Chia sẻ với VTC News, chuyên gia công nghệ thông tin, PGS- TS Phạm Quang Hà cho biết, dự báo trong năm 2022, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 150.000 nhân lực khi nhu cầu thị trường tăng lên đến 530.000 người.
Nhân lực trong ngành CNTT đang thiếu hụt nghiêm trọng, tạo thách thức lớn đối với doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
“Sự thiếu hụt này xuất phát từ chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể, hiện nay chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (chiếm gần 30%) trong tổng số 55.000 cử nhân chuyên ngành CNTT đáp ứng được đòi hỏi mà doanh nghiệp đề ra”, ông Phạm Quang Hà nói.
Cũng lý giải nguyên nhân khiến nhân sự ngành công nghệ thiếu trầm trọng trong những năm gần đây, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, bản thân những người giỏi công nghệ thường không có tâm lý làm thuê cho doanh nghiệp mà xin đi làm chỉ để trải nghiệm, sau đó dễ dàng bị thu hút bởi các doanh nghiệp khác hoặc đứng ra thành lập doanh nghiệp cho riêng mình, theo đuổi những start up mới.
“Muốn thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần từ 10-20 nhân sự nên dẫn đến việc doanh nghiệp công nghệ thiếu càng thêm thiếu”, ông Doanh nói.
Trong khi đó, không ít các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI đã và đang đầu tư vào công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng kinh doanh. Do đó, họ rất cần nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin để làm việc.
Thậm chí, theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT, những năm gần đây, không chỉ Việt Nam thiếu hụt nhân sự CNTT mà các doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng gặp tình trạng tương tự. Bởi vậy gần đây, nhiều doanh nghiệp từ Singapore, Mỹ, châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu, đã tham gia tuyển dụng nhân sự chất lượng cao tại Việt Nam để làm việc từ xa.
"Họ trả lương cho những nhân sự ngồi tại Việt Nam như những lao động làm việc trực tiếp. Điều này mang lại cơ hội cho các bạn trẻ nhưng lại là thách thức cho các doanh nghiệp và các nhà trường, cơ sở đào tạo", ông Tùng nói.
Ông Vũ Đức Sơn, Giám đốc các dự án phần mềm Y tế (Viettel cáp quang), thông tin, bên cạnh việc một bộ phận sinh viên ra trường làm không đúng chuyên ngành đào tạo thì sự cạnh tranh gay gắt cũng dẫn đến việc tuyển dụng một nhân sự CNTT chất lượng cao của các doanh nghiệp công nghệ gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khi đưa ra mức lương cao cũng không tìm được người thích hợp.
“Do đó, nhiều công ty đã phải chuyển hướng sang những sinh viên mới ra trường, hoặc nhân sự có trình độ thấp hơn để đào tạo lại mới có thể bắt tay vào công việc”, ông Sơn nói.
Anh Lưu Quốc Thiện, chuyên gia công nghệ về Phần mềm quản lý bán hàng cukcuk, Công ty Misa cho rằng, nhân sự ngành công nghệ thông tin cơ bản không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia, không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch COVID-19, do khả năng làm việc trực tuyến trong ngành ngày càng cao hơn.
“Đặc biệt, với xu thế chuyển đổi số ở các doanh nghiệp dẫn đến nguồn nhân lực cần thiết để làm các công việc chuyển đổi số rất lớn. Vì thế, sự thiếu hụt nhân sự trong ngành công nghệ thông tin cơ bản là do nhu cầu của thị trường tăng cao trong hơn 2 năm qua, nhất là nhân sự làm được việc, nhân sự chất lượng cao và nhân sự cấp cao tại các doanh nghiệp công nghệ”, anh Thiện nhấn mạnh.
Mức lương chưa đáp ứng nhu cầu
Theo các chuyên gia công nghệ, nhân sự CNTT do thiếu và hiếm nên luôn có nhu cầu lương bổng cao, tương ứng với năng lực, đóng góp của họ.
Theo khảo sát, những vị trí như Giám đốc công nghệ có trên 5 năm kinh nghiệm có thể nhận mức lương từ 30-60 triệu đồng, ngay cả lương kỹ sư mới ra trường ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) cũng khởi điểm ở mức 1.000 - 2.000 USD/tháng.
