Cúm vào mùa
Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày trung bình tiếp nhận từ 100 đến 200 bệnh nhi đến thăm khám với chung biểu hiện như: sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu.
TS. BS Ngô Thiện Hải – Phó Giám gốc Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em của bệnh viện cho biết, do đang là thời điểm giao mùa, thời tiết khắc nghiệt, nên số lượng bệnh nhi nhập viện do mắc cúm, đặc biệt là cúm A trong hai tuần vừa qua. Cao điểm có lúc lên tới 500 trẻ đến khám một ngày do cúm, tăng 10-20% so với trước.
Từ tháng 11/2019 đến nay, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận khoảng 3.099 trường hợp có chung triệu chứng cúm.
Dịch cúm đang vào mùa, khiến số lượng bệnh nhi nhập viện tăng cao. (Ảnh minh họa)
Tương tự ở khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai, có thời điểm tiếp nhận tới 300 trẻ có biểu hiện giống cúm. Còn khoa Nhi - Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cao điểm 200 bệnh nhi nhập viện một ngày, gần gấp 3 lần so với ngày thường.
Thời tiết thay đổi thất thường, sáng sớm rồi đêm lạnh, trưa nóng, kèm gió mùa, nên tỷ lệ người mắc cúm tăng lên từng ngày, kéo theo nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao, đặc biệt là Tamiflu 75mg – loại thuốc trị cúm phổ biến hiện nay.
Cha mẹ tự ý mua thuốc
Chị Nguyễn P.A (trú tại Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa mua thuốc Tamiflu với giá gần 200.000 đồng/viên. Như vậy, một vỉ 10 viên có giá lên tới gần 2 triệu đồng. Trong khi, bảng kê khai tại Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) giá thuốc Tamiflu 75mg chỉ có giá 45.000 đồng/viên, tương ứng với 450.000 đồng/1 vỉ 10 viên.
Do con có biểu hiện sốt, ho, đau đầu nên chị Phạm Thúy Quỳnh ở Hoàng Mai, Hà Nội tìm mua thuốc Tamiflu cho bé uống. Chị bất ngờ khi Tamiflucó giá lên tới 120.000 đồng/viên. Cực chẳng đã, lo con đang ốm sốt ở nhà, nên chị phải bỏ ra số tiền 1,2 triệu đồng cho 10 viên thuốc.
Từ câu chuyện trên, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc số ca bệnh tăng do vào mùa cúm, thì chính tâm lý “ở nhà chữa bệnh” của phụ huynh đang là nguyên nhân khiến thuốc Tamiflu trở nên khan hiếm, giá bị thổi phồng "đáng sợ".
Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai bệnh cúm hiện nay thường do 2 chủng là cúm A và cúm B gây nên. Trong đó, nhẹ hơn là cúm B. Người mắc cúm thường có những dấu hiệu như: hắt hơi, xổ mũi, sốt, đau đầu, đau cơ, ho…
Trong khi đó, Tamiflu lại là thuốc chỉ điều trị cúm, nên nhiều người có tâm lý cứ con có triệu chứng như vậy là mua Tamiflu về uống mà không cần chỉ định. "Đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm", TS Dũng nói.
Cửa hàng không nhập nhiều
BS Dũng cho biết, điều trị cúm hiện nay vẫn chủ yếu là trị các triệu chứng. Như ho thì uống thuốc ho, đau đầu dùng thuốc đau đầu, đau cơ, mỏi vai… Bởi thông thường, với nền thể trạng khỏe mạnh, kết hợp điều trị triệu chứng và chế độ ăn uống, dinh dưỡng, nghỉ ngơi đầy đủ thì bệnh có thể hết sau từ 3 đến 7 ngày.
Do vậy, việc các bậc phụ huynh hiện nay cứ thấy con nhỏ có triệu chứng cúm là đổ xô đi mua Tamiflu là điều không cần thiết. Và cũng chính việc làm này sẽ để xảy ra nhiều vấn đề đáng lo ngại trong đó có việc đẩy giá thuốc tăng cao.
“Tamiflu là thuốc dùng trị cúm, chỉ bệnh cúm thôi không trị bệnh nào khác. Do vậy cửa hàng cũng sẽ không nhập nhiều, vì nhập nhiều bán không hết mà quá hạn thì chỉ có bỏ đi. Cùng với đó, tâm lý con cái cứ hễ có triệu chứng giống cúm là bố mẹ tự ý ra hiệu mua thuốc về cho con uống, càng khiến Tamiflu trở nên khan hiếm, giá bị đẩy lên cao”, BS Dũng nói.
