Trước đây, ngày 1/1 hàng năm không phải là ngày đón năm mới ở Nga, người dân Nga vẫn phải đi làm như bình thường. Phải đến năm 1947, Liên Xô ban hành sắc lệnh tuyên bố “1/1 là ngày lễ”. Và trước khi xem ngày 1/1 là thời điểm đón năm mới, người Nga từng đón năm mới vào tháng 3 và tháng 9 theo các hệ lịch cổ.
Năm mới được tổ chức vào ngày 1/3
Ở nước Nga cổ, các nhà sử học vẫn chưa tìm ra cơ sở cho việc đón năm mới vào ngày 1/3. Giả thuyết thứ nhất cho rằng, điều này đơn giản là vì năm nông nghiệp bắt đầu vào tháng 3. Theo giả thuyết khác, người Nga thời tiền Thiên chúa giáo bằng cách nào đó đã chấp nhận ngày 1/3 là ngày đầu tiên của năm mới - theo tháng đầu tiên của lịch La Mã cổ đại, có 10 tháng.
Năm 988, khi Cơ đốc giáo du nhập vào Nga, ngày đầu tiên của năm mới được giữ nguyên - vì Kievan Rus bắt đầu sử dụng lịch Byzantine.
Kinh thánh Aldine, một ấn bản Kinh thánh bằng tiếng Hy Lạp dựa trên Kinh thánh Cựu Ước tiếng Hy Lạp. Kinh thánh Aldine được xuất bản tại Venice vào năm 1518 bởi Nhà xuất bản Aldine.
Đế chế Byzantine sử dụng bộ lịch được tạo ra ở Constantinople (Istanbul hiện đại) vào năm 353 (còn được gọi là “Kỷ nguyên sáng tạo của Constantinople” hoặc “Kỷ nguyên của thế giới”).
Lịch này bắt đầu từ khi tạo ra thế giới - theo Septuagint (bản dịch Kinh Thánh tiếng Do Thái sớm nhất được biết đến trong tiếng Hy Lạp), xảy ra vào khoảng năm 5508 trước khi Chúa Giê-su ra đời. Từ khoảng thế kỷ thứ 7, ngày Tết theo lịch Byzantine bắt đầu vào ngày 1/3 - vì vậy nó phù hợp với người Nga. Năm đầu tiên của nước Nga là năm 6496 trong lịch Byzantine. Tuy nhiên, cùng năm, Đế chế Byzantine chuyển ngày đầu năm mới sang ngày 1/9.
Năm mới được chuyển sang ngày 1/9
Từ thế kỷ 10 cho đến năm 1492, ở Nga, cả ngày 1/9 và ngày 1/3 đều được coi là ngày đầu tiên của năm mới. Trong đời sống hàng ngày, Tết được tổ chức vào tháng 3, còn tháng 9 được sử dụng trong việc kí kết các tài liệu chính thức như thỏa thuận, hợp đồng, giấy chứng nhận, và quan trọng hơn. Nhà thờ Chính thống giáo đã tổ chức năm mới vào ngày 1/9 - giống như Đế chế Byzantine.
Nhưng đến năm 1492, theo nhiều lời tiên tri được lưu truyền trong xã hội Nga vào cuối thế kỷ 15, đây là năm mà Antichrist sẽ giáng trần - hay còn được gọi là "Ngày tận thế". Hầu hết người Nga, ngay cả giới tinh hoa và có học thức nhất, đều tin vào những lời tiên tri này.
Các tài liệu cổ ghi lại cho biết, năm 1492, số lượng giao dịch mua bán thấp hơn đáng kể so với năm 1491 hoặc 1493. Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan dân sự và hệ thống phân cấp chính quyền của Moskva không coi trọng tiên đoán này.
Thực tế, không có "tận thế" nào xảy ra vào ngày 1/9/1492 (năm 7001 theo lịch Byzantine). Thay vào đó, Hội đồng Nhà thờ Chính thống giáo Moskva ra quyết định năm mới nên bắt đầu vào ngày đó, và năm mới vào tháng 3 phải được hủy bỏ hoàn toàn. Quyết định này có lý do chính trị đằng sau nó.
Chân dung Ivan III Đại đế của Moskva.
Theo đó, gần 40 năm trước, vào năm 1453, Constantinople bị Đế chế Ottoman chinh phục, đến năm 1472, Hoàng tử Ivan III của Moskva kết hôn với Sophia Palaiologina, cháu gái của Hoàng đế Byzantine cuối cùng, Constantine XI Palaiologos.
