Từ một bài đăng trên mạng xã hội Facebook, việc có hay không duy trì trường chuyên trở thành chủ đề gây tranh cãi trong thời gian gần đây. Đặc biệt, vấn đề học sinh trường THPT chuyên, năng khiếu có nhiều điểm 10 trong học bạ khiến nhiều người nghi ngờ đó chỉ là "điểm ảo".
Chiều 18/7, tại tọa đàm “Trường chuyên trong thời đại 4.0” diễn ra tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), một số ý kiến tập trung chủ đề này.
Ông Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hằng)
Điểm số toàn 10 "không phải không có cơ sở"
Cô Nguyễn Thị Hoàng Mai, giáo viên trường THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), nói: "Khi dự thi vào trường chuyên, học sinh đã có kiến thức nền cơ bản. Trải qua kỳ thi tuyển sinh gắt gao, các em mới được theo học tại trường. Vì vậy, điểm số toàn 10 của học sinh chuyên không phải không có cơ sở, bởi bản thân các em có đủ năng lực để đạt được điểm số này".
Tuấn Kiệt, cựu học sinh trường THPT Năng Khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết đề kiểm tra của học sinh chuyên được xây dựng theo cấu trúc đề của Bộ GD&ĐT, với độ khó ở mức vừa phải so với năng lực của học sinh chuyên. Vì vậy, việc học sinh chuyên làm tốt và đạt được mức điểm tối đa trong các bài kiểm tra là hoàn toàn có thể.
Nhiều lo lắng cho rằng học sinh trường chuyên sẽ học lệch. Song, các khán giả và diễn giả dự tọa đàm đều cho rằng việc học lệch hay học cân bằng là do sự tự chủ của mỗi cá nhân.
Đức Minh, cựu học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, nói: "Nếu vào trường chuyên vì yêu thích môn học nào đó, bạn có thể dành 90% thời gian nghiên cứu chuyên sâu. Đó là lựa chọn của bạn. Bản thân người học phải tự chủ lựa chọn khoảng thời gian để cân bằng việc học của mình".
"Đồng phục" của trường chuyên
Trong tọa đàm, vấn đề "đồng phục" được xã hội gắn cho trường chuyên nhận được nhiều sự quan tâm.
Trước quan điểm cho rằng học sinh chuyên thường dành hết thời gian để "cày cuốc", học tập và thi cử, Tuấn Kiệt cho rằng học sinh trường chuyên cũng như học sinh bình thường, có những trò chơi, nghịch ngợm đúng độ tuổi.
Nhiều cựu học sinh cùng diễn giả khẳng định học trường chuyên không chỉ tốt về học thuật. Các trường đã và đang mở nhiều lớp về kỹ năng thực tế, kỹ năng mềm, câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, để học sinh phát triển toàn diện.
Điển hình, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có hơn 20 câu lạc bộ hoạt động dưới sự hỗ trợ của giáo viên.
Ông Trần Nam Dũng - Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng trường THPT chuyên có đóng góp rất lớn cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng. Dựa vào những bài đăng trên mạng xã hội Facebook mà phủ định đóng góp tích cực của trường chuyên là không đúng.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng khẳng định những bài đăng trên mạng xã hội về chủ đề này là lời cảnh tỉnh cho suy nghĩ chủ quan rằng trường chuyên đang tốt và không phải thay đổi.
Theo ông, không chỉ trường chuyên, mà các trường THPT trên cả nước đều phải thay đổi theo hướng phát triển 4 yếu tố: Kỹ năng, phẩm chất, thái độ, kiến thức của học sinh. Các trường chuyên sẽ đi đầu trong việc thay đổi này.
Ông Trần Nam Dũng nhấn mạnh học sinh giỏi chỉ chiếm một phần trong các tiêu chí để đánh giá các trường THPT.
Cùng quan điểm, diễn giả Đào Thị Hải Lý cho rằng: "Trong thời đại mới, không phải chỉ riêng trường chuyên, mà các trường THPT khác cũng bắt buộc phải thay đổi để có thể hội nhập, như một điều tất nhiên".