“Cá biệt, một số vị trí có kinh nghiệm từ 5 năm như kiến trúc sư phầm mềm/giải pháp; kỹ sư phần mềm; kỹ sư dữ liệu có thể nhận được mức lương cao nhất lần lượt đến 120 triệu, 100 triệu và 80 triệu đồng mỗi tháng”, một Giám đốc doanh nghiệp công nghệ AI tại TP.HCM cho biết.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được yêu cầu đó, vì vậy, việc tuyển nhân sự, đặc biệt là nhân sự giỏi ngành CNTT càng khó thực hiện hơn, trong bối cảnh nguồn cung luôn luôn thiếu.
Các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi đầu vào đã được cải thiện thì doanh nghiệp vẫn cần thay đổi cái nhìn về nhân sự CNTT, để có chế độ hấp dẫn hơn, để thu hút, giữ chân người tài. Mặt khác, khi chế độ lương thưởng ngày càng nâng cao, tạo mặt bằng mới thì chắc chắn sẽ dần dần kích thích nguồn cung tăng lên theo thời gian.
Nhân sự CNTT kén chọn công việc
Trong lúc sinh viên các ngành khác như du lịch, quản trị…đang gặp nhiều khó khăn trong khâu tìm việc làm do dịch bệnh COVID-19 đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp du lịch, khách sạn lưu trú, thì những sinh viên ngành CNTT lại được nhiều nơi săn đón. Chính điều này khiến họ trở nên kén chọn khi tìm việc, có tâm lý ít gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Hà Quý Dũng, một sinh viên năm cuối chia sẻ: “Tôi học chuyên ngành Logistics nhưng lại rất đam mê công nghệ nên đã tự tìm hiểu và học hỏi. Sau khi cảm thấy có đủ năng lực về IAP và Blockchain, tôi đã tự ứng tuyển mình với nhiều công ty công nghệ khác nhau và được nhận, tuy nhiên hiện tại tôi chưa quyết định là mình sẽ làm ở đâu”, Dũng nói.
Nguyên nhân là Dũng chưa chọn được công ty có môi trường công nghệ thực sự chuyên nghiệp, để có thể nâng cao năng lực cũng như sức cạnh tranh của mình.
Cũng như Dũng, dù đang làm việc tại doanh nghiệp trong nước nhưng nhiều bạn trẻ vẫn nuôi dự định ứng tuyển vào các công ty nước ngoài tại Việt Nam, thậm chí là những doanh nghiệp ngoại xuyên biên giới với nhiều tiềm năng phát triển hơn.
Làm nhân viên SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) một công ty công nghệ tại Yên Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội) sau 3 năm, anh Nguyễn Tuấn Huy đã quyết định tự đi trên đôi chân của mình bằng xin nghỉ việc và bắt đầu “Start-up” từ tháng 2/2021.
“Trong lúc làm việc, tôi đã bỏ ra một nửa thu nhập của mình để học tập các kiến thức chuyên môn sâu trong lĩnh vực của mình. Hiện tại tôi đang là đối tác của Amazon và một vài sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia khác có cung cấp hình thức kiếm tiền qua Affiliate (tiếp thị liên kết)”, anh Huy cho biết.
Start-up của chàng trai 32 tuổi này đến hiện tại có thể nói là thành công khi mang về cho anh nguồn thu nhập trên dưới 5.000 USD/tháng (khoảng 100 triệu đồng), một con số đáng mơ ước của nhiều sinh viên ngành CNTT.
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Quý, Trưởng Phòng Phát triển phần mềm Công ty Hợp Nhất chia sẻ, hầu hết các bạn sinh viên CNTT mới ra trường hiện nay đều quan tâm đến mức lương, môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ. Họ không ngại bày tỏ sự so sánh các công ty với mong muốn tìm được cho mình công việc tốt nhất. Chính vì thế, mặc dù đã và đang tuyển nhân viên công nghệ 2 năm nay, liên tục phỏng vấn nhưng công ty ông Quý vẫn chưa hoàn thiện được nhân sự mảng CNTT.
Còn ông Hoàng Tuấn Dũng, trưởng phòng Công nghệ phần mềm tại một công ty liên doanh ở Hà Nội cho biết, ngay cả khi tuyển được nhân sự thì cũng chưa chắc giữ được những nhân sự này lâu dài.
“Khi đã đạt đến độ “chín” trong nghề, thường là sau 3-5 năm làm việc, lao động ngành CNTT tin thường có tư tưởng khởi nghiệp riêng để chứng tỏ mình. Điều này càng làm cho nguồn lao động trong lĩnh vực này thiếu hụt”, ông Dũng nói.