Việc hàng không ít khách trong kỳ nghỉ tưởng như nghịch lý nhưng không phải bất thường. Điều này cho thấy người tiêu dùng luôn có nhiều phương án lựa chọn cho hành trình chứ không nhất thiết phải đi bằng đường hàng không, một ngành kinh doanh vận tải vốn được cho là độc quyền.
Việc các hãng tăng hàng trăm chuyến bay cho dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 nhưng lượng khách đi lại vắng vẻ đã cho thấy các hãng bay cần phải tôn trong khách hàng hơn trong việc bay đúng giờ.
Dù lượng khách đi không đông, nhưng hành khách vẫn phải nằm vạ vật vì trễ chuyến của một số hãng hàng không dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (Ảnh chụp tại sân bay Tân Sơn Nhất).
Anh Trần Quang Tuyến (Mê Linh, Hà Nội) cho biết, dịp nghỉ lễ 2/9 gia đình tổ chức đi Vũng Tàu để nghỉ dưỡng và đã chọn phương tiện đi lại là máy bay chặng Hà Nội – Sài Gòn, chấp nhận mua vé với giá cao để giảm bớt thời gian di chuyển, có nhiều thời gian nghỉ dưỡng, tham quan hơn.
Tuy nhiên, gia đình 6 người chọn mua vé chuyến bay 6h45 ngày 31/8 để vào sớm và đã thuê xe đón từ sân bay Tân Sơn Nhất 10h cùng ngày xuống Vũng Tàu kịp ăn trưa vào lúc 12h30 do đã có hẹn với người thân. Cả gia đình gồm bố mẹ già, 2 con nhỏ và hai vợ chồng anh Tuyến đã phải dậy sớm ra sân bay lúc 5h sáng.
“Sau khi làm thủ tục xong vào phòng đợi, gần giờ bay chúng tôi mới được thông báo máy bay đến trễ, khởi hành khoảng 9h sáng, chậm hơn khoảng 2,5 tiếng so với thời điểm khởi hành ban đầu. Đến gần 9h, chúng tôi lại tiếp tục nhận được thông báo, chuyến bay rời sang 11h cùng ngày. Hành khách chờ đợi vạ vật, nhiều người bức xúc lên tiếng nhưng cũng không nhận được lời giải thích nào từ hãng bay này”, anh Tuyến nói.
Chuyên gia hàng không PGS- TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, hiện nay người tiêu dùng đang có sự dịch chuyển rất lớn và có nhiều hình thức dịch chuyển khác nhau để "né" hàng không, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Đơn cử nếu trước đây tuyến TP.HCM - Nha Trang, TP.HCM - Đà Nẵng đường bay lên ngôi thì giờ đây đường bộ, đường sắt là trải nghiệm được nhiều người ưa thích, lựa chọn.
“Việc nhiều tuyến cao tốc đưa vào sử dụng đã "chia lửa" với hàng không, đặc biệt dịp lễ, tết. Thế nhưng một lý do quan trọng khiến du lịch đường bộ lên ngôi thời gian gần đây là do tình trạng giá vé cao và delay "kinh niên" của các hãng bay khiến khách hàng sợ hãi.
Nhiều hành khách cho biết, trễ chuyến là đặc sản của một số hãng hàng không thời gian qua. (Ảnh minh hoạ: Cục hàng không).
Do vậy, với những tuyến chỉ có thể di chuyển bằng máy bay, không ít người đến các điểm có thể lái ô tô hoặc thay vì đi du lịch thì ở lại thành phố hay về quê thăm gia đình để né bay vì vừa chậm chuyến, vừa giá cao. Họ lựa chọn như vậy là để giảm áp lực kinh tế cho bản thân và cũng là hạn chế việc bỏ tiền ra mua phải “cục tức””, chuyên gia Nguyễn Thiện Tống nói.
Hãng hàng không phải biết "làm toán"
Trả lời Báo điện tử VTC News sáng 3/9 về tỷ lệ khách bay trong các ngày nghỉ lễ Quốc khánh (từ 31/8- 3/9), một lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam cho biết, lượng khách đi lại bằng đường hàng không trong dịp nghỉ lễ năm nay khá thấp.
“Lượng khách đi cao điểm nhất là ngày 31/8 và ngày hôm nay 3/9. Trong hai ngày 31/8 và hôm nay 3/9, lượng khách bay chưa bằng 70% so với lượng khách bay lúc cao điểm Tết nguyên đán và tương đương với lượng khách ngày thường. Riêng hai ngày 1 và 2/9, lượng khách chưa bằng 40% so với cao điểm Tết nguyên đán và chưa bằng 80% ngày thường. Đây là một mùa bay có kỳ nghỉ khá ảm đạm với các hãng hàng không vì lượng khách bay thấp và không có gì đáng để đưa tin”, một lãnh đạo Cục hàng không cho biết.
Phân tích về việc vì sao thời gian nghỉ lễ đến 4 ngày nhưng lượng khách đi bằng đường hàng không giảm mạnh so với cao điểm Tết nguyên đán, chuyên gia Nguyễn Thiện Tống cho biết, do một số hãng bay thường xuyên trễ chuyến nên nhiều người đã lựa chọn phương án di chuyển khác như tàu hoả, xe khách vả phương tiện cá nhân thay cho phải di chuyển bằng đường hàng không.
Điều này đã khiến cho các sân bay vắng vẻ bất thường trong kỳ nghỉ lễ, còn đường bộ thì tắc nghẽn và đông nghịt người, tàu hoả thì kín vé.
Nhiều hành khách cho biết họ sẽ lựa chọn di chuyển bằng phương tiện khác nếu máy bay thường xuyên trễ giờ.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Thiện Tống, cách đây một vài năm trước, khi giá vé máy bay đắt thì người dân đã phản ứng bằng việc không đi, trừ trường hợp bắt buộc phải đi.
“Đúng ra ngành hàng không phải rút kinh nghiệm và tính toán lại giá vé. Không nhất thiết cứ tăng theo giá trần, bởi ngành hàng không phải tính toán và điều chỉnh giá theo thị trường. Các hãng cũng cần nâng cao kỹ năng, cung cách phục vụ chứ không phải để khách hàng mua vé máy bay cao những thường xuyên bị đi trễ giờ. Việc người dân không đi máy bay hoặc hạn chế đi máy bay dịp nghỉ lễ 2/9 cho thấy sự phản ứng mạnh mẽ của thị trường. Đây chính là điều mà các hãng phải tự thay đổi chứ đừng cho mình độc quyền, muốn làm gì thì làm”, ông Tống nói.
Chuyên gia Nguyễn Thiện Tống cũng cho rằng, việc người tiêu dùng không đi máy bay là một phản ứng hay, phản ứng tích cực, qua đó giúp cho ngành hàng không phải tự học lại cách tính giá vé chứ đừng dựa vào giá trần, giá sàn.
“Bây giờ không còn độc quyền được nữa, mà hàng không phải chia sẻ với nhiều ngành vận tải khác là hàng không nước ngoài, vận tải đường bộ, đường sắt, phương tiện cá nhân… Các hãng hàng không phải biết làm toán thường xuyên để cân đối giá vé. Bây giờ công nghệ AI cũng có thể đưa ra tính toán với giá vé như vậy thì bao nhiêu % khách đi. Do vậy, nếu tăng giá vé cao quá thì số lượng khách sẽ ít đi, ngược lại, giá vé thấp, người đi lại đông thì sẽ cho lợi nhuận tốt. Qua đợt này, hy vọng các hãng sẽ rút ra bài học, tìm được phương án phù hợp”, chuyên gia Nguyễn Thiện Tống nói.