Bà Mạnh Vãn Chu bị cảnh sát Canada bắt giữ vào tháng 12/2018 tại sân bay quốc tế Vancouver. Ái nữ của Chủ tịch tập đoàn Huawei phải đối mặt với cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt Iran của Washington và Mỹ muốn dẫn độ bà sang nước này.
Hôm 16/11, phiên điều trần về việc dẫn độ bà Mạnh được tiếp tục, các luật sư của bà đang đấu tranh để chứng minh quyền công dân của bà bị vi phạm trong các sự kiện dẫn đến vụ bắt giữ. Luật sư biện hộ cho bà Mạnh là Richard Peck cho biết một trong những nhân chứng quan trọng liên quan đến vụ việc, Trung sĩ Ben Chang thuộc Lực lượng cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP), sẽ không ra làm chứng trước tòa.
Giám đốc tài chính Meng Wanzhou của Huawei (giữa). (Ảnh: Reuters)
Theo tài liệu của tòa án, ông Chang, hiện đã nghỉ hưu, bị cáo buộc vì cung cấp thông tin chi tiết về các thiết bị điện tử của bà Mạnh cho lực lượng FBI của Mỹ. Ông này phủ nhận cáo buộc trong một bản cam kết nộp cho tòa án.
Luật sư Peck nói trước tòa rằng việc ông Chang từ chối làm chứng là “một vấn đề đáng lo ngại”, và việc Ben Chang từ chối làm chứng có thể dẫn đến nhiều hậu quả.
Phiên tòa hôm 16/11 là tiếp nối của các phiên điều trần dự kiến kết thúc vào đầu tháng 11 nhưng bị kéo dài thời gian. Các luật sư của bà Mạnh và chính phủ Canada sẽ dành cả tuần để kiểm tra chéo các nhân viên thực thi pháp luật của Canada cùng các quan chức biên giới tham gia vào cuộc điều tra, bắt giữ bà Mạnh.
Hiện bà Mạnh chịu quản thúc tại gia ở nhà riêng tại Vancouver, Canada. Bà tuyên bố mình vô tội và đấu tranh để không bị đưa đến Mỹ.
Vụ bắt giữ Giám đốc Meng Wanzhou khiến quan hệ ngoại giao giữa Ottawa và Bắc Kinh rạn nứt. Ngay sau khi bà bị giam giữ, Trung Quốc cũng bắt giam các công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig vì tội danh gián điệp.