HLV Fabio Lopez vừa chia tay Thanh Hóa sau 3 trận toàn thua ở V-League. Được mang về với nhiệm vụ cải thiện thành tích cho đội bóng xứ Thanh (xếp áp chót mùa trước), nhưng chiến lược gia Italy thất bại hoàn toàn. Thanh Hóa là một trong hai đội toàn thua ở V-League, vẫn xếp áp chót.
Trát sa thải cho Lopez được giới chuyên môn nhận định là sớm hay muộn, nhưng Lopez không đơn độc. Từ năm 2010, 23 chuyên gia người nước ngoài đến Việt Nam dẫn dắt các đội V-League, có tới 16 người không thể trụ lại quá một mùa.
HLV Lopez sớm bị sa thải sau 3 vòng.
Ngoài Lopez, V-League mùa này còn có hai chiến tướng ngoại quốc là Lee Tae Hoon và Chung Hae Seong. Chỉ có ông Chung là chắc ghế, còn Lee Tae Hoon có nguy cơ bị sa thải khi HAGL khởi đầu tệ hại. Sau dịch COVID-19, đội bóng phố Núi toàn thua, chưa ghi được bàn nào.
Tại sao các HLV ngoại thường sớm bật bãi ở V-League?
Bất đồng văn hóa
"Con người HLV Lopez cũng tốt nhưng do bất đồng ngôn ngữ và chưa hiểu hết văn hóa Việt Nam nên có những mâu thuẫn", ông chủ Nguyễn Văn Đệ của Thanh Hóa chia sẻ với VTC News về HLV Lopez.
Một chuyên gia ngoại khác là Daniel Enriquez, cựu GĐĐH của Hà Nội FC, cũng thất bại với lý do được giới lãnh đạo CLB giải thích là do "chưa hiểu hết văn hóa Việt Nam". Với các chuyên gia ngoại, hầu hết đều có phiên dịch viên riêng khi sang Việt Nam làm việc. Rào cản ngôn ngữ có thể xóa nhòa, nhưng rào cản văn hóa thì khác.
Bóng đá Việt Nam vẫn chưa tiếp cận chuẩn chuyên nghiệp của thế giới, yếu tố mà thành công của tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo không thể khỏa lấp. Ở nhiều CLB, sự thiếu chuyên nghiệp thể hiện từ phòng thay đồ đến mặt cỏ. Nếp sinh hoạt của cầu thủ Việt cũng có nét khác biệt so với các nền bóng đá tiên tiến.
Để thành công, HLV cần có hai yếu tố. Hoặc thỏa hiệp, khéo léo kết hợp giữa mới và cái cũ, hoặc áp đặt cái mới hoàn toàn, dựa trên sự ủng hộ tuyệt đối của ban lãnh đạo và đồng lòng của cầu thủ.
Chung Hae Seong vừa quyết đoán, vừa khéo léo khi cần.
Thành công của HLV Ljupko Petrovic (FLC Thanh Hóa) và HLV Chung Hae Seong (CLB TP.HCM) là minh chứng rõ nhất cho điều này, khi cả hai được tạo điều kiện để thực hiện cách mạng.
"Bóng đá là bóng đá, ở đâu cũng vậy thôi", ông Enriquez nói với VTC News. Khi tất cả nhất trí với phương pháp làm việc mới, cùng thay đổi tư duy theo định hướng do chuyên gia ngoại vạch ra, rào cản văn hóa sẽ không còn là vấn đề.
Tất nhiên, các HLV cũng cần mềm mỏng, nhập gia tùy tục, không thỏa hiệp, nhưng phải hiểu rõ đặc tính cầu thủ Việt Nam để ứng xử phù hợp.
HLV Toshiya Miura hai lần thất bại bởi phương pháp tập luyện có phần hà khắc kiểu Đức cổ điển, HLV Lopez áp dụng cách tập riêng, không giống ai, còn GĐĐH Enriquez mất thiện cảm khi nóng lòng muốn cải tổ toàn diện một cỗ máy chiến thắng như Hà Nội FC.
