Giá cau tươi tăng kỷ lục
Hiện, cau tươi có giá 90.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá kỷ lục khi cau đang ở giữa vụ so với cùng thời điểm những năm trước do bùng nổ nhập khẩu từ Trung Quốc. Thậm chí có những ngày, giá cau thay đổi trong vài giờ, từ sáng đến chiều đã tăng 5.000 đồng/kg.
Hiện giá cau tươi tại các địa phương như Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Tây Ninh, Tiền Giang, Kiên Giang...dao động từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, trong khi tại miền Bắc như Bắc Ninh có thể lên đến 90.000 đồng/kg do nguồn cung hạn chế. Một quầy cau nặng trung bình 13 - 15 kg, giúp nhà vườn thu về tiền triệu. Mức giá hiện tại cao gấp 2 - 3 lần so với các năm trước, giúp cho nhiều nông dân tăng thu nhập.
Cau tăng giá kỷ lục, người nông dân được lãi lớn.
Tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên đang vào mùa thu hoạch cau tươi, nhờ giá tăng mạnh nên nhiều người dân có thu nhập khá. Một số chủ vựa cau ở Đắk Lắk cho biết, giá cau đã tăng liên tục khoảng 3 tháng qua nhưng gần đây lên cơn sốt do Trung Quốc thiếu nguồn cung nên tăng cường nhập khẩu cau từ Việt Nam và một số nước lân cận trong khu vực ASEAN. Cau tươi được các cơ sở mua về sấy khô trước khi xuất sang Trung Quốc. Người Trung Quốc mua cau khô về tiếp tục chế biến thành kẹo cau. Thời điểm này, Trung Quốc tăng nhập hàng để chuẩn bị cho mùa tiêu thụ cuối năm.
Giá cau tươi bình thường phổ biến chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Lần sốt giá cau tươi gần nhất là vào tháng 9/2021, lên tới 70.000 đồng/kg. Ở thời điểm đó các chuyên gia, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân không nên chạy theo cơn sốt giá nhất thời vì sản phẩm chưa được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Hiện tại, sản phẩm mới chỉ xuất khẩu qua Trung Quốc theo hình thức trao đổi giữa cư dân biên giới. Chính vì vậy, sản phẩm này vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Sau khi giá cau cao kỷ lục, nhiều người tính chuyển đổi cây trồng sang cau để thu lợi nhuận tốt. Cau là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư không cao. Trồng cau khoảng 5 năm là bắt đầu cho trái. Vòng đời của cây cau cũng kéo dài hàng chục năm nên nếu trúng giá, nông dân sẽ thu lãi rất cao so với nhiều loại cây trồng khác.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây cau mang lại, thời gian gần đây, nhiều người đã đầu tư kinh phí mua giống, thậm chí lên núi thuê đất để trồng cau. Anh Phạm Văn Trực, người dân huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, giá cau tươi tăng nên kéo theo giá cây cau giống cũng cao, và khan hiếm. Gia đình anh hiện đang có vườn hơn 300 cây cau; trong đó, có 50 cây đang cho thu hoạch, còn lại mới trồng được 2 năm. Thấy cây cau có tiềm năng nên anh vừa trồng mới hơn 100 cây cau con và đang đặt giống thêm 100 cây nữa.
Thực tế, giá cau luôn là “biến số”, khó dự đoán, bởi không hiếm khi giá cau đột ngột lên cao tạo thành cơn sốt, sau đó bất ngờ rơi thẳng đứng. Thậm chí có năm cau để chín rụng đầy gốc vì không ai hỏi mua.
Cảnh báo rủi ro chực chờ
Theo ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), một số đầu mối tiêu thụ tại Trung Quốc đang tăng mua cau từ Việt Nam khi các nguồn cung khác như Thái Lan, Philippines và nguồn cung nội địa là đảo Hải Nam bị hụt.
Loại cây này chỉ được trồng xen hoặc trồng bờ rào nên sản lượng không lớn và rải rác nhiều nơi nên hàng không có nhiều. Chỉ một số địa phương tại Việt Nam có trồng cau nhưTây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung...Hơn nữa, bây giờ đang là cuối vụ nên giá cau bị đẩy lên cao. Cau đưa về xưởng được tuyển chọn, không sứt cuống, trung bình 45-55 quả một kg. Cau tươi được cho vào nồi hơi luộc. Sau hơn một giờ, quả cau chín được vớt ra, đưa lên lò sấy.
Tuy nhiên ông Mười khuyến cáo, quả cau có thị trường hẹp. Ví dụ, thị trường trong nước giờ hầu như không còn người ăn trầu cau, chỉ dùng vào các dịp lễ Tết, cưới hỏi. Do đó, giá cao cũng thất thường. Không nên vì giá cau cao như hiện nay mà nông dân phát triển vùng trồng chuyên canh bởi đầu ra rất hẹp. Tuy nhiên, việc trồng cau bờ rào để tạo cảnh quan và tăng thu nhập thì nên khuyến khích vì cây cau có tính thẩm mĩ và không ảnh hưởng đến các cây trồng khác.
ThS Nguyễn Văn Khải, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, cây cau không phải là sản phẩm chủ lực để xuất khẩu hay tiêu thụ trong nước nên hiện gần như không có vùng trồng cố định. Do thị trường không ổn định nên việc tập trung đầu tư trồng loại cây này ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Nếu không xuất khẩu được thì chỉ có cách bỏ đi, do vậy người dân nên trồng xen canh với một số cây trồng khác dưới tán cau như ổi, sả, dứa...để không bị đứt quãng thu nhập khi cau bị rớt giá. Cây cau có tán khá cao nên ít ảnh hưởng đến những loại cây ăn trái khác.
Diện tích cau tăng nhanh là không phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả, nhất là những cây đã đạt chứng nhận OCOP. Các địa phương nên kiểm soát chặt diện tích cây cau trên quan điểm không khuyến khích người dân phá bỏ cũng như trồng mới cây cau một cách ồ ạt.