản đối dai dẳng từ phe cánh hữu trong việc thỏa hiệp với đảng Dân chủ về nguồn viện trợ của chính phủ cho Ukraine.
“Lý do Kevin McCarthy bị sa thải hôm nay là vì không ai tin tưởng ông. Kevin McCarthy đã đưa ra nhiều lời hứa trái ngược", Hạ nghị sĩ Matt Gaetz của Florida nói sau cuộc bỏ phiếu.
Cùng với Gaetz, 7 thành viên đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu lật đổ McCarthy: Nghị sĩ Andy Biggs, Ken Buck, Tim Burchett, Eli Crane, Bob Good, Nancy Mace và Matt Rosendale.
Một ngày trước đó, Gaetz cáo buộc McCarthy đã thực hiện "thỏa thuận bí mật" với Tổng thống Joe Biden về viện trợ Ukraine để có được một dự luật tài trợ ngắn hạn được thông qua vài giờ trước khi chính phủ bị đóng cửa.
Thỏa thuận trước bầu cử Chủ tịch Hạ viện
Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm giữa nhiệm kỳ với ông McCarthy là do ở thời điểm bầu Chủ tịch Hạ viện hồi đầu năm, ông McCarthy đã đồng ý với loạt điều khoản nhượng bộ. Ông McCarthy đã phải trải qua 15 vòng bỏ phiếu để trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ khóa 118.
Để có đủ số phiếu bầu, ông McCarthy đã phải loại bỏ sự phản đối từ một khối những người bảo thủ theo đường lối cứng rắn trong cuộc tranh cử dài nhất Hạ viện Mỹ trong 164 năm. Thời điểm đó, với hy vọng lấy lòng những người chỉ trích, ông McCarthy và đồng minh phải thực hiện một loạt nhượng bộ và lời hứa quan trọng đối với những người bảo thủ.
Đáng chú ý, trong các điều khoản mà ông McCarthy nhượng bộ có điều khoản về việc bất kỳ thành viên nào cũng có thể kêu gọi một cuộc kiến nghị loại bỏ Chủ tịch Hạ viện. Điều này rất quan trọng vì nó sẽ giúp việc kích hoạt một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chủ tịch Hạ viện dễ dàng hơn nhiều so với trước đây.
Tại thời điểm đó, trong Hạ viện Mỹ, những đảng viên bảo thủ thúc đẩy mạnh mẽ điều này, trong khi những người ôn hòa lo lắng nó sẽ làm suy yếu bàn tay của ông McCarthy.
Chênh lệch sít sao
Bên cạnh đó, đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện với đa số ghế sít sao so với đảng Dân chủ với số ghế lần lượt là 221-212. Đây là khoảng cách rất mong manh giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà. Chỉ cần số ít thành viên đảng Cộng hoà bị lôi kéo, hay có quan điểm trái với đa số trong đảng thì các cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện sẽ nghiêng về đảng còn lại. Chính sự bấp bênh này khiến cho McCarthy rời ghế Chủ tịch Hạ viện khi dù chỉ có 8 thành viên đảng Cộng hoà bỏ phiếu chống.
Sau khi ông McCarthy bị phế truất, Hạ viện Mỹ phải bầu Chủ tịch mới. Quy định của Quốc hội Mỹ lần thứ 118 nêu rõ, trong trường hợp trống ghế Chủ tịch Hạ viện, thành viên tiếp theo có tên trong danh sách do ông McCarthy đệ trình lên Thư ký Hạ viện Mỹ hồi tháng 1 sẽ trở thành chủ tịch lâm thời cho đến khi một chủ tịch được bầu.
"Trong khi chờ cuộc bầu cử như vậy, thành viên đóng vai trò là chủ tịch lâm thời có thể thực thi các quyền hạn của Văn phòng Chủ tịch Hạ viện khi cần thiết và phù hợp với mục đích đó”, quy định của Quốc hội Mỹ lần thứ 118 cho hay.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ trên đồi Capitol ở thủ đô Washington. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Thư ký Hạ viện đã thông báo tên người tạm thời giữ vị trí Chủ tịch Hạ viện Mỹ ngay sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ông McCarthy. Theo đó, Hạ nghị sĩ Patrick McHenry đến từ Bắc Carolina được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hạ viện lâm thời.
Việc nội bộ của đảng Cộng hòa
Theo các nguồn tin CNN, đảng Cộng hòa tại Hạ viện sẽ tổ chức một cuộc họp hội nghị vào tối 3/10, song cuộc bầu cử dự kiến sẽ không diễn ra cùng ngày.
Ông Kevin McCarthy sẽ không tranh cử vị trí Chủ tịch Hạ viện Mỹ. CNN dẫn lời nghị sĩ đảng Cộng hoà Ralph Norman từ Nam Carolina cho biết, ông McCarthy không tranh cử Chủ tịch Hạ viện. “Ông ấy không sẽ không tái tranh cử. Ông ấy vừa nói là sẽ không chạy đua vào ghế Chủ tịch Hạ viện", hạ nghĩ sĩ Ralph Norman cho hay.
Chủ tịch Hạ viện là vị trí quyền lực số ba trong chính phủ Mỹ, chỉ sau tổng thống và phó tổng thống. Chủ tịch Hạ viện sẽ dẫn dắt, thiết lập chương trình nghị sự của cơ quan này.
Thông thường, sau bầu cử, toàn bộ nghị sĩ tại Hạ viện sẽ bỏ phiếu bầu chủ tịch sau khi quốc hội bắt đầu nhiệm kỳ mới. Ứng viên cần giành được ít nhất 218 phiếu ủng hộ trong số 435 ghế Hạ viện. Con số này có thể thấp hơn nếu có nghị sĩ không tham gia bỏ phiếu.
Chọn chủ tịch Hạ viện là công việc mang tính chất nội bộ của đảng chiếm đa số. Ứng viên Chủ tịch Hạ viện phải được nghị sĩ đề cử.