Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao NATO lo ngại việc Nga tập trận với tên lửa Iskander?

(VTC News) -

Theo các chuyên gia quân sự phương Tây, tên lửa Iskander dù không phải là vũ khí hạt nhân nhưng vẫn mang đến cho Nga khả năng tấn công phủ đầu trên diện rộng.

Tờ Forbes dẫn một số bằng chứng cho thấy quân đội Nga đã triển khai các đơn vị tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander tham gia hoạt động diễn tập tác chiến gần biên giới Ukraine, điều này khiến phương Tây lo ngại rằng Moskva có thể sử dụng loại vũ khí nếu xung đột giữa hai bên nổ ra.

Theo đánh giá của liên minh quân sự NATO, tên lửa Iskander giúp quân đội Nga thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào những mục tiêu quan trọng của kẻ thù mà không cần đến vũ khí hạt nhân. Nếu sử dụng đúng cách, nó còn có thể quyết định cả cục diện của cuộc chiến.

Ảnh vệ tinh các hệ thống tên lửa Iskander của quân đội Nga được chuyển đến Belarus chuẩn bị cho các cuộc tập vào cuối tháng 1 (Ảnh: Maxar Technologies).

Cơ sở cho đánh giá trên hoàn toàn dựa vào các tính năng kỹ chiến thuật của Iskander, tên lửa có tầm bắn lên đến 500 km, độ chính xác cao, gần như không thể bị đánh chặn khi bay với vận tốc tối đa Mach 5,9 (hơn 7.200 km/h).

Sự xuất hiện của Iskander ở biên giới phía tây nước Nga khiến các lãnh đạo Ukraine và NATO tỏ ra thận trọng kể cả khi Moskva tuyên bố rút một phần lực lượng sau khi kết thúc hoạt động diễn tập vào hôm 15/2.

Cây bút David Hambling của Forbes nhận định, những vũ khí như Iskander cho phép Nga thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ với hiệu quả cao. Hệ thống dẫn đường kết hợp đầu đạn tiên tiến giúp Iskander trở thành một thứ vũ khí đa năng có thể đối phó với nhiều mục tiêu khác nhau.

Cụ thể, một tên lửa Iskander có thể mang theo một đầu đạn nặng từ 480-700 kg, ngoài đầu đạn nổ cực mạnh, nó còn được trang bị các mẫu đầu đạn phá xuyên phá boong-ke, đạn con thông minh, đầu đạn nhiệt áp và thậm chí cả đầu đạn có thể tạo ra xung điện từ (EMP).

Một số báo cáo của phương Tây cho rằng Iskander được phủ một lớp vỏ giúp nó có thể “tàng hình” trước hệ thống radar cảnh giới của kẻ thù, kể cả khi phát hiện trước việc tên lửa được phóng đi thì khả năng đưa ra các cảnh báo hay đánh chặn Iskander đều sẽ rất khó khăn. Không những thế ở biến thể Iskander-M, người Nga còn trang bị cho nó khả năng “lẩn trốn” hệ thống phòng không của kẻ thù.

Nạp đạn tên lửa 9M723 cho hệ thống Iskander. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Dù tầm bắn lên đến 500 km nhưng độ sai lệch của Iskander so với mục tiêu trong chỉ từ 2-5 m, điều này đã được chứng minh nhiều lần qua các cuộc thử nghiệm lẫn trong thực chiến. Khả năng này của Iskander có được từ việc kết cả ba hệ thống dẫn đường quán tính, vệ tinh và địa hình vào trong cùng một đầu dẫn. Độ chính xác cực cao của Iskander cho phép nó có thể tấn công các mục tiêu quan trọng như sở chỉ huy của đối phương vốn thường được đặt sâu trong lòng đất hoặc trong boongke.

Ngoài ra quân đội Nga còn phát triển cho Iskander một mẫu máy bay do thám không người lái để truyền dữ liệu mục tiêu tới tên lửa theo thời gian thực khi cần thiết. Kiểu phối hợp này cũng đã được lực lượng pháo binh Nga áp dụng vài năm trở lại gần đây nhằm tăng khả năng tấn công của các hệ thống pháo binh kiểu cũ.

Đó là với các mục tiêu cố định, nếu Iskander được giao nhiệm vụ tấn công đồng thời nhiều mục tiêu trên một khu vực rộng thì Nga có thể chuyển sang sử dụng đầu đạn mang theo đạn chùm tự dẫn. Theo báo cáo, mỗi đầu đạn Iskander có thể mang theo hàng chục loại bom, đạn chùm dẫn đường thông minh phù hợp với việc tấn công các mục tiêu như xe tăng hay đoàn xe cơ giới của kẻ thù.

Tương tự, tên lửa Iskander có thể sử dụng đầu đạn nhiệt áp để tấn công các mục tiêu như sân bay, căn cứ quân sự, sức công phá từ đầu đạn sẽ san phẳng các công trình cũng như phá hủy phương tiện chiến tranh của kẻ thù trên một khu vực rộng.

Ở một khía cạnh nào đó loại đầu đạn được đánh giá nguy hiểm nhất trên Iskander vẫn là EMP, tuy nhiên cho tới nay quân đội Nga vẫn chưa cho công bố bất cứ thông tin nào về loại đầu đạn này.

Tên lửa Iskander mang đến cho quân đội Nga khả năng răn đe kẻ thù mà không cần đến vũ khí hạt nhân. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

EMP về cơ bản là đầu đạn phi hạt nhân có khả năng tạo ra xung điện cường độ cao, có thể phá hủy các thiết bị điện tử nhưng không gây ra thiệt hại về người trong khu vực mục tiêu. Những vũ khí áp chế điện từ như vậy đã được thảo luận từ lâu nhưng chưa bao giờ được sử dụng trong thực tế.

Một báo cáo của Lầu Năm Góc từ năm 2003 cho thấy rằng một đầu đạn EMP thông thường có thể đốt cháy mạch điện tử nhiều thiết bị di động, máy tính, ôtô và mọi thiết bị sử dụng điện khác trong một khu vực rộng vài km vuông.

Harlan Ullman, cha đẻ của chiến lược “sốc và sợ hãi” cho rằng vũ khí EMP có thể là một trong những cách hiệu quả nhất để làm mất tinh thần đối thủ và buộc họ phải đầu hàng khi hệ thống lưới điện và viễn thông bị đánh sập.

Cũng cần nói thêm rằng mỗi xe phóng di động của Iskander có thể mang hai tên lửa, trên xe nạp đạn có thêm hai tên lửa; một đơn vị Iskander được biên chế đến 12 xe phóng, chúng có thể triển khai đồng thời 48 tên lửa tấn công vào các mục tiêu đầu não của kẻ thù.

Nếu không có sự chuẩn bị từ trước, một cuộc tấn công chớp nhoáng như vậy trên hoàn toàn có thể xóa sổ một phần lực lượng chiến đấu chính của kẻ thù, nó cũng tác động trực tiếp đến tinh thần chiến đấu của binh sĩ đối phương.

Trà Khánh

Tin mới