Việc các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng lãi suất huy động cho thấy nền kinh tế đang khởi sắc, nhu cầu cần nguồn vốn để sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang tăng cao.
Nhu cầu vốn cho sản xuất tăng
Trả lời phóng viên Báo điện tử VTC News sáng 7/7, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng huy động của các ngân hàng khá thấp, khoảng 1,5%.
“Chính vì thể các ngân hàng cần phải tiếp tục huy động vào để cho vay nhiều hơn nên cần nguồn tiền. Thêm vào đó, trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất thấp nên các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng đã hút một lượng tiền nhàn rỗi trên thị trường. Các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng gửi tiết kiệm”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động. (Ảnh minh hoạ).
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, từ nay đến cuối năm, nền kinh tế sẽ phát triển tích cực hơn với nhiều điểm sáng trong sản xuất, kinh doanh nên các ngân hàng cũng cần chuẩn bị nguồn vốn cho thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào thời điểm cuối năm.
“Trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp Việt sẽ cần rất nhiều tiền để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu hàng hoá trong nước và nước ngoài. Đây là hoạt động rất sôi động và là những điểm sáng của nền kinh tế”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động nhằm mục đích huy động vốn để cho vay lớn khi nền kinh tế đang hồi phục.
“Đây là một dấu hiệu rất tích cực cho thấy nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi nhanh chóng và các doanh nghiệp đang cần nguồn tiền lớn để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh trong những tháng còn lại của năm 2024”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Chủ động các giải pháp
Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng tăng để đảm bảo các ngân hàng có chi phí quản lý, có lợi nhuận khi kinh doanh.
“Cái giá phải trả khi lãi suất huy động tăng là lãi suất cho vay tăng và người vay, trong đó có các doanh nghiệp phải chịu trận. Do vậy, bản thân doanh nghiệp buộc phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh để có thể ứng phó với việc tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới”, ông Doanh nói.
Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đang cần huy động vốn để thúc đẩy sản xuất cuối năm. (Ảnh minh hoạ).
Bình luận vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, khi lãi suất tăng tất yếu kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng theo.
“Khi lãi suất đầu vào tăng thì lãi suất đầu ra cũng phải tăng, bởi ngân hàng cũng phải giữ biên độ lợi nhuận ở mức khoảng 3% để đảm bảo duy trì hệ thống. Tuy nhiên, việc lãi suất cho vay tăng ở mức độ nào còn phục thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó là sự điều hành của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước.
Khi lãi suất cho vay tăng sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt, bởi chi phí vốn cho doanh nghiệp cũng sẽ tăng, trong đó ảnh hưởng đến lợi nhuận và tình hình kinh doanh”, ông Hiếu nói.
Làm thế nào để các doanh nghiệp giảm ảnh hưởng khi dự báo lãi suất cho vay tăng, ông Hiếu cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cần có kế hoạch sản xuất, kinh doanh căn cơ với 3 kịch bản, trong đó có kịch bản bình thường, kịch bản tốt và kịch bản xấu.
“Trong kịch bản xấu là lãi suất sẽ tăng từ 1- 2% thì các doanh nghiệp nhận thấy chi phí tài chính tăng lên thì phải giảm những phần chi phí khác nếu muốn giữ nguyên lợi nhuận, trong đó có chi phí về maketing, chi phí nhân sự, chi phí hành chính khác…Quan trọng hơn là phải tăng doanh thu để bảo đảm tỷ lệ lợi nhuận được bền vững”, TS Hiếu nói.
Còn ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, khi nhu cầu tín dụng mới tăng lên, bản thân các ngân hàng hiện tại cần phải bổ sung nguồn vốn để cho vay.
“Như vậy, khả năng cao họ phải nâng lãi suất huy động để bổ sung thanh khoản. Tín dụng bơm vào đảo nợ cách đây vài tháng chưa đáo hạn, mà nhu cầu mới tăng nên tất yếu cần thêm nguồn tiền để đáp ứng nhu cầu. Chính vì vậy các ngân hàng mới có nhu cầu nâng lãi suất tiền gửi,” ông Minh phân tích.
Ông Minh dự báo từ nay đến cuối năm các ngân hàng thường phải duy trì mức biên lợi nhuận từ 1,5%-2%, trong khi đó lãi suất cho vay ra có tài sản đảm bảo rơi vào khoảng 8%-10%, như vậy lãi suất huy động cao nhất chỉ trong khoảng 6%-7%/năm.
Ngân hàng nào tăng lãi suất huy động?
Xu hướng tăng lãi suất huy động rộ lên từ tháng 5/2024 và đến nay đã bước sang tháng thứ 3, kéo theo lãi suất từ 5%/năm vốn chỉ được các nhà băng áp dụng cho tiền gửi các kỳ hạn 18 tháng trở lên cũng xuất hiện ở cả kỳ hạn 6-15 tháng.
Cụ thể, cách đây một tháng, tất cả ngân hàng đều niêm yết lãi suất dưới 4,9%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 6-8 tháng, nhưng hiện có ABBank, NCB, Eximbank và CB niêm yết lãi suất trên 5%/năm cho các kỳ hạn này.
Đối với kỳ hạn 9-11 tháng, mức lãi suất trên 5% ngày càng xuất hiện dày đặc. Tại thời điểm ngày 6/7, có 10 ngân hàng niêm yết lãi suất từ 5%-5,8%/năm cho các kỳ hạn này.
Đáng chú ý, có đến 23 nhà băng trả lãi suất huy động từ 5% - 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Trong đó, lãi suất huy động cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng vẫn thuộc về ABBank, lên đến 6%/năm, là nhà băng duy nhất niêm yết mức lãi suất này ở cùng kỳ hạn.
Càng ở các kỳ hạn dài, lãi suất huy động càng tăng cao, trong đó mức lãi suất cao nhất lên đến 6,1% đang được NCB và OceanBank niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn từ 18-36 tháng. HDBank cũng công bố lãi suất 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, trong khi SHB trả mức lãi suất này cho khách hàng gửi tiền từ 36 tháng trở lên.
Bên cạnh đó, nếu muốn được trả lãi suất huy động cao hơn, khách hàng có thể lựa chọn gửi tiền tại quầy ở một số ngân hàng đang duy trì chính sách “lãi suất đặc biệt”. Điều kiện để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải có tài khoản tiền gửi tối thiểu 200 tỷ đồng.