Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao doanh nghiệp phim, truyền hình ‘kêu cứu’?

(VTC News) -

Nhiều doanh nghiệp sản xuất phim và chương trình truyền hình đang lâm vào cảnh kiệt quệ vì tác động của COVID-19.

Thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất phim và chương trình truyền hình đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản hàng loạt do doanh thu sụt giảm nghiêm trọng khi phải dừng hoạt động dưới tác động của đại dịch COVID-19.

COVID-19 khiến cho kế hoạch sản xuất và phát hành của nhiều bộ phim, chương trình truyền hình bị lùi lại hoặc trì hoãn vô thời hạn. Tình trạng này còn khiến cho nguồn vốn đầu tư vào các dự án phim, chương trình truyền hình bị tồn đọng, nhiều nhân sự làm phim tự do không có việc làm, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

 Rạp chiếu phim trong những ngày giãn cách. (Ảnh: Vneconomy.vn).

Vì ngưng trệ sản xuất, ngành phim dự báo sắp tới nguồn phim và chương trình truyền hình trong nước sẽ thiếu hụt, dẫn đến lệ thuộc vào chương trình nước ngoài.

Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp sản xuất phim và chương trình truyền hình đang ở tình trạng kiệt quệ về nguồn lực, khó phục hồi hoạt động trong thời gian ngắn; còn người lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm.

Thống kê cho thấy, ngành chiếu phim đã thiệt hại hàng chục tỷ USD từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đáng lo nhất vẫn là các doanh nghiệp sản xuất phim, chương trình truyền hình và các doanh nghiệp kinh doanh rạp chiếu phim trong nước.

Các đơn vị chiếu phim trong nước chỉ chiếm chừng 30% thị phần rạp chiếu phim trong toàn quốc, đa số là các nhà sản xuất phim kiêm kinh doanh rạp chiếu nên tiềm lực tài chính không thể so sánh với các doanh nghiệp chiếu phim nước ngoài thuộc các tập đoàn lớn như Lotte hay CGV.

Tuy nhiên, ngay cả các "ông lớn" trong thị trường phát hành và chiếu phim Việt Nam cũng khẳng định, mong chờ cơ quan chức năng có thẩm quyền hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn vì đại dịch COVID-19.

Nhiều phương án hỗ trợ doanh nghiệp truyền hình đã được giới chuyên gia đưa ra. Một trong số đó là xem xét cho rạp chiếu phim sớm được hoạt động trở lại khi đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh phải sa thải hàng loạt lao động trong ngành, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khủng hoảng về nguồn thu, hạn chế nguy cơ phá sản.

Ngoài ra, các doanh nghiệp làm phim nêu nguyện vọng “sống chung có kiểm soát với dịch”, vì đây là chiến lược chung của thế giới hiện nay. Chính vì thế, hoạt động sản xuất kết hợp phòng chống dịch được coi là phương án khả thi cần được triển khai sớm.

Chẳng hạn, doanh nghiệp được sản xuất ở những bối cảnh biệt lập như: phim trường, các khu du lịch sinh thái không hoạt động, các khu nhà ở không có dân cư sinh sống; thực hiện trực tuyến các công việc tiền kỳ; thường xuyên thực hiện xét nghiệm PCR cho nhân sự...

Ngoài ra, các kiến nghị hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về thanh toán gồm:

- Chính sách hỗ trợ nhằm tái cấu trúc nợ vay, hoặc cấp gói tín dụng ưu đãi mới.

- Cấp tài trợ hoặc gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn cho tất cả các doanh nghiệp điện ảnh đến hết ngày 31/12/2021.

- Giảm 50% thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp điện ảnh thu được và hoãn việc nộp thuế giá trị gia tăng phải nộp đến hết ngày 31/12/2021, miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động của các doanh nghiệp điện ảnh.

- Có chính sách vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản tạo điều kiện để các doanh nghiệp cho thuê mặt bằng miễn giảm tiền thuê, phí dịch vụ cho các đơn vị rạp chiếu phim trong thời gian phải đóng cửa vì dịch bệnh và ít nhất 6 tháng kể từ khi rạp hoạt động trở lại…

- Đặc biệt, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ "ghi nhận hoạt động chiếu phim phục vụ giải trí cũng là hoạt động thiết yếu trong thời đại ngày nay. Đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay cũng càng nên được thúc đẩy nhằm giảm thiểu các chứng bệnh do căng thẳng tâm lý, góp phần giảm áp lực cho ngành y tế".

Từ việc ghi nhận này, các doanh nghiệp một lần nữa đề nghị Chính phủ sớm cho phép các rạp chiếu phim được hoạt động trở lại với điều kiện đảm bảo phương án 5K.

Trước đó, hồi tháng 4/2020, Hiệp hội Điện ảnh Việt Nam cũng đã gửi văn bản "kêu cứu" lên Thủ tướng hỗ trợ các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam vượt qua khó khăn vì dịch bệnh.

Trong đó nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt Nam không có tiềm lực tài chính đủ mạnh để đương đầu với khủng hoảng mạnh như dịch COVID-19 như các công ty thuộc tập đoàn lớn của nước ngoài là CGV và Lotte Cinema.

CÔNG HIẾU

Tin mới