Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Doanh nghiệp đến Việt Nam nhưng đầu tư vào nước khác là chuyện bình thường'

(VTC News) -

Việt Nam đang thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn, nhưng các doanh nghiệp này không chỉ đầu tư ở Việt Nam mà còn đầu tư ở nhiều quốc gia khác.

Tại buổi họp báo diễn ra chiều nay (4/5), trả lời câu hỏi về việc vừa qua một số lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ nước ngoài có quy mô lớn đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam nhưng lại đầu tư ở nơi khác, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ lớn.

Nhưng các doanh nghiệp này không chỉ đầu tư ở Việt Nam, nên việc họ rót tiền vào Việt Nam hay đầu tư ở quốc gia khác là chuyện bình thường.

Theo ông Trung, trong ngành bán dẫn, Việt Nam ngày càng thu hút nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ như: Intel, Amkor trong mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qorvo, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip…

Gần đây, lãnh đạo tập đoàn NVIDIA đã liên tục thăm Việt Nam và cam kết hợp tác về AI và bán dẫn. Theo đó, nâng cao khả năng hợp tác bao gồm xây dựng các trung tâm siêu tính toán tại Việt Nam, đào tạo nhân lực AI và công nghiệp bán dẫn, phát triển hệ sinh thái cho nghiên cứu phát triển và khởi nghiệp về AI.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung thông tin với báo chí về tình hình thu hút các tập đoàn công nghệ nước ngoài - Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Cũng theo ông Trung, việc đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố chính.

Thứ nhất, yếu tố khách quan bao gồm các yếu tố như tình hình địa chính trị - kinh tế thế giới, khu vực và Việt Nam, xu hướng đầu tư và dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, các vấn đề về an ninh.

Thứ hai, yếu tố chủ quan từ phía doanh nghiệp, nhà đầu tư: Phụ thuộc vào chiến lược đầu tư, mục tiêu đầu tư, phát triển, đánh giá mức độ phù hợp của từng địa bàn, từng khu vực, các nguồn lực triển khai…

Thứ ba, yếu tố liên quan đến sự sẵn sàng của Việt Nam trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, bao gồm thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.

Cụ thể về thể chế, Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Đặc biệt, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn công nghệ, trong đó có ngành bán dẫn điện tử, chíp... Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng các ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam bảo đảm cơ sở hạ tầng bao gồm giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không, hạ tầng liên quan đến phục vụ sản xuất trong các ngành này như điện… tất cả đều được đầu tư đồng bộ. Gần đây nhất, Quy hoạch điện VIII cũng đã được Thủ tướng phê duyệt, bảo đảm ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng tới phát triển năng lượng bền vững.

Song song với đó, Việt Nam đã tập trung phát triển các khu công nghệ cao, đặc biệt là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, để tạo môi trường, thể chế vượt trội, tạo điều kiện tốt nhất cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.

Cuối cùng, về nguồn nhân lực, theo ông Trung, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Bên cạnh đó, có các cơ quan có năng lực đào tạo, nghiên cứu, các trường đại học uy tín… như Viettel, VNPT, FPT, CMC… 

Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, bảo đảm cung cấp 50.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn đến năm 2030.

Châu Anh

Tin mới