Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kết thúc đợt đăng ký xét tuyển đại học đợt 1, khoảng hơn 300.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học. Với hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay, con số này chiếm gần 1/3 tổng số thí sinh đã dự thi.
Sau đó ngày 8/9, chỉ gần 494.500 em đã thực hiện xác nhận nhập học, chiếm 80,8% so với số trúng tuyển. Như vậy, số thí sinh không xác nhận nhập học năm nay là gần 118.000. Không những vậy, sau khi xác nhận nhập học, nhiều thí sinh cho biết muốn nghỉ học để thi lại hoặc nghỉ học để lựa chọn con đường khác.
Thí sinh nhập học tại trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ. (Ảnh: T.L)
Trúng tuyển nhưng từ chối xác nhận nhập học
“Trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, em đã đạt được điểm số đủ để trúng tuyển vào nhiều trường nhưng em quyết định không đăng ký học các trường này vì thấy học phí cao và ra trường khó xin việc”, em Nguyễn Kim Ngân (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cho hay.
Ngân cho biết, lúc đầu dự định đi làm may cho một xưởng của người nhà với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, gia đình Ngân khuyên đi học và em quyết định chọn một trường cao đẳng để được hỗ trợ 70% học phí.
“Để theo học ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học của trường, em chỉ phải đóng học phí khoảng 700.000 đồng/tháng. Học phí thấp, công việc thuộc nhóm ngành nghề ổn định, có đầu ra nên em đã nộp hồ sơ xét tuyển”, em nói.
Em Lò Thị Văn (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) cũng nằm trong số thí sinh bỏ nhập học đại học. Văn cho biết, từ cấp 1, 2 đã học cách nhà 20km và chủ nhật mới đi bộ về nhà.
Trong đợt xét tuyển đại học năm 2023, Văn đã trúng tuyển vào trường Đại học Lâm Nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhưng em quyết định không theo học.
“Em chọn học Điều dưỡng để sau này có thể xin về xã, huyện nơi em sinh sống. Ở quê em rất cần cán bộ y tế. Chị họ của em hiện đang làm cán bộ Y tế ở Xã nên đã hướng cho em theo học ngành này cho có tương lai”, Văn lý giải.
Tương tự, em Hứa Thị Lê Na (huyện Na Rì, Bắc Kạn) chia sẻ, sau khi tốt nghiệp trường THPT ở Thái Nguyên, em có sự lựa chọn một số trường đại học và đã trúng tuyển. Tuy nhiên, em quyết định học nghề vì thời gian học ngắn, học phí thấp để đỡ gánh nặng cho gia đình.
Còn với Phạm Mạnh Tiến, (huyện Thanh Oai, Hà Nội), sau khi đăng ký nhập học ngành du lịch, Tiến đã suy nghĩ lại. Ban đầu, Tiến cho rằng học ngành du lịch sẽ hot, nhiều cơ hội việc làm nhưng qua khủng hoảng do dịch COVID-19 em luôn lo lắng về ngành học này. Em thích một ngành nghề có tính bền vững, lâu dài nên quyết định nộp hồ sơ nhập học ở trường khác.
Ngoài lựa chọn học các trường nghề, hiện nay, có tình trạng nhiều em học sinh học hết lớp 12 lựa chọn đi làm các công việc lao động phổ thông (xe ôm công nghệ, shipper, công nhân) vì thấy có thu nhập ngay trước mắt. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyên các em nên cân nhắc vì lựa chọn này không có tính bền vững.
Trong một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, lý do lớn nhất khiến thí sinh bỏ xét tuyển đại học là học phí cao so với thu nhập. Các em xác định chọn vào cao đẳng, trung cấp nghề thay vì học đại học. Một số khác bỏ xét tuyển do có kế hoạch du học hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT thấp.
Hơn 60% thí sinh không xét tuyển đại học có bất thường?
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, trường Đại học Công thương TP.HCM cho biết, hàng năm các trường đều có khoảng 5-15% sinh viên trúng tuyển nhưng không nhập học. Một trong những lý do là thí sinh không trúng tuyển vào ngành mình mong muốn.
Dù vậy, việc chỉ hơn 60% thí sinh không xét tuyển đại học là điều bình thường vì các em có nhiều lựa chọn, cao đẳng, học nghề ở doanh nghiệp, xuất khẩu lao động, du học, đi làm. Điều này có phần tích cực vì thí sinh xác định được năng lực và nhu cầu của mình, tránh trường hợp học không nổi hoặc giữa chừng rồi bỏ, lãng phí thời gian, nguồn lực của bản thân, gia đình và xã hội.
TS.BS. Nguyễn Hồng Liên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ. (Ảnh: T.L)
TS.BS. Nguyễn Hồng Liên, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ đánh giá, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng thu hút nhiều học sinh theo học. Các em lựa chọn trường nghề để rút ngắn thời gian học, học phí thấp, được đào tạo nghề nghiệp thực tiễn, phù hợp nhu cầu thị trường lao động.
"Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ đào tạo 2 ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật Xét nghiệm Y học. Từ tháng 7/2023, áp dụng chính sách mới, học phí được giảm 70% cho sinh viên nên đã thu hút nhiều thí sinh quan tâm", bà Liên nói.
TS.BS Liên cho biết, ngành Y tế đang cần nhân lực ngành điều dưỡng và xét nghiệm.
Theo báo cáo thống kê của Tổng cục thống kê về cơ hội việc làm và theo quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế năm 2021 – 2025 thì đến 2025, ngành điều dưỡng cả nước cần phải bổ sung đến hơn 300.000 điều dưỡng viên và hơn 65.000 kỹ thuật xét nghiệm y học.
"Với tình trạng thiếu nhân lực như thế, trường Cao đẳng y tế Đặng Văn Ngữ cùng với các trường cao đẳng nghề cùng đào tạo nhân lực bổ sung cho ngành y tế, đáp ứng nhu cầu của xã hội", bà khẳng định.