Trong năm 2021, các công trình y tế được phê duyệt và đưa vào thi công, nhưng sau ngày 1/10/2021, số lượng công nhân thi công trở về quê nên thiếu nhân lực.
Đơn cử như công trình ở Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi khi Sở Y tế TP.HCM, chỉ có 120 công nhân làm việc nên rất chậm, còn Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn khoảng 400 công nhân làm việc nên nhanh hơn.
Bên cạnh đó, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine, dịch bệnh diễn ra trên thế giới vẫn phức tạp khiến giá cả vật liệu để thi công xây dựng tăng cao hơn so với giá đấu thầu, dẫn đến một số các công trình từ cầm cự thi công hoặc không còn thi công nữa. Một số dự án hết hạn cũng đang chờ ra quyết định để kéo dài thời gian thực hiện. Một số chủ đầu tư các công trình y tế chấp nhận thanh lý hợp đồng vì càng làm càng lỗ. Thời điểm đấu thầu dự án so với hiện tại chênh lệch quá lớn, nên không thể tiếp tục làm.
Đặc biệt, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công rất khó khăn. Tính đến 30/6/2022 số vốn giải ngân chỉ đạt 12% và tới thời điểm hiện tại đạt 28%, vẫn rất thấp trong giải ngân vốn đầu tư công.
Một số công trình chậm giải ngân gồm: Khoa khám bệnh - khối điều trị ngoại khoa (Bệnh viện Nhi đồng 1), khối lượng giải ngân tới ngày 1/7 chỉ 1%; Trung tâm chuyên sâu sơ sinh (Bệnh viện Nhi đồng 1): Khối lượng giải ngân 10%; Cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt: Khối lượng giải ngân tới ngày 1/7 vẫn chỉ 0%; Khối điều trị nội trú (Bệnh viện Nhân dân Gia Định): Khối lượng giải ngân 36,8%.