Theo anh Thành Công (quận Cầu Giấy, Hà Nội), do tính chất công việc nên anh thường xuyên lựa chọn di chuyển bằng taxi hoặc xe công nghệ, tại nhiều địa phương khác nhau. Hiện anh Công ngạc nhiên khi thấy rất ít hãng taxi chịu "hạ nhiệt" giá cước dù giá xăng, dầu đã liên tục đi xuống.
"Hiện tôi chỉ thấy tại Hà Nội có một số ít hãng taxi chủ động giảm giá cước 1.500 đồng - 2.000 đồng/km như Hương Lúa giảm từ 15.000 đồng/km xuống 13.500 đồng/km. Còn phần lớn các hãng khác vẫn duy trì ở mức giá 15.000 - 20.000 đồng/km cho 20km đầu và từ km thứ 21 trở đi, giá khoảng 13.000 đồng/km. Ở các địa phương khác như Côn Đảo, Phú Quốc, TP.HCM cũng xảy ra thực trạng này", anh Công nói.
Cước taxi chưa giảm dù giá xăng dầu hạ sâu. (Ảnh minh họa)
Theo khảo sát của VTC News sáng 30/7, taxi G7 ở Hà Nội đang có giá cước mở cửa là 20.000 đồng cho 1,3km đầu tiên; km tiếp theo đến km 20 là giá 15.000 đồng/km; giá từ km 21 trở đi là 12.500 đồng/km. Nếu khách đi hai chiều, mỗi chiều hơn 25km thì chiều về sẽ được giảm giá 80%.
Taxi Thanh Nga đang có giá 15.000 đồng/km cho 20 km đầu tiên; từ km thứ 21, giá cước là 13.000 đồng/km. Một nhân viên của hãng cho biết, chưa có thông báo nào về việc giảm giá cước.
Trong khi đó tại Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), thời gian gần đây, một số hãng taxi đã điều chỉnh tăng giá cước khoảng 2.000 đồng/km. Cụ thể, hãng Côn Sơn tăng từ 18.000 đồng/km lên 20.000 đồng/km từ cuối tháng 5/2022. Tương tự, Mai Linh tăng từ 18.000 đồng/km lên 20.000 đồng/km kể từ cuối tháng 4/2022. Và hiện mức giá này vẫn giữ nguyên, chưa giảm trở lại.
Ở Phú Quốc (Kiên Giang) hay TP.HCM, giá cước taxi cũng đã tăng trước đó và chưa thấy hạ.
Cụ thể, hãng taxi Nam Thắng Phú Quốc xe 7 chỗ có giá niêm yết là 20.500 đồng/km, xe 4 chỗ giá 18.500 đồng/km, tăng 2.000 đồng/km kể từ đầu tháng 6/2022.
Còn với hãng Mai Linh, kể từ tháng 4/2022, xe 4 chỗ tăng giá 2.000 đồng/km, từ 14.500 đồng/km lên 16.500 đồng/km, cộng 8.000 đồng mở cửa; xe 7 chỗ tăng 2.300 đồng/km từ 15.700 đồng/km lên 18.000 đồng/km cho xe 7 chỗ, cộng 10.000 đồng mở cửa.
Cùng với taxi truyền thống, các app gọi xe như Grab, Be, Gojek cũng chưa có động thái giảm giá cước sau lần tăng gần nhất vào tháng 5.
Tình trạng trên khiến nhiều người tiêu dùng thắc mắc tại sao cước taxi không chịu giảm theo giá xăng dầu? "Tôi thấy taxi là dịch vụ chịu tác động trực tiếp và nhanh nhất từ giá xăng dầu. Khi giá xăng dầu tăng mạnh, họ đề xuất tăng giá cước. Nhưng khi giá xăng dầu giảm sâu, tại sao các hãng không có động thái gì?", anh Công đặt câu hỏi.
Trả lời VTC News về việc này, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nói: "Từ đầu tháng 1/2022, giá xăng liên tục tăng cao và ở ngưỡng 23.000 đồng, đến tháng 7/2022 tăng lên hơn 30.000 đồng/lít, như vậy đã tăng khoảng 29%. Từ đầu tháng 7 đến nay, giá xăng tuy giảm nhiều lần nhưng vẫn ở mức cao hơn 25.000 đồng/lít. So với biên độ từ đầu năm 2022 thì giá xăng dầu vẫn tăng hơn 9,2%, trong khi đó cước taxi mới tăng lên 8% tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác. Như vậy biên độ điều chỉnh cước taxi mới tạm đủ cho chi phí giá xăng dầu ở mức hơn 25.000 đồng/lít như hiện nay”.
