Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao giá xăng vẫn ‘tăng phi mã, giảm nhỏ giọt’?

(VTC News) -

Quyết định giảm giá xăng từ 630 – 650 đồng mỗi lít của Liên bộ Công Thương – Tài chính được nhiều người cho là… nhỏ giọt khi giá xăng dầu thế giới giảm sâu.

Giá xăng giảm nhỏ giọt sau loạt phiên tăng liên tiếp. (Ảnh minh họa: Sức khỏe Đời sống)

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát, điều tiết của nhà nước để bảo đảm ổn định vĩ mô. Hai “van” để điều tiết giá bán lẻ xăng dầu trong nước là thuế, phí và quỹ bình ổn giá.

Trong bối cảnh việc giảm thuế môi trường chưa được áp dụng, việc trích lập quỹ bình ổn với xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 50 đồng/lít, dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít sẽ khiến giá xăng dầu trong nước không giảm tương xứng với giá xăng dầu thế giới.

Vẫn theo ông Long, xăng dầu hiện nay đang chịu cùng lúc nhiều sắc thuế. Trong đó, nhiều ý kiến băn khoăn việc áp dụng cả thuế môi trường (3.800 đồng đối với RON 92, 4.000 đồng đối với RON 95) và thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với xăng dầu.

“Xăng dầu không phải là hàng hóa xa xỉ, đã phải chịu thuế bảo vệ môi trường, lại gánh cả thuế tiêu thụ đặc biệt nữa thì có hợp lý không?”, ông Ngô Trí Long đặt câu hỏi.

TS Vũ Đình Ánh thì cho rằng để tránh dư luận "xăng tăng phi mã, giảm nhỏ giọt" mỗi kỳ điều chỉnh giá xăng, các cơ quan điều hành giá nên làm rõ và minh bạch cách tính giá xăng dầu. Bất kỳ người dân, lãnh đạo doanh nghiệp nào còn thắc mắc về điều chỉnh giá xăng dầu có thể tra cứu và nắm được.

“Xăng dầu đang là gánh nặng của người dân và doanh nghiệp. Việc điều hành giá xăng dầu đã có quy định, nhưng tôi cho rằng nên công khai cụ thể cách tính để người dân nắm được vì sao có con số giảm 630 – 650 đồng cho mỗi lít xăng?”, ông Ánh nói.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong kỳ điều hành lần này, cơ quan quản lý quyết định trích lập vào quỹ bình ổn để tăng thêm nguồn quỹ trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn đang âm quỹ. Việc trích lập quỹ bình ổn đã khiến giá bán lẻ xăng dầu không giảm mạnh như kỳ vọng.

“Không phải cứ giá xăng dầu thế giới giảm bao nhiêu, trong nước sẽ giảm bằng đó, vì còn phụ thuộc vào việc cơ quan điều hành trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá (BOG) như thế nào”, vị lãnh đạo doanh nghiệp nói.

Vẫn theo vị này, ở kỳ điều hành giá lần trước, nếu theo giá thế giới, Liên bộ Công Thương – Tài chính sẽ phải tăng giá xăng dầu lên cao hơn mức đã công bố. Không những thế, sau nhiều ngày đi xuống, giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại. Khi điều chỉnh giá bán lẻ trong nước, cơ quan điều hành giá sẽ phải cân nhắc đến xu hướng giá trên thị trường thế giới những ngày tiếp theo.

Trong kỳ điều hành tới, giá xăng dầu có thể giảm thêm nhờ vào quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Xăng giảm nhỏ giọt làm khó doanh nghiệp

Chia sẻ với VTC News ngày 21/3, ông Đỗ Hữu Bằng, Giám đốc hãng xe Sao Việt cho rằng, với doanh nghiệp vận tải hiện nay giá xăng dầu giảm được chút nào hay chút đó. Nhưng mức giảm “nhỏ giọt” sau nhiều lần tăng liên tục với biên độ cao khiến doanh nghiệp vẫn rất đau đầu.

“Tôi cho rằng trong lúc này không nên trích lập quỹ bình ổn giá. Nhà điều hành cần tạo điều kiện giảm sâu giá xăng dầu để hỗ trợ vận tải, doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung”, ông Bằng nói.

Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, giá xăng dầu liên tục tăng “dựng đứng” thời gian qua khiến doanh nghiệp vận tải trở tay không kịp. Trước kỳ điều hành giá ngày 21/3, doanh nghiệp đã hy vọng các mặt hàng xăng dầu sẽ có biên độ điều chỉnh mạnh hơn. 

"Giá xăng thành phẩm trên thị trường thế giới ở kỳ điều hành này so với kỳ điều hành trước giảm hơn 7%. Tương tự, giá các loại dầu cũng giảm 3,51 - 15,7% so với kỳ trước. Nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ này lại giảm khá thấp. Trong lúc doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn vì dịch bệnh, tôi nghĩ việc xăng dầu tăng nhanh, giảm chậm sẽ khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn hơn", ông Hải nói.

Hòa Bình

Tin mới