Điều động 97 cán bộ chiến sỹ với 18 xe chữa cháy đến dập lửa nhưng khi tiếp cận, PC07 gặp nhiều khó khăn tại hiện trường.
Khi lực lượng Cảnh sát PCCC đến nơi, đám cháy đã phát triển rất lớn, bao trùm toàn bộ căn nhà. Chất cháy chủ yếu là ó keo AB (loại keo được sử dụng trong khá nhiều ngành nghề, có thể dán được gỗ, nhựa cứng, sắt thép.. ), sáp nến nên cháy lan rất nhanh. Trong vùng cháy tỏa ra nhiệt độ cao, nhiều khói, khí độc gây khó khăn cho lực lượng cảnh sát PCCC tiếp cận để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Hiện trường vụ cháy.
Căn nhà để ở kết hợp kinh doanh có tổng diện tích 126m2, kết cấu 1 trệt, 1 lầu, 1 lửng, nhà chỉ có lối thoát hiểm duy nhất qua lối cửa chính, 1 cửa bên hông đã bị khóa chặt. Do đó, khi xảy ra cháy, các nạn nhân không thể thoát ra ngoài và chết ngạt trong tầng 1 và tầng 2.
Ngoài ra, căn nhà nằm sâu trong hẻm. Lực lượng chữa cháy phải lấy nước tại các trụ chữa cháy tương đối xa (khoảng 300m) vì vậy việc truyền tiếp nước gặp nhiều khó khăn.
Như VTC News đã đưa tin, khoảng 16h58 ngày 7/5, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07, Công an TP.HCM) nhận được tin báo cháy ở căn nhà số 47/58/2 đường Lạc Long Quân, phường 1, quận 11.
PC07 lập tức điều Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Quận 11, Quận 10 và Đội chữa cháy khu vực 1 với 18 xe chữa cháy cùng 97 cán bộ chiến sĩ có mặt ở hiện trường chữa cháy và cứu nạn.
Lực lượng phát hiện 1 thi thể trong gầm cầu thang, 3 thi thể tại tầng trệt và 4 thi thể trong phòng vệ sinh lầu 2. Hiện trường căn nhà 1 trệt, 2 lầu tổng diện tích là 126m².
Đến 18h12, các lực lượng mới khống chế được vụ cháy và kịp thời cứu được 1 người nhà bên cạnh, ngăn chặn không để cháy lan sang các hộ dân xung quanh.
Những người tử vong gồm: Chị Nguyễn Thị Lệ Thanh (SN 1977, là chủ hộ) và ba người con; anh Hồ Đình Thắng (SN 1978, em rể chị Thanh), em Hồ Đình Nam (SN 2012, con của anh Thắng), cô giáo đến dạy kèm Nguyễn Y Linh và em Nguyễn Tấn Đạt (SN 2006, là cháu đến nhà chị Thanh chơi).
Kỹ năng thoát hiểm trong hỏa hoạn
Khi phát hiện có cháy, việc đầu tiên phải bình tĩnh để xử lý và nhanh chóng tìm giải pháp dập lửa, thoát hiểm bằng bình bột, bình khí CO2, cát, chăn, nước... để dập tắt đám cháy.
Tránh xa những không gian gây ngạt như phòng kín và các địa điểm có thể gây nổ như bình gas, tủ lạnh, máy lạnh… Nên dùng khăn có tẩm nước để bịt mũi, miệng để tránh hít phải khói gây ngạt. Lúc di chuyển phải cúi thấp xuống hoặc trườn, bò.
Khi ngoài cửa căn hộ đã bị lửa bao vây không thể thoát ra ngoài, nên nhanh chóng thoát ra chỗ thoáng như ban công, sân thượng; dùng các thiết bị chuyên dụng để thoát hiểm; tuyệt đối không nhảy từ cửa sổ, ban công trên cao xuống.