Ông Hùng phân tích thêm, về bản chất, của các doanh nghiệp vận tải, nhất là các hãng taxi không phải muốn điều chỉnh giá là làm được ngay vì phải theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu. Hiện giá xăng Việt Nam đang hạ nhưng giá dầu thế giới lại tăng. Ngoài ra, giá xăng dầu trong nước cứ 10 ngày lại được điều chỉnh một lần.
“Các doanh nghiệp vận tải, trong đó có taxi, hiện chưa có dự kiến là giá xăng sẽ tăng hay giảm trong chu kỳ tiếp theo, tức là vài ngày tới. Nếu giá xăng tiếp tục giảm xuống mức 23.000 đồng/lít hoặc thấp hơn thì chắc các hãng sẽ điều chỉnh giảm giá cước. Hiện nay các doanh nghiệp taxi tăng giá cước mới chỉ đủ bù chi phí cho việc điều chỉnh giá chứ chưa có lãi, trong khi taxi truyền thống vẫn phải đang cạnh tranh rất lớn với taxi công nghệ”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, với các hãng taxi truyền thống, mỗi lần điều chỉnh giá cước sẽ rất phức tạp, trong đó có việc đăng ký với cơ quan kiểm định đồng hồ km. Ngoài ra cũng tốn kém vì một xe khi điều chỉnh cước thì mất chi phí là 100.000 đồng và 50.000 đồng phí thay đổi bộ nhận diện bảng giá cước bên ngoài thành xe. Như vậy, mỗi lần điều chỉnh cước thì mỗi đầu xe tốn ít nhất 150.000 đồng, chưa kể chi phí bến bãi, công thực hiện. Đây là vấn đề rất tốn kém khiến các doanh nghiệp taxi phải hết sức thận trọng trong điều chỉnh giá.
"Một lý do nữa khiến cước taxi hiện chưa giảm là xăng dầu chỉ chiếm tỷ trọng từ 30 - 35% cấu thành giá, bên cạnh đó các mặt hàng, dịch vụ khác hiện nay vẫn đang tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đồng thời lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 cũng đã tăng lên, khiến chi phí mà các doanh nghiệp vận tải phải chi trả khá lớn từ chi trả lương cho tài xế đến các dịch vụ bến bãi...Do vậy, các doanh nghiệp hiện hoạt động chưa thể có hiệu quả. Họ vẫn đang chờ đợi giá xăng giảm xuống một nhịp nữa. Các doanh nghiệp taxi đã sẵn sàng phương án điều chỉnh cước trong chu kỳ điều hành giá xăng dầu gần nhất của liên bộ Tài chính - Công Thương, nếu giá xăng dầu giảm xuống mức từ 23.000 đồng/lít trở xuống”, ông Hùng nói.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, phân tích: theo Luật giá thì các hãng chủ động xây dựng, kê khai giá với cơ quan chức năng, nhà nước chỉ thẩm định chứ không can thiệp và áp đặt. Giá là do thị trường cạnh tranh quyết định, nhiều nguồn cung thì các doanh nghiệp cạnh tranh hạ giá thành, còn khan hiếm thì các doanh nghiệp vẫn tiếp tục giữ, thậm chí là tăng giá để có càng nhiều lợi ích càng tốt.
"Nếu các doanh nghiệp không chịu giảm giá cước dù có điều kiện giảm thì trước hết là ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của họ, thậm chí là mất sự cạnh tranh với các hãng khác. Do vậy, bản thân các doanh nghiệp phải tự xem xét lợi ích trước mắt hay lâu dài để niêm yết, điều chỉnh giá cho phù hợp", ông Liên nêu quan điểm.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/8, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận hiện trạng giá dịch vụ vận tải chưa "hạ nhiệt" mặc dù giá xăng dầu đã giảm sâu. Lý giải về việc này, ông Sang nói, thường sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm. Thời gian vừa qua, lúc đầu giá xăng dầu tuy giảm nhưng không nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai điều chỉnh giảm.
Bộ Giao thông Vận tải liên tục chỉ đạo các đơn vị khẩn trương rà soát để kê khai, giảm giá cước. Ngày 31/7, Thủ tướng cũng có công điện về việc tăng cường các biện pháp quản lý điều hành giá. Ngay sau đó, Bộ Giao thông tiếp tục có văn bản để thúc triển khai chỉ đạo này.
"Chúng tôi kỳ vọng rằng, trong thời gian tới, khi giá xăng dầu giảm ổn định, cước vận tải sẽ giảm", ông Phương nói.