Vào mùa cúm, lượng bệnh nhân tăng cộng tâm lý hễ con cái có dấu hiệu là cha mẹ tự ý mua thuốc cho trẻ uống là nguyên nhân khiến Tamiflu trở nên khan hiếm, giá tăng cao.
Sử dụng Tamiflu đúng thế nào
PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chung quan điểm, trong điều trị cúm, Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75 mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, chỉ được chỉ định với những trường hợp có biến chứng như viêm phổi, và khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh mới dùng thuốc này, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm.
GS.TS Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng nhấn mạnh, chính thói quen dùng thuốc tràn lan, cứ khi có dịch cúm người dân đổ xô đi mua Tamiflu là không cần thiết. Bởi 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị.
Trung tâm Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em của Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tuy đây đang là cao điểm của dịch cúm, có ngày trung tâm tiếp nhận 15 - 20 ca mắc mới. Đó là những trường hợp trẻ nhỏ bị cúm nặng, có biến chứng hoặc trên nền bệnh mãn tính khác. Còn những trường hợp, dù xét nghiệm có mắc cúm A, nhưng ở thể nhẹ, nên hầu hết đều được bác sĩ cho điều trị tại nhà.
Theo các chuyên gia, người bình thường, không mắc bệnh gì, khi có những triệu chứng nhẹ nghi do cúm như sốt, ho, sổ mũi, đau đầu, mỏi cơ… thì không nên quá lo lắng hay tự ý đi mua thuốc về uống dễ xảy ra tình trạng tốn kém mà không mang lại tác dụng. Lúc này, người dân nên chủ yếu điều trị triệu chứng tại nhà là chủ yếu.
Trong trường hợp sốt quá cao, các dấu hiệu chuyển biến nặng hay nhóm người già, trẻ nhỏ, người có tiền sử mắc kèm một số bệnh lý có biểu hiện hiện cúm thì nên đến bệnh viện thăm khám, điều trị theo đơn của các bác sĩ.
Cần đảm bảo đủ lượng thuốc
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa nhận được công văn của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thông báo không còn thuốc Tamiflu 75mg để điều trị cho bệnh nhân do công ty không tiếp tục ký hợp đồng và cung cấp thuốc cho bệnh viện.
Bệnh viện Nhi trung ương cũng báo cáo công ty đang hết hàng, không có khả năng cung ứng thuốc Tamiflu 75mg.
Cục Quản lý Dược cho biết thuốc Tamiflu được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam và không phải thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Thuốc được nhập khẩu theo nhu cầu thị trường. Hiện đơn vị cung ứng vẫn còn một lượng nhỏ đảm bảo cung cấp theo hợp đồng trúng thầu vào các bệnh viện. Ngoài ra, một đơn hàng nhập khẩu bổ sung Tamiflu sẽ sớm về Việt Nam, phục vụ cho điều trị.
Cục Quản lý dược khuyến cáo, thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc. Nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe
Để đảm bảo cung ứng đủ và kịp thời thuốc phục vụ phòng và điều trị bệnh, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động dự trù, thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với các trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá thuốc.
Các cơ sở nhập khẩu thuốc chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp thuốc chưa oseltamivir có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, cung ứng đủ thuốc ngay khi nhận được đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh.
Trường hợp cơ sở nhập khẩu liên hệ được nguồn cung thuốc chứa oseltamivir chưa có giấy đăng lý lưu hành tại Việt Nam nhưng có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở nhập khẩu cần khẩn trương lập hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam. Cục Quản lý Dược sẽ xem xét, giải quyết theo quy trình thẩm định nhanh để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Các bệnh viện, viện có giường trực thuộc Bộ chủ động liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động lập dự trù, thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc, đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh.
Các đơn vị sản xuất đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất thuốc chứa oseltamivir nhằm tăng cường tính chủ động trong cung ứng thuốc và an ninh y tế.
Tamilfu là loại thuốc có chứa oseltamivir thường được chỉ định dùng trong các trường hợp chống virus cúm A và B trong cơ thể. Thuốc được sử dụng để điều trị cúm do virus cúm gây ra ở những người có triệu chứng dưới 2 ngày.