Dự án chăn nuôi bò Bình Hà được triển khai trên địa bàn 02 huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) với tổng số vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, từng được xem là "cú hích" cho nền nông nghiệp của địa phương này.
Thế nhưng, dự án đang có dấu hiệu "chết lâm sàng", đặc biệt là nhân vật từng được xem là "đầu tàu" của doanh nghiệp này cũng đã bị bắt về tội liên quan đến việc chiếm đoạt tài sản.
Trại chăn nuôi bò Bình Hà tại huyện Cẩm Xuyên
Tại trang trại chăn nuôi bò thịt và bò giống của Công ty Bình Hà đóng tại xã Kỳ Hợp và xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh - một cảnh tiêu điều hoang vắng, các đồi trồng cỏ cho bò ăn trọc lốc, hệ thống chuồng trại xuống cấp, các khu nuôi nhốt bò vắng tanh, tốc mái, gỉ sét, cỏ dại mọc um tùm...
Thực trạng trên cũng đang diễn ra tại Trang trại chăn nuôi của doanh nghiệp này tại địa bàn huyện Cẩm Xuyên.
Khu chăn nuôi bò giống, bò thịt Bình Hà có 65 chuồng trại, công suất nuôi nhốt 33.000 con/lứa. Nhưng hiện tại số bò được chăn nuôi tại dự án chưa đến 500 con.
Hà Tĩnh kỳ vọng gì từ dự án chăn nuôi "khủng" nhất miền Trung?
Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà được tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1300/QĐ-UBND, ngày 15/4/2015 (có bổ sung, điều chỉnh tại QĐ số 99/QĐ-UBND ngày 12/01/2016) với tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng, được triển khai trên diện tích 2.163,5 ha ở hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Đại dự án được "vẽ" lên với công suất hàng trăm ngàn con bò giống/thịt/năm nhưng đang rơi cảnh "chết lam sàng" với cảnh chuồng trại trống hoác...
Sau khi đi vào hoạt động, với quy mô 254.200 con bò/năm, dự án sẽ góp phần phát triển chăn nuôi bò giống, bò thịt theo quy trình công nghệ cao, với sản phẩm bò thịt chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã điều chỉnh toàn bộ diện tích quy hoạch phát triển cao su, hoa màu, rừng sản xuất trên địa bàn 2 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên sang quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng cỏ.
Theo đó, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh và Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà đã thống nhất và thỏa thuận phương án bồi thường, hỗ trợ tài sản trên diện tích đất do Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh quản lý tại 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh với hơn 1.848 ha (Kỳ Anh 705,08 ha, Cẩm Xuyên 1.143,6 ha) nằm trong quy hoạch chăn nuôi bò theo Quyết định số 1300/QĐ-UBND với số tiền 98 tỷ đồng.
Ngoài ra, hàng trăm ha diện tích đất rừng sản xuất, đất trồng hoa màu, trồng lúa của người dân các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) và Kỳ Tây, Kỳ Hợp (Kỳ Anh) cũng được thu hồi để triển khai dự án này.
Trong quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư đã nhiều lần đề nghị tỉnh Hà Tĩnh thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB phục vụ dự án như: rút ngắn thời gian công khai, phê duyệt và thanh toán tiền bồi thường, gia hạn thời gian nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, không thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng…
Đáp ứng những đề nghị của nhà đầu tư, cùng với việc thành lập các tổ công tác liên ngành để đôn đốc các địa phương phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan gia hạn việc thực hiện các thủ tục của dự án theo quy định.
Hàng trăm ha đất rừng được nhường cho dự án trong tình trạng bỏ hoang, đồi núi trọc.
Trong một thời gian ngắn, tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao hơn 819 ha cho nhà đầu tư triển khai dự án. Nhờ nhận được nhiều sự quan tâm nên thời gian đầu tư xây dựng hạ tầng, triển khai dự án được thực hiện rất nhanh chóng.
