Hai bãi rác lớn nhất của Hà Nội đang dần quá tải. Trong khi đó, phương pháp chôn lấp rác truyền thống không chỉ làm lãng phí đất, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, mà còn lãng phí nguồn tài nguyên rất lớn để chuyển hóa thành năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Hà Nội cần sớm có phương pháp xử lý rác thải hiệu quả thay thế cách xử lý lạc hậu như hiện nay.
PGS.TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - nhận định, đốt rác phát điện là biện pháp lâu dài và hiệu quả đối với đô thị lớn như Hà Nội.
Trung bình mỗi ngày Hà Nội phát sinh khoảng 7.000 tấn rác. (Ảnh: Ngô Nhung).
Theo GS.TS Đặng Kim Chi, hàng chục năm trở lại đây, chôn lấp là giải pháp chính mà Hà Nội sử dụng để xử lý rác thải. Việc chôn lấp gây ô nhiễm môi trường bởi khí thải, mùi hôi, nước rỉ rác, các chất ô nhiễm tồn lưu như POP, KLN...
“Đa phần khu chôn lấp rác tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng không hợp vệ sinh, tác động xấu đến môi trường và cộng đồng dân cư xung quanh”, bà Chi khẳng định.
Chủ tịch Hội đồng khoa học Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, bên cạnh chôn lấp, đốt rác cũng là cách đang được áp dụng. Tuy nhiên, các lò đốt chất thải công suất nhỏ không đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải đô thị, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường cao và không tận dụng được nguyên liệu, năng lượng trong chất thải. Trong khi đó, nhiều nước phát triển coi rác thải là nguồn tài nguyên, công nghệ xử lý rác thu hồi năng lượng, giảm thiểu chôn lấp đang là xu thế chung của thế giới.
“Thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh thành của nước ta đã quan tâm và đầu tư vào công nghệ điện rác. Nhưng để đạt được hiệu quả khi xây dựng nhà máy đốt rác chuyển nhiệt thành điện, sẽ có một số yêu cầu đảm bảo sự hài hoà về kinh tế và vệ sinh môi trường”, bà Chi nói.
GS.TS Đặng Kim Chi cho biết, theo nhiều nghiên cứu của các tổ chức khoa học, để đạt hiệu quả, lượng rác xử lý tối thiểu của nhà máy điện rác là 500 tấn/ngày và nhiệt trị (năng suất tỏa nhiệt) của rác đem đốt phải lớn hơn 1.200 kcal/kg. Nếu đốt rác phát điện với lượng rác ít mà nhiệt trị thấp sẽ không có hiệu quả kinh tế.
“Cần khuyến khích đốt rác để phát điện cho những vùng có khả năng thu hồi khối lượng lớn rác, tối thiểu là trên 500 tấn/ngày. Đốt rác phát điện là lựa chọn tốt nhất cho các khu vực có diện tích hẹp, mật độ dân số cao và có nguồn lực tài chính. Hà Nội phù hợp tất cả tiêu chí đó với khối lượng khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày”, GS.TS Đặng Kim Chi nói.
Theo chuyên gia này, nhà máy điện rác ở Sóc Sơn đã hoàn thành, hoạt động thử nghiệm từ cuối tháng 1/2022 nhưng vẫn chưa thể đi vào hoạt động chính thức. Lý do chủ đầu tư đưa ra là tình hình dịch bệnh, giấy tờ thủ tục liên quan vấn đề môi trường. Nếu điều này cứ kéo dài và không được giải quyết, Hà Nội vẫn không thể giải quyết được tình trạng rác thải ùn ứ. Hơn lúc nào hết, câu hỏi vì sao nhà máy điện rác ở Hà Nội kém hiệu quả cần sớm có phương án trả lời.
Đối với môi trường, bà Chi cho rằng, điện rác sẽ xử lý triệt để các chất ô nhiễm trong chất thải, đặc biệt hiệu quả với chất thải công nghiệp. Giảm đáng kể thể tích và trọng lượng chất thải phải xử lý, tro xỉ thu được sau khi đốt giảm 80% trọng lượng và hơn 90% thể tích so với lượng chất thải ban đầu sẽ làm giảm diện tích đất sử dụng cho chôn lấp.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho rằng, điện rác sẽ giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc rác tại nội thành Hà Nội.
Theo ông Chinh, đốt rác phát điện đang là giải pháp tối ưu trong việc xử lý chất thải sinh hoạt. Công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển bởi vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa cung cấp năng lượng cho xã hội.
“Trong những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan khuyến khích các địa phương đủ điều kiện nghiên cứu chuyển sang đốt rác phát điện nhưng Hà Nội làm chậm quá. Thủ đô chậm triển khai điện rác là thể hiện sự lạc hậu so với nền văn minh của thế giới”, ông Chinh nói.
Đốt rác phát điện là lựa chọn tốt nhất cho các khu vực có diện tích hẹp, mật độ dân số cao và có nguồn lực tài chính. Hà Nội phù hợp tất cả tiêu chí đó với khối lượng khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày.
GS.TS Đặng Kim Chi
PGS.TS Vũ Thanh Ca - Giảng viên Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và Khoa học Công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) - dẫn ví dụ tại Nhật Bản, cách đây 30 năm, đa số rác thải được vận chuyển đến các bãi rác hoặc vứt bỏ ở những bãi rác tự phát, 5% rác thải được tái chế. Nhưng hiện nay, chỉ 1,2% lượng rác thải đô thị ở Nhật Bản được đưa đến các bãi rác, 20% tổng lượng rác được tái chế, còn hơn 70% được đốt để sản xuất điện.