Từ hai điểm trên, Ivan III quyết định chọn ngày 1/9 làm thời điểm đón năm mới như một thông điệp rõ ràng đến thế giới rằng sau sự sụp đổ của Byzantium, chỉ có nhà nước Moskva mới là một nhà nước Chính thống giáo thực sự sùng đạo. Khái niệm chính trị và tôn giáo này, sau này được gọi là "Moskva, Rome thứ ba", được phát triển bởi những người kế vị của Ivan III trên ngai vàng Moskva.
Peter Đại đế chuyển Năm mới sang ngày 1/1?
Trong hơn 200 năm, từ 1492 đến 1699, người Nga, cũng như Nhà thờ Chính thống Nga, tổ chức đón năm mới vào ngày 1/9. Nó đã trở thành một truyền thống, trong khi đó, người châu Âu sống và làm việc theo các hệ thống lịch hoàn toàn khác. Đầu tiên là lịch Julian (được gọi là “Phong cách cổ” - “Old Style”), và bắt đầu từ năm 1582, lịch Gregorian mà chúng ta vẫn sử dụng ngày nay (còn được gọi là “Phong cách mới” - “New Style”).
Cả hai lịch này đều bắt đầu từ sự giáng sinh của Đấng Christ, không phải từ ngày đầu tiên như Sáng tạo. Chúng cũng dễ tính và dễ đọc hơn nhiều so với lịch Byzantine, năm mới bắt đầu vào ngày 1/1, không phải vào tháng 3 hoặc tháng 9. Peter Đại đế coi thương mại quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển nước Nga. Ông hiểu để giao thương thành công với châu Âu, người Nga không chỉ phải giống người châu Âu hơn, và biết ngoại ngữ - mà họ còn phải đón Tết giống người châu Âu.
Lịch của Nga vào thế kỷ 19. (Ảnh: Russia Beyond)
Việc có nhiều năm mới khác nhau đã tạo ra một vấn đề: Ở châu Âu, đầu tháng 9 là tháng làm việc, khi các giao dịch được thực hiện và các hợp đồng được ký kết, trong khi ở Nga, mọi người ăn mừng năm mới và được nghỉ một tuần hoặc hơn. Đối với Peter Đại đế, điều đó rất bất hợp lý.
Ngày 19/12/7208 (theo lịch Byzantine), Peter Đại đế ban hành một sắc lệnh, theo đó, sau ngày 31/12/7208 sẽ là ngày 1/1/1700. Như vậy, năm 7208 là năm ngắn nhất đối với Nga, kéo dài chỉ bốn tháng - từ tháng 9 đến tháng 12.
Trong sắc lệnh trên, Peter Đại đế cũng đưa ra các khuyến nghị về ăn mừng năm mới “theo cách của người Châu Âu”. Ngoài cầu nguyện, cần trang trí nhà và cổng của bằng những cành thông, và chúc mừng nhau vào đầu năm mới và thế kỷ mới. Các nhà quý tộc được lệnh sắp xếp việc bắn súng trong lễ hội từ đại bác cỡ nhỏ, súng hỏa mai và súng lục.
Peter Đại đế cũng khuyến cáo từ ngày 1/1 đến ngày 7/1, mọi người được tự do sử dụng pháo hoa, và thắp đèn lễ hội trong sân của họ.
Người Bolshevik áp dụng lịch Gregorian
Tuy nhiên, Peter đã không áp dụng lịch Gregorian trong quá trình cải cách này - vì nó được tạo ra bởi Giáo hoàng Gregory XIII, một người Công giáo mà nhà thờ Chính thống Nga vào thời điểm đó phản đối kịch liệt Công giáo. Nhà thờ Nga vẫn dùng lịch Julian. Trong khoảng thời gian từ 1700-1918, lịch của Nga và châu Âu khác nhau hơn 10 ngày. Vào đầu thế kỷ 20, sự khác biệt giữa lịch Julian và lịch Gregorian là 13 ngày.
Ngày 26/1/1918 (theo lịch Julian), lãnh tụ Bolshevik Vladimir Lenin đã ký sắc lệnh áp dụng lịch Gregorian ở Nga - sau ngày 31/1 (Phong cách cổ), sẽ là ngày 14/2 (Phong cách mới). Cuối cùng, Nga và hầu hết thế giới bắt đầu sống và giao tiếp theo cùng một lịch. Tuy nhiên, Nhà thờ Chính thống Nga vẫn giữ lịch Julian. Do đó, Tết Chính thống vẫn bắt đầu vào ngày 1/9 theo lịch Julian (tức ngày 14/9 theo lịch Gregorian).