Chưa đầy hai năm sau khi được cấp phép đầu tư, Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà đã xây dựng được 65 chuồng trại, 2 khu nhà điều hành, hệ thống 19 kho chứa và các công trình phụ trợ khác, đồng thời tiến hành trồng cỏ trên diện tích gần 678 ha.
Được biết, tại cam kết giữa Ngân hàng BIDV và doanh nghiệp này, ngoài hợp đồng tín dụng cho vay trung dài hạn hơn 2.000 tỷ đồng, BIDV sẽ tiếp tục làm đầu mối đầu tư vốn lưu động cho dự án với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng. Theo phái đại diện ngân hàng, đây là dự án đầu tư tín dụng lớn nhất mà chi nhánh này thực hiện từ trước tới nay.
Mặc dù nhận được nhiều ưu ái, song số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh cho thấy, sau gần 03 năm triển khai thực hiện, dự án chỉ mới đạt quy mô bình quân gần 15.000 con/năm, bằng 6% so quy mô đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (từ tháng 6/2017 đến nay, Công ty không nhập thêm bò). Công ty đã xuất bán gần 43.000 con bò nuôi sau khi đã vỗ béo từ 3 đến 4 tháng.
Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tổng đàn bò nhập về, thả nuôi các đợt cứ giảm dần và đến thời điểm hiện tại, số bò được chăn nuôi tại dự án chưa đến 500 con.
Phớt lờ quy định
Quyết định cho thuê đất với thời gian 50 năm của tỉnh Hà Tĩnh đối với Công ty CP chăn nuôi Bình Hà chỉ phê duyệt hạng mục chăn nuôi bò, trồng cỏ và xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, trong năm 2017 Công ty này bất chấp quy định; phớt lờ, cày phá hàng trăm ha cỏ để chuẩn bị trồng chuối.
Với tổng diện tích 678 ha cỏ, Công ty này đã lên kế hoạch chuyển đổi sang trồng chuối 420 ha; diện tích còn lại chủ yếu đồi cao, núi đá không trồng chuối được. Đến ngày 12/9/2017 đã phá cỏ, làm đất 380 ha (trong đó huyện Kỳ Anh 237 ha/351 ha được giao) để trồng chuối và đến nay thì cây chuối cũng chết dần...
"Khép kín" dự án với số lượng vật nuôi cạn dần, doanh nghiệp đã ngang nhiên phớt lờ quy định cuốc cỏ trồng chuối để bán quả nhưng vẫn bất thành
Việc làm của Cty Bình Hà ngay lập tức bị “tuýt còi”, bởi cách làm “tiền trảm hậu tấu” này không chỉ khiến người dân, xã, huyện bức xúc, đến ngay lãnh đạo tỉnh cũng khó chấp nhận.
Với con số lợi nhuận hàng năm cho công ty từ 1.000 đến 1.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động, dự án được kỳ vọng sẽ tạo đà phát triển kinh tế cho Hà Tĩnh và các tỉnh trong vùng từ đó tạo liên kết vùng trong sản xuất và chăn nuôi. Tuy nhiên, sự kỳ vọng vào đại dự án này đã nhanh chóng nhận lấy "bài học đắt giá" cho việc "thả lõng" doanh nghiệp và chế tài thực thi pháp luật còn quá nhẹ.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Lê Đình Sơn cho biết, tỉnh luôn sát sao theo dõi về tiến độ phát triển cũng như cầm chừng của dự án chăn nuôi bò Bình Hà. Hiện tại, bên công an đã khởi tố, bắt tạm giam nguyên giám đốc của doanh nghiệp này và các đồng phạm khác để phục vụ cho quá trình điều tra.
"Quan điểm của địa phương, sẽ không chấp nhận được dù bất cứ lý do gì, nếu đúng vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", Bí thư Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Video: Lâu đài nguy nga mọc lên giữa miền quê nghèo Hà Tĩnh