Chị Ngô Quỳnh Nga (trú tại TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) tìm tới bác sĩ khám vì triệu chứng tê ở tay và đặc biệt thi thoảng thấy tim đập nhanh hơn kèm khó thở, vã mồ hôi, người lạnh toát. Ban đầu, chị Nga cho rằng đó là di chứng hậu COVID-19 nên ngại đến bệnh viện khám. Khi tình trạng ngày càng nặng hơn, có lúc dù thời tiết nóng người vẫn lạnh toát, thân nhiệt bị hạ chị mới đi khám.
Sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ cho biết chị Nga không có bất thường về tim mạch nhưng đường huyết cao bất thường. Khi nghe bác sĩ nói nguyên nhân do đái tháo đường, chị Nga hơi bất ngờ bởi chị vốn gầy, ăn rất ít nên không nghĩ mình mắc bệnh đái tháo đường.
Nhiều người lạnh toát dù trời nóng. (Ảnh minh họa)
Trường hợp của bệnh nhân Tống Duy Ngôn (56 tuổi, trú tại Hà Nam) thì có biểu hiện khác. Ông Ngôn cho biết mình bị rối loạn đại tiện. Ông đã đi kiểm tra nhiều nơi nhưng không ra bệnh. Ban đầu bác sĩ chẩn đoán ruột kích thích nhưng tình trạng không giảm dù đã điều trị theo hướng ruột kích thích.
Kết quả chẩn đoán bác sĩ cho rằng ông bị rối loạn thần kinh thực vật. Bản thân ông Ngôn từng bị đột quỵ nên để lại di chứng như vậy.
Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Viết Thắng, khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, rối loạn thần kinh thực vật là trạng thái mất cân bằng hoạt động của hệ giao cảm và hệ phó giao cảm, làm rối loạn hoạt động của các cơ quan do hệ thần kinh thực vật chỉ đạo và gây ra các triệu chứng đa dạng trên toàn hệ thống.
Hệ thần kinh thực vật (hay hệ thần kinh tự chủ) làm nhiệm vụ chi phối hoạt động của tất cả chức năng tự động trong cơ thể. Cụ thể, nó kết nối não bộ với hệ tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục và các tuyến tiết…
Hệ thần kinh thực vật cấu tạo gồm hệ thần kinh giao cảm (đóng vai trò kích thích hoạt động) và hệ thần kinh phó giao cảm (đóng vai trò ức chế hoạt động). Bình thường, hai hệ thống này luôn hoạt động cân bằng với nhau, đảm bảo cho các cơ quan làm việc chính xác và hiệu quả.
Theo bác sĩ Thắng, rối loạn thần kinh thực vật nguyên nhân là rối loạn về các chức năng nhưng nó cũng ảnh hưởng tới người bệnh như bệnh đái tháo đường, Parkinson, giai đoạn đầu của bệnh ung thư hoặc người điều trị hóa trị trong chữa bệnh ung thư cũng gây rối loạn thần kinh thực vật.
Căng thẳng, stress kéo dài sẽ tạo ra những áp lực trên hệ thần kinh, kích thích tăng tiết adre-naline và cor-tisone vào máu, dẫn tới rối loạn hoạt động của hệ thần kinh thực vật.
Bênh rối loạn thần kinh thực vật ảnh hưởng nhiều tới các cơ quan trong cơ thể. Người bệnh đến khám thường than phiền họ bị tê tay, tê chân. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có dấu hiệu tê ở ngực, bụng, tay chân và có triệu chứng về vận động. Người bệnh có thể đau mỏi cơ tay, cơ chân hoặc run tay, chân. Tim đập nhanh, hồi hộp, rối loạn tiểu tiện, đại tiện, thậm chí rối loạn cương ở nam giới.
Đối tượng dễ mắc bệnh này đó là người bị rối loạn về chức năng thần kinh như rối loạn lo âu, mất ngủ. Ngoài ra, những người bị đái tháo đường lâu ngày cũng có thể bị rối loạn thần kinh thực vật.
Khi bị rối loạn thần kinh thực vật bệnh nhân cần điều trị nguyên nhân chứ không phải là triệu chứng. Ví dụ nguyên nhân do đái tháo đường thì điều trị bệnh đái tháo đường thật tốt, kiểm soát đường huyết. Nếu điều trị ổn định bệnh lý là nguyên nhân rối loạn thần kinh thực vật thì các triệu chứng cũng giảm đi.
Để phòng bệnh, bác sĩ Thắng cho rằng bạn cần có cuộc sống vui vẻ và tập thể dục thể thao. Bạn có thể tham gia các lớp thể dục, thể thao, thiền, yoga. Cơ thể khỏe mạnh sẽ giảm nguy cơ mắc rối loạn thần kinh thực vật.