Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao giá xăng trong nước chưa thể giảm trong kỳ điều chỉnh mới?

(VTC News) -

Tại kỳ điều hành ngày 3/4, giá xăng RON95 được điều chỉnh tăng 90 đồng lên 23.125 đồng/lít, xăng E5 RON92 cũng tăng nhẹ với 60 đồng/lít lên 22.082 đồng/lít.

Trong bối cảnh diễn biến giá xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 21/3 - 3/4) tăng giảm đan xen, nhiều ý kiến cho rằng giá xăng trong nước đã có thể giảm nếu cơ quan quản lý dừng trích quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tuy nhiên, trên thực tế, hôm qua (3/4), liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu ở mức 300 đồng/lit,kg, giữ nguyên như kỳ trước. Việc này đã khiến giá xăng RON95 tăng lên 23.125 đồng/lít và xăng E5 RON92 tăng lên 22.082 đồng/lít. Dầu diesel cũng quay đầu tăng nhẹ lên mức 19.430 đồng/lít.

Xăng lỡ cơ hội giảm giá vì phải trích lập quỹ bình ổn. (Ảnh minh họa)

Liên quan đến hoạt động quỹ bình ổn giá, nhiều chuyên gia cũng cho rằng đã đến lúc xem xét bỏ quỹ BOG với xăng dầu. Theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh, quỹ bình ổn giá xăng dầu đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Diễn biến thị trường nhiều thời điểm cho thấy quỹ bình ổn giá không còn phù hợp, nên cân nhắc việc tiếp tục duy trì hay để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cũng có văn bản cho rằng việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi hơn được lợi vì bản chất là người tiêu dùng đang ứng trước cho quỹ. Từ đó, VINPA kiến nghị bỏ quỹ bình ổn giá để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Khi bỏ quỹ bình ổn giá, tính minh bạch, công khai trong việc điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.

"Việc sử dụng quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu", văn bản của VINPA nêu.

Tuy nhiên, phát biểu tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15/3, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ điều hành mức tăng giảm giá, nếu bỏ quỹ này đồng nghĩa Nhà nước không còn công cụ quản lý. Theo ông Phớc, Bộ Tài chính đang tiếp tục đánh giá để quỹ bình ổn giá xăng dầu vận hành, hoạt động có hiệu quả nhất.

Còn ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội - nêu quan điểm: "Ý kiến cá nhân tôi là có thể giữ, nhưng nếu giữ lại quỹ thì phải hoàn thiện cơ chế quản lý hiệu quả hơn".

Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu của Oilprice, đầu ngày 4/4, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu tiếp tục tăng và giao dịch quanh ngưỡng 85,07 USD/thùng, còn giá dầu WTI chuẩn Mỹ cũng ở mức 80,06 USD/thùng.

Hòa Bình

Tin mới