Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao cửa hàng Apple của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn suy tàn?

Cửa hàng Apple của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn theo đuổi phân khúc cao cấp, nhấn mạnh vào trải nghiệm người dùng nhưng mô hình này không thực sự phù hợp ở Việt Nam.

Sáng 17/5, eDiGi, một trong những đại lý ủy quyền của Apple tại Việt Nam, bất ngờ tuyên bố đóng cửa.

 

Ra mắt năm 2018, eDiGi là cửa hàng thuộc tập đoàn Imex Pan Pacific (IPPG) có Chủ tịch là ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Đây là mô hình cửa hàng chuẩn Apple đầu tiên tại Việt Nam khi đạt cả 2 tiêu chuẩn APR (Apple Premium Reseller) và ASP (Apple Service Provider) trong cùng 1 địa điểm.

Cửa hàng eDiGi được thiết kế theo chuẩn Apple và nhấn mạnh vào trải nghiệm người dùng. Sự sụp đổ của eDiGi diễn ra trong bối cảnh ngành bán lẻ di động Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Lượng tiêu thụ mặt hàng di động tại thị trường Việt Nam có dấu hiệu suy giảm mạnh và được dự đoán chỉ khởi sắc trở lại vào Quý 3 năm nay. 

Là đơn vị theo đuổi mô hình mono store (cửa hàng ủy quyền chuyên bán sản phẩm của một hãng), cái kết yểu của cửa hàng eDiGi đầu tiên và duy nhất, khiến nhiều người đặt dấu hỏi về sự hiệu quả của mô hình kinh doanh này. 

Giá bán vẫn là vũ khí mạnh nhất của ngành bán lẻ di động

Chia sẻ về sự sụp đổ của eDiGi, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện chuỗi bán lẻ CellPhoneS cho biết, 5 năm trước, khi eDiGi ra mắt, tại thị trường bán lẻ đồ Apple Việt Nam, hàng chính hãng vẫn còn đang lép vế so với hàng xách tay. 

Ở thời điểm đó, cửa hàng eDiGi được xếp vào hàng cao cấp với vị trí trung tâm, đắt đỏ nhất tại TP.HCM. Tuy nhiên, sau 5 năm hoạt động, quy mô của eDiGi cũng vẫn chỉ dừng lại ở 1 địa điểm này”, ông Huy nói.

Thông báo ngừng hoạt động của cửa hàng eDiGi sáng 17/5.

Theo vị chuyên gia này, ngoài những yếu tố liên quan tới mô hình vận hành, kinh doanh vốn mang tính chủ quan