Dân kiên quyết không di dời, chờ đền bù giá cao...
Vách tường cũ, bong tróc, trần nền ẩm thấp, cầu thang xập xệ, hàng trăm hộ dân sống tại khu tập thể 3 tầng thuộc tổ khu phố 13, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông còn phải đối mặt với mối huy hiểm rình rập treo lơ lửng trên đầu.
Toàn bộ trần của tầng 3 thuộc dãy nhà A khu chung cư này đã xuống cấp trầm trọng, nhiều nơi đã bị thủng, hễ mưa là dột. Người dân tại đây cũng phản ánh mùi hôi thối, ẩm mốc luôn thường trực vì nước mua ngấm vào tường.
Khu chung cư này đã được lên phương án di dời từ năm 2017 nhưng đến nay do chưa đạt được thoả thuận đền bù giữa đơn vị được giao nghiên cứu, cải tạo là Công ty cổ phần xây dựng Xuân Mai và người dân nên đến nay, việc di dời toàn bộ gần 200 hộ dân tại đây vẫn dậm chân tại chỗ.
Sống trong căn chung cư đã xuống cấp, bị xếp vào một trong những công trình có mức độ nguy hiểm nhưng gia đình ông La Triệu Côn vẫn bám trụ tại khu tập thể Ngọc Khánh (quận Ba Đình). Ông Côn giải thích: "Gia đình tôi vẫn chưa chuyển đi là do chưa đạt được thoả thuận với chủ đầu tư. Ngoài ra, nhà tôi sống ở đây đã lâu, gần trường học của nên tiện đưa đón con cháu. Giờ chuyển sang khu tạm cư tận Cầu Giấy quá xa".
Cũng theo ông Côn, chủ đầu tư cải tạo có hứa khi nào xong sẽ được ưu tiên mua một căn ngay tại vị trí cũ, tuy nhiên đơn vị này cũng không hứa chắc chắn là khi nào mới xong. Chính vì lý do đó nên gia đình ông Côn và nhiều hộ khác vẫn chưa di dời dù khu chung cư ông sống đang xuống cấp hàng ngày.
Cũng là hàng xóm cùng khu với ông Côn, bà Tâm cho biết, các hộ còn ở lại đây chủ yếu là do những người không có tiền, khó khăn về kinh tế và một phần muốn định cư tại chỗ nên chưa đàm phán được với chủ đầu tư.
Tương tự, bà Q. một người dân sống tại khu tập thể C8 Giảng Võ (quận Ba Đình) nói, gia đình bà và nhiều người không đồng ý phương án đền bù của chủ đầu tư, trong khi giá mỗi m2 tại đây được coi là đắt đỏ thuộc loại TOP ở Hà Nội.
Những khu chung cư cũ đang dần trở thành mối nguy hiểm, cần phải được thay thế. (Ảnh: Ngọc Khánh)
Trường hợp như nhà bà Q. không phải ít. Đối với những trường hợp có mong muốn tái định cư tại chỗ, chủ đầu tư thường sẽ đưa ra mức đền bù 2,0 (tức 1 m2 nhà cũ đổi được 2 m2 ở chung cư mới), nhưng có những người lại đòi lên tới 2,5 hoặc 3,0.
Một người dân ở trong diện phải di dời khỏi khu tập thể cũ nát ở quận Đống Đa thừa nhận, do chưa được đền bù thỏa đáng, họ chẳng biết đi đâu ngoài cố liều bám trụ. Bởi thực tế, khả năng kinh tế của nhiều hộ gia đình trong khu tập thể thường không đồng đều, nhiều hộ kinh tế khá khó khăn nên luôn muốn chỗ ở được cải tạo khang trang, rộng rãi hơn nhưng lại phải miễn phí và thậm chí là được đền bù giá cao.
Chính vì những yêu cầu có phần quá đáng của cư dân ở các khu chung cư cũ khiến việc cải tạo các khu tập thể cũ nát ở Hà Nội trở nên khó khăn.
... Chính quyền càng gỡ càng rối, như đi vào "ngõ cụt"
Sự không đồng thuận của người dân khiến không ít cơ quan chính quyền phải ra sức xử lý, nhưng càng gỡ càng rối. Nhiều nơi còn thừa nhận có trường hợp như đi vào "ngõ cụt". Để tất cả 100% người dân đồng thuận là rất khó và mất nhiều thời gian. Thống kê thời điểm cuối 2017 cho thất, trong hơn 10 năm, Hà Nội mới chỉ thực hiện cải tạo được 14/1.500 nhà chung cư cũ, đạt chưa đầy 1%.
Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đã giao 19 nhà đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 30 khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố. 5 khu chung cư cũ đã được lập xong đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định để trình UBND thành phố phê duyệt; 17 đồ án đã được báo cáo tập thể lãnh đạo UBND thành phố về ý tưởng quy hoạch...
Mặc dù vậy, quá trình di dời dân được dự báo không hề dễ dàng. Trả lời VTC News, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội cho biết: “UBND phường đã phối hợp với quận, các đơn vị được thành phố giao nghiên cứu và lập phương án nghiên cứu về hỗ trợ đền bù tái định cư để phát triển dự án. Nguyên nhân chính dẫn đến việc các hộ dân chưa chịu di dời là do hệ số đền bù phía đơn vị được giao đưa ra thấp hơn so với yêu cầu của người dân”.
Ông Nguyễn Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch phường Giảng Võ, quận Ba Đình - cũng cho biết: "Trên địa bàn phường còn 18 hộ dân sống ở đơn nguyên 3 C8, hiện nay đã có một hộ đồng ý nhận tiền và chuyển đi, còn một số hộ chưa đi, dù chuẩn bị đến mùa mưa bão rất nguy hiểm, phường đã liên tục ra thông báo cho các hộ dân để vận động mọi người di chuyển nhưng chưa có kết quả. Nguyên nhân khiến mọi người chưa chịu chuyển đi thì rất nhiều nhưng đại đa số liên quan đến việc quyền lợi tái định cư".
Để cải tạo được chung cư cũ cần có giải pháp hài hoà lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp tham gia cải tạo. (Ảnh: Ngọc Khánh)
Một lãnh đạo giấu tên thuộc phường khác chia sẻ: "Chính quyền nhiều lần họp với cư dân, phân tích cho thấy sự nguy hiểm. Đặc biệt phân tích để cư dân đồng thuận với nhau là di dời, với một cái giá vừa phải. Hiện không ít nhiều cư dân nhà có 30m, bây giờ muốn đổi thành nhà mới, đẹp hơn, hiện đại hơn, có thang máy, có phòng cháy chữa cháy mà cứ đòi 40, 50m, đất đâu ra? Tiền đâu xây dựng? Nếu người dân đòi hỏi cao quá, chính quyền lại không cho tăng căn hộ, tăng diện tích xây dựng thì doanh nghiệp lỗ nặng, ai còn dám làm"?
Mặc dù thừa nhận đây là bài toán khó, song hầu hết lãnh đạo các chính quyền sở tại đều khẳng định "khó cũng phải làm", vì mục đích bảo đảm sự an toàn cho người dân và cải thiện mỹ quan đô thị. Biện pháp cuối cùng có thể sẽ là cưỡng chế, nếu một số ít người dân không chịu hợp tác.