Ngày 15/1/2017, ông Lương Hữu Phước (TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) lái xe máy chở ông Trần Hữu Quý về nhà ở phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài. Khi ông Phước rẽ trái sang đường thì bị xe máy do ông Lâm Tươi chở theo ông Trị Tiếp lưu thông cùng chiều đụng vào, gây tai nạn giao thông.
Vụ tai nạn làm ông Quý và ông Phước bị thương và được đưa đi cấp cứu. Do vết thương quá nặng, đến ngày 17/1/2017 ông Quý chết. Còn ông Phước, sau khi ra viện trở thành bị cáo.
Hiện trường vụ tai nạn năm 2017 khiến ông Phước bị kết án.
Ngày 29/3/2018, TAND TP Đồng Xoài xét xử sơ thẩm vụ án và tuyên án ông Phước 3 năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Ông Phước kháng cáo kêu oan.
Sau nhiều phiên tòa xét xử, ngày 25/9/2020, tòa án Bình Phước đưa vụ việc ra xử phúc thẩm. Đến 29/5, tòa bác đơn kêu oan của ông Phước, tuyên y án sơ thẩm. Chiều cùng ngày, ông Phước nhảy lầu tại Toà án tỉnh này tự tử.
Trước sự việc ông Phước nhảy lầu tự tử ngay chiều cùng ngày Toà tuyên án, tại buổi thông tin với báo chí vào ngày 30/5, bà Phạm Thị Bích Thủy – Chánh án TAND tỉnh Bình Phước khẳng định HĐXX phúc thẩm "hoàn toàn công tâm, vô tư, khách quan" và dựa trên nguyên tắc tôn trọng chứng cứ để ra phán quyết đối với ông Lương Hữu Phước.
Video: Làm rõ các tình tiết vụ người đàn ông tự tử tại tòa Bình Phước
Sau vụ án của ông Lương Hữu Phước, nhiều người nhớ lại một vụ án xảy ra vào năm 2015 tại tỉnh Cao Bằng, mà bị cáo là ông Lãnh Đức Dũng - nguyên Bí thư Huyện ủy Hà Quảng.
Trưa 30/1/2015, ông Dũng (khi đó đang giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Hà Quảng) trực tiếp lái xe ôtô BKS: 11A - 018.34 lưu thông hướng từ TP. Cao Bằng đi huyện Hà Quảng.
Hiện trường vụ tai nạn năm 2015 do ông Lãnh Đức Dũng gây ra.
Khi đến địa phận xóm Nà Mạ, xã Phù Ngọc (huyện Hà Quảng), gặp một khúc cua, bên phải đường có đống đá nên ông Dũng đánh tay lái qua bên trái để tránh chướng ngại vật. Cùng lúc, anh Vương Văn Tiến (35 tuổi, trú tại Nà Lạn, xã Phù Ngọc) chở theo mẹ là bà Nông Thị Biền (61 tuổi) và con nhỏ là cháu Vương Gia Khang (1 tuổi) trên xe máy đi tới.
Xe ôtô do ông Dũng lái đâm vào xe của anh Tiến, khiến cả 3 người ngồi trên xe máy thiệt mạng.
Dù tước đi mạng sống của ba người nhưng ông Dũng chỉ bị tuyên phạt 3 năm tù và cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm.
Trước sự việc trên, dư luận đặt câu hỏi vì sao nguyên bí thư huyện ủy ở Cao Bằng tông chết 3 người chỉ phải nhận án treo, còn người đàn ông ở Bình Phước bị xe khác tông trúng lại phải nhận án tới 3 năm tù?
Độc giả Hoàng Anh (Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ băn khoăn: "Cùng vụ việc tai nạn giao thông nhưng sự việc ông Bí thư huyện ủy Hà Quảng làm chết 3 người nhưng lại chỉ phải nhận án treo là không hợp lý. Trong khi đó, dù tòa Bình Phước xác định ông Phước có lỗi thì mức án 3 năm tù cũng là quá nặng khi vụ việc chỉ có một người chết".
Cũng có cùng băn khoăn này, độc giả Minh Đức (Nam Định) cho rằng việc xử ông Lưu Hữu Phước 3 năm tù cho sự việc xảy ra khi ông Phước cùng là nạn nhân bị thương nặng là không hợp lý. Độc giả này cho rằng chỉ nên xử án treo đối với trường hợp ông Phước vì lỗi vô ý.
Trong khi đó, độc giả Mạnh Quân (Long Biên, Hà Nội) cũng băn khoăn với cách xử lý vụ việc chưa được thấu tình, đạt lý của tòa án các địa phương.