Lễ Thất tịch mùng 7/7 Âm lịch gắn liền với sự tích về mối tình đau khổ của chàng chăn trâu (Ngưu lang) và tiên nữ dệt vải (Chức nữ). Vào ngày này, các bạn trẻ, nhất là người độc thân, thường đua nhau ăn chè đậu đỏ và các món ăn từ đậu đỏ, như một trào lưu.
Xu hướng ăn chè đậu đỏ ở các bạn trẻ Việt Nam du nhập từ Trung Quốc những năm gần đây do sự phát triển mạng xã hội.
Theo quan niệm phương Đông, màu đỏ luôn được coi là màu của sự may mắn, hạnh phúc và tình yêu. Đậu đỏ với màu sắc đặc trưng được cho là sẽ mang đến vận may, niềm vui và sự ấm áp trong tình cảm. Đối với những người đang độc thân, ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất tịch được coi là một cách thể hiện mong muốn gặp người yêu, đường tình duyên sẽ thuận lợi. Những người đã có đôi ăn đậu đỏ vào ngày này thì tình yêu sẽ bền chặt, bên nhau cả đời.
Trả lời Vietnamnet, chuyên gia phong thủy Linh Quang cho rằng, đậu đỏ không chỉ bổ dưỡng mà còn là vật phẩm phong thủy rất hiệu nghiệm. Theo khoa học phong thủy, đậu đỏ có màu đỏ sậm rất đẹp, tượng trưng cho sự may mắn, tình duyên tấn tới, mọi việc thuận buồm xuôi gió vì đậu đỏ sẽ giúp "hóa hung thành cát"…
Vì sao lại ăn chè đậu đỏ trong ngày Thất tịch? (Ảnh: Uyên Sho)
Về dinh dưỡng, đậu đỏ chứa nhiều protein, chất xơ và các loại vitamin cần thiết cho cơ thể. Chè đậu đỏ cung cấp năng lượng và có tác dụng bồi bổ sức khỏe nếu ăn vừa phải.
Các bạn trẻ ngày nay không tin vào truyền thuyết "ăn chè đậu đỏ vào ngày lễ Thất tịch sẽ giúp thoát ế” nhưng vẫn thưởng thức món này trong ngày 7/7 Âm lịch như một hoạt động văn hóa, hướng đến ý nghĩa và những giá trị tốt đẹp trong tình yêu, cuộc sống.
Nguyên liệu: Đậu đỏ 300gr, bột năng 20gr (hoặc bột sắn dây), nước cốt dừa, dừa khô (hoặc dừa tươi nạo sợi), muối, đường.
Cách chế biến: Chọn những hạt đậu đỏ to đồng đều nhau và không bị sâu. Ngâm đậu với nước trong khoảng 6 đến 8 tiếng đồng hồ. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể ngâm đậu để qua đêm trước khi nấu.
Sau khi ngâm, các hạt đậu nở to và mềm hơn. Khi có thể bẻ đậu làm đôi thì bạn vớt đậu ra, rửa sạch và loại bỏ những hạt sâu còn sót lại, để ráo nước.
Cho đậu vào nồi cùng 1/2 thìa cà phê muối, thêm 500ml nước sao cho nước ngập hết đậu; đun đến khi sôi thì thêm vào 80gr đường, khuấy tan rồi hạ lửa nhỏ, ninh trên bếp từ 30 đến 40 phút. Kiểm tra độ nhừ của đậu bằng cách lấy muỗng vớt một hạt, ấn dẹp, đậu nát nhuyễn là đạt.
Hòa tan 20gr bột năng hoặc bột sắn dây bằng nước lạnh, đổ từ từ vào nồi rồi hạ lửa vừa, khuấy đều tay cho đến khi nồi sôi trở lại, thấy bột trong và không bị vón cục là có thể tắt bếp.
Múc chè ra từng bát nhỏ và đổ nước cốt dừa vào là có thể thưởng thức. Khi dùng, bạn có thể cho thêm đá, tùy chỉnh lượng nước cốt dừa theo khẩu vị và sở thích của từng người. Hạt đậu sau khi nấu có màu đỏ sậm, nước chè hơi nâu nhẹ, điểm thêm một vài sợi dừa trắng, người ăn có thể cảm nhận vị ngọt thanh, hạt đậu mềm.