Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho thấy, 11 tháng 2019, nhập khẩu thịt lợn đạt hơn 111.000 tấn với kim ngạch 124 triệu USD, tăng 108% về lượng so với cùng kỳ 2018.
Trong đó tháng 11/2019, lượng thịt heo nhập khẩu đạt hơn 15.000 tấn với kim ngạch 15,9 triệu USD, tăng 164% về lượng và 113% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Thịt lợn nhập khẩu bán ra có giá 33.000 - 35.000 đồng/kg. (Ảnh minh họa: VnEconomy)
Thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là thịt cốt-lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương… từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Ba Lan, Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Hà Lan.
Đáng chú ý giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này là 1.117 USD/tấn, tương đương khoảng 25.950 - 26.000 đồng/kg, giá bán ra thị trường khoảng 33.000 - 35.000 đồng.
Thịt lợn nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam hiện đều đang chịu thuế MFN với thịt đông lạnh là 10%, với thịt tươi và ướp lạnh là 25%. Đối với các nước đã có FTA với Việt Nam như Úc, Nhật Bản, Liên bang Nga, Mexico... mức thuế nhập khẩu vào khoảng từ 3 - 21%.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có 1.641 doanh nghiệp nước ngoài được phép xuất khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo vào Việt Nam. Khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện nhập khẩu thịt heo từ các nước, các doanh nghiệp được cơ quan quản lý Việt Nam cấp phép.
Khảo sát của Bộ Công Thương, trong những ngày đầu năm 2020, giá lợn hơi đang có xu hướng tiếp tục giảm nhẹ 1.000-2.000 đồng/kg tại các tỉnh phía Bắc (giá lợn hơi tại Hưng Yên giảm xuống 94.000 đồng/kg, Hà Nam xuống 92.000 - 93.000 đồng, Hà Nội… giá phổ biến là 93.000 đồng/kg).
Các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng đồng loạt giảm giá bán nhằm bình ổn mặt hàng thịt lợn. Cụ thể, Big C đã cam kết bán giá vốn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết, Sài Gòn Co.Op sẽ bán mặt hàng thịt ba chỉ với giá thấp hơn thị trường 20%, sườn non thấp hơn 8%, xương đùi thấp hơn 25%, xương ống thấp hơn 35%.
“Việc các doanh nghiệp cùng chung tay với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác cân đối nguồn cung thịt lợn trong thời điểm hiện nay sẽ góp phần không nhỏ để khơi thông chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm hàng hóa nói chung và thịt lợn nói riêng để tránh tình trạng “găm hàng, tăng giá”, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Tuy nhiên, dù giá thịt lợn đông nhập khẩu giá khá mềm, nguồn cung sẵn có song khảo sát thực tế cho thấy người dân không mấy mặn mà. Dạo một vòng quanh các siêu thị, trong khi thịt tươi hết rất nhanh thì thịt đông lạnh bị người tiêu dùng nâng lên, đặt xuống nhiều lần.
Theo bà Trần Thị Phương Lan (Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội), nguyên nhân chủ yếu do người dân có thói quen dùng thịt nóng, vừa giết mổ chứ không thích thịt đông lạnh. Bên cạnh đó, thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là những sản phẩm mà các nước ít dùng như thịt vai, xương, chân giò, trong khi đó, Việt Nam đang cần thịt nạc thăn, ba chỉ...
PGS.TS Ngô Trí Long, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), cho rằng cũng như nhiều mặt hàng nhập khẩu khác, thịt lợn nhập về phải chịu nhiều mức thuế như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng 5%, chi phí, thủ tục nhập khẩu, bảo quản kho lạnh... nên giá bán thực tế sẽ cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg.
“Do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, thị trường trong nước thiếu khoảng 200.000 tấn thịt. Việc nhà chức trách nhập thêm khoảng 100.000 tấn thịt lợn sẽ giúp cân đối nguồn cung, góp phần bình ổn thị trường”, ông Long nói.
Ông Long cho rằng thịt lợn đông lạnh là giải pháp đáp ứng nguồn cầu cho thị trường trong bối cảnh giá thịt lợn trong nước leo thang do thiếu nguồn cung. Đặc biệt, việc nhập khẩu chính ngạch là giải pháp góp phần ngăn chặn tình trạng thịt lợn nhập lậu không qua các bước kiểm dịch.
"Hàng đông lạnh có xuất xứ nước ngoài nhưng nếu đảm bảo đầy đủ tiêu chí nguồn gốc lẫn chất lượng, giá trị dinh dưỡng thì người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng", PGS.TS Ngô Trí Long nói.