Chuyên gia này cũng dẫn một ví dụ khác trong khu vực Đông Nam Á là Singapore - quốc đảo với diện tích đất hạn hẹp. Để giảm lượng rác phải chôn lấp, Singapore đã triển khai nhiều biện pháp như đầu tư vào công nghệ đốt rác phát điện, tăng cường phân loại rác tại nguồn, đẩy mạnh tái chế rác thải, phạt nặng đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường… Từ năm 1979, họ đã có nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên tại Ulu Pandan, sau đó tiếp tục xây dựng thêm nhiều nhà máy đốt rác khác.
"Theo thống kê của Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore, mỗi ngày, Singapore thải ra khoảng 21.023 tấn rác các loại. Trong đó, 58% lượng rác được đưa đến các nhà máy tái chế, 41% đem đến các nhà máy đốt rác phát điện, 2% không đốt được, mang đến bãi chôn lấp để xử lý”, ông Ca nói.
Vị này cũng cho rằng, vài năm trở lại đây, Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng đã có sự tiến triển về mặt tư duy khi coi rác là nguồn tài nguyên, xây dựng các nhà máy điện rác.
“Hà Nội đã hoàn thiện Nhà máy điện rác Sóc Sơn, nhà máy này có thể đốt bất cứ loại rác nào, xử lý rác một cách rất đơn giản, thậm chí không phải phân loại tại nguồn. Đã phân loại nguồn thì ta phải có xe vận chuyển riêng cho từng loại rác và có lịch thu gom rất phức tạp. Hà Nội đã chọn phương án đơn giản nhất là không phân loại, cứ thế là vận chuyển và đốt tất cả các loại rác”, ông Ca cho hay.
Đây cũng được cho là điểm bất cập trong quy trình xử lý của Nhà máy điện rác Sóc Sơn, bởi các loại rác hữu cơ chứa hàm lượng nước lớn, nhiệt trị rất thấp sẽ rất khó cháy, sinh ra lượng tro xỉ lớn.
“Tro xỉ sau quá trình đốt, lại phải đem đi chôn lấp, như vậy tiếp tục đối diện nguy cơ quá tải của bãi rác Nam Sơn ngay gần nhà máy. Các nước phát triển tái tạo được năng lượng từ rác là vì làm tốt phân loại rác tại nguồn. Nếu như có thể phân loại thành loại rác có thể đốt được và loại rác không đốt được sẽ hạn chế rất nhiều tro xỉ. Rác hữu cơ khó đốt có thể ủ để làm phân bón, còn rác không đốt được vẫn phải đem chôn nhưng cũng đã giảm tải được rất nhiều cho các bãi chôn lấp”, ông Ca phân tích.
GS.TS. Đặng Kim Chi cũng cho rằng, việc thu gom và phân loại rác thải là vấn đề quan trọng để xử lý rác hiệu quả. Nếu rác thải có quá ít thành phần cháy được hoặc quá ẩm, việc đốt rác là không khả thi vì lượng nhiệt sinh ra không đủ cho quá trình cháy tiếp diễn lâu dài.
“Rác ở đô thị Hà Nội tuy nhiệt trị cao hơn ngày xưa nhưng cũng chỉ khoảng 900 - 1.000 kcal/kg, mà để lượng nhiệt thu hồi thành năng lượng có hiệu quả phải đạt ít nhất là 1.200 kcal/kg. Để tăng nhiệt trị thì phải phân loại rác, không nên đốt những loại rác hữu cơ, chứa nhiều nước”, bà Chi nói.
Trong bối cảnh hai khu xử lý rác thải chính là Nam Sơn và Xuân Sơn rơi vào tình trạng quá tải dẫn đến nhiều thời điểm rác thải bị ùn ứ trong nội đô, dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn với công suất xử lý 4.000 tấn rác khô mỗi ngày (tương đương gần 5.500 tấn rác ướt), dù đã hoàn thiện nhưng sau lần hoạt động thử nghiệm vào cuối tháng 1/2022, đến nay, chưa thể vận hành với lý do gặp khó trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan bảo vệ môi trường.
Toàn cảnh Nhà máy điện rác Sóc Sơn với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng, công suất đốt 4.000 tấn rác mỗi ngày. (Ảnh: TTXVN).
Chia sẻ về vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - nhận định, Hà Nội và nhiều địa phương đang lúng túng vì chưa có hướng dẫn thật cụ thể. Công nghệ đã có rồi nhưng chưa có quy định, quy chuẩn về việc đốt rác để thu về năng lượng.
“Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện điện rác từ hàng chục năm nay rồi, chúng ta đang manh nha thì nên học hỏi. Ví dụ, Trung Quốc có hẳn một quy chuẩn dài hàng chục trang giấy về lò đốt chất thải thu hồi năng lượng. Họ đề ra một số quy chuẩn về khí thải, vận hành, nhiệt độ trong lò… rồi hệ thống theo dõi để đánh giá công nghệ đó như thế nào, thậm chí là hệ thống cho điểm rất chi tiết. Chúng ta cần phải có quy chuẩn, vừa dễ chọn lựa, vừa dễ giám sát, để cho địa phương đỡ lúng túng về mặt công nghệ”, ông Tùng nói.
Video: Rác thải ùn ứ ở Hà Nội