Video: HLV Park Hang Seo cần mẫn đi tuyển quân
Không có cái uy
Người hâm mộ Thanh Hóa khó quên HLV Petrovic từng... đấm Omar khi cầu thủ người Senegal cư xử không đúng mực.
Ở Thanh Hóa, "bố già" Petrovic có uy quyền tuyệt đối, nhờ tiếng tăm trong quá khứ (vô địch Champions League cùng Sao Đỏ Belgrade) lẫn cá tính mạnh. Petrovic được trao quyền lực chuyên môn, do đó, rất ít người dám "bật" lại ông, dù Thanh Hóa khi ấy sở hữu không ít ngôi sao ngổ ngáo.
HLV Henrique Calisto của Đồng Tâm Long An cũng thành công nhờ cái uy với cầu thủ, hay Chung Hae Seong được các cầu thủ CLB TP.HCM vị nể, nhất quyết tuân theo.
HLV Calisto (phải) được cầu thủ nể trọng.
Khi Zlatan Ibrahimovic hỏi HLV Fabio Capello, rằng làm thế nào để ông có được sự nể trọng từ cầu thủ, Capello trả lời: "Không thứ gì tự nhiên mà có. Tôi phải đứng lên để giành giật nó". Với các HLV, uy quyền không tự sinh ra. Họ phải chiến đấu giành giật điều đó từ cầu thủ.
Có ba cách để HLV được cầu thủ nể trọng. Một là quá khứ hào hùng, hai là được BLĐ trọng vọng, tin tưởng, ba là có cá tính đủ lớn để trấn áp những kẻ cứng đầu. Hầu hết chuyên gia ngoại làm việc ở Việt Nam đều không có đủ những yếu tố này.
Áp lực thành tích
Không dễ để HLV ngoại lập tức tạo dấu ấn tại CLB mới. Để thành công, họ cần thời gian xây nền móng, định hình triết lý, chờ đợi phương pháp huấn luyện "ngấm" vào từng cầu thủ. Tuy nhiên, các ông chủ hiếm khi kiên nhẫn với HLV ngoại.
Áp lực thành tích khiến các HLV ngoại có rất ít thời gian chứng tỏ.
Cái mác quốc tế, cộng với mức lương cao và kỳ vọng nhiều buộc HLV ngoại phải thành công thật nhanh. Khi thất bại, họ sẽ bị soi mói, chỉ trích rất nhiều. HLV Lopez mất ghế chỉ sau 3 trận là một ví dụ.
HLV Marian Mihail cũng "bay ghế" sau khởi đầu không tốt ở Thanh Hóa. CLB Viettel cũng sa thải HLV Lee Heung Sil sau giai đoạn lượt đi. Nếu họ là HLV nội, sự kiên nhẫn có thể đã nhiều hơn.
Hầu hết các HLV ngoại ra đi khi họ còn chưa áp dụng được kế hoạch. Ở V-League, các CLB luôn đòi hỏi phải có thành tích ngay lập tức. Không có thời gian để "xây móng". Chính sách sử dụng tiền đạo ngoại hay lối chơi phất dài cho ngoại binh là một ví dụ.
Nhiều đội thích đốt cháy giai đoạn, thành công thật nhanh và "xây nhà từ nóc", đúng như cách nói của cựu HLV Alfred Riedl. Không phải HLV nào cũng phù hợp với cách xây dựng CLB kiểu "mỳ ăn liền".
Cuối cùng, những bất đồng về tư duy tạo ra hố sâu không thể ngăn cách giữa HLV và BLĐ, cầu thủ. Nhiều người đã "lọt hố" và mất việc. V-League càng ngày càng giống "miền đất độc" với các HLV, chuyên gia ngoại. Khi tất cả chưa sẵn lòng thay đổi, thất bại là chuyện sớm hay muộn.