Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao doanh nghiệp đầu mối 'không chịu' nhập khẩu xăng dầu?

(VTC News) -

Nhiều doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu cầm chừng hoặc không nhập khẩu xăng dầu khiến nguồn cung căng thẳng, cửa hàng bán nhỏ giọt và đóng cửa, nguyên nhân từ đâu?

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy quý III/2022 (đến 20/9), sản lượng nhập khẩu giảm khoảng 40% đối với xăng, giảm khoảng 35% đối với dầu diesel so với quý II. Đáng chú ý, trong số 33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, chỉ có 19 đầu mối ghi nhận có hoạt động nhập khẩu, 14 đầu mối còn lại không thấy nguồn hàng về Việt Nam.

Nhiều thời điểm, người dân phải xếp hàng chờ mua xăng vì nguồn cung hạn chế.

Trong đó, 3 thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn nhưng không thực hiện nhập khẩu vào quý III là Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.

Nói về hiện tượng doanh nghiệp đầu mối không chịu nhập xăng dầu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lý giải: Trong quý II, các doanh nghiệp đầu mối đã tăng mạnh lượng nhập khẩu xăng dầu, do lo ngại thiếu nguồn cung trong nước, đây là giai đoạn giá xăng dầu thế giới đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Nhưng từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10, giá xăng dầu thế giới lại có xu hướng giảm, giá bán lẻ trong nước cũng liên tục giảm theo.

“Nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng”, ông Đông nói.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết thêm, hiện nay, mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tiếp tục tăng cao. Để bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sớm điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong công thức tính giá cơ sở để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh thực tế cho doanh nghiệp (mặc dù chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng và premium trong nước đã được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh tăng và được áp dụng từ ngày 11/10 trong giá cơ sở).

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp lý giải: Doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu xăng dầu, hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu với các đầu mối phân phối theo năm nên có doanh nghiệp đầu năm nhập khẩu nhiều, cuối năm nhập khẩu ít hoặc ngược lại, không nhất thiết mỗi tháng phải nhập khẩu bằng nào, miễn cả năm đáp ứng đủ phân giao hạn ngạch nhập khẩu là được. Thứ nữa, có nhiều doanh nghiệp không nhập hàng từ nước ngoài, mà ký hợp đồng mua xăng dầu từ hai nhà máy lọc dầu trong nước là Dung Quất và Nghi Sơn.

Không nhập vì quá lỗ

Theo bà Phạm Thị Băng Trang, Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ, thời gian qua các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đều gặp khó khăn. Tại Bình Dương, các cây xăng đóng cửa có nhiều nguyên nhân, trong đó không chỉ do thiếu hụt xăng dầu mà còn do một số cây xăng đã đóng cửa từ trước hoặc không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu nên không được cấp lại giấy phép. 

Bà Trần Thị Tuyết Mai, Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà, chia sẻ thêm, thực sự nguồn cung xăng dầu không thiếu mà do doanh nghiệp đang lỗ lớn do chi phí thực tăng cao nên không thể nhập khẩu về được. Đề nghị liên Bộ Công Thương - Tài chính, Chính phủ, Thủ tướng xem xét, cân đối lại, chấp nhận các chi phí thực tế mà doanh nghiệp bỏ ra. Bởi công thức tính giá đã được quy định từ năm 2014 và hiện nay đang biến động rất lớn.

Hai nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn đang cung cấp 70-80% lượng xăng dầu cho thị trường trong nước và 20% còn lại là nhập khẩu. Ngoài ra, do rủi ro bất khả kháng từ các nhà máy dẫn đến có thời điểm thị trường thiếu cục bộ khoảng 30-40%, buộc phải nhập khẩu. Nhưng chi phí nhập khẩu đang tăng cao. Đơn cử, quý 1, chi phí là 306 đồng/lít, quý 2 là 450 đồng/lít; quý 3 là 967 đồng/lít, tức là bình quân, doanh nghiệp đang lỗ 667 đồng/lít. Sang quý 4, doanh nghiệp lỗ 1.100 đồng/lít. Khoản lỗ này ai gánh cho doanh nghiệp?”, bà Mai nói và đề nghị các cơ quan chức năng nên điều chỉnh 6 tháng/lần chi phí thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong quá trình kiểm tra, nếu có sơ suất thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục.

Ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc nhà máy lọc dầu Cát Lái - Saigon Petro - chia sẻ thêm, thời gian qua, xung đột giữa Nga và Ukraine cùng tác động từ cơn bão số 5 khiến việc nhập khẩu hàng không dễ. Mặc dù doanh nghiệp vẫn nỗ lực cố gắng tìm cách để nhập hàng nhưng hiện mức premium nước ngoài về và chi phí đưa hàng từ nước ngoài về cảng Việt Nam quá cao, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Thời điểm đầu năm đến quý II, nhờ giá tăng nên doanh nghiệp có lãi nhưng từ quý III vừa rồi, đặc biệt là giai đoạn tháng 7, tháng 8, doanh nghiệp nào cũng lỗ mà không dám nói, vẫn phải thực hiện theo đúng chỉ đạo là dù thế nào cũng phải đảm bảo được nguồn hàng.

“Lãi của chúng tôi trong 6 tháng đầu năm không đủ bù lỗ trong 2 tháng vừa rồi, song vì trách nhiệm nên vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của đầu mối kinh doanh xăng dầu. Nhưng đến tháng 10, doanh nghiệp không thể nhập khẩu được nữa, mà chỉ dám “cắn răng” nhập khẩu 1 chuyến từ nước ngoài về để đáp ứng nhu cầu trong nước, thêm lượng hàng nhập từ Bình Sơn và Nghi Sơn để bán”, ông Phạm Văn Thoại nói và cho hay vừa rồi, Liên bộ Tài chính – Công Thương đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước, nhưng doanh nghiệp đã lỗ quá nặng, rất khó khăn cho việc vay vốn ngân hàng. Hiện nay, Sài Gòn Petro đã phải rút tiền vốn của mình ra để đáp ứng được việc mua hàng.

Thanh tra Chính phủ thanh tra 15 doanh nghiệp đầu mối và 2 nhà máy xăng dầu

Đoàn sẽ thực hiện thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, trong thời kỳ từ ngày 1/1/2017 đến 30/6/2022, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.

Theo quyết định, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra tại 15 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trên cả nước và 2 nhà máy lọc dầu.

Cụ thể, tại miền Bắc, 6 doanh nghiệp đầu mối nằm trong đợt thanh tra này, miền Trung có 2 doanh nghiệp và miền Nam gồm 7 doanh nghiệp.

Hai đơn vị sản xuất xăng dầu là Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi) và Côn ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Hòa Bình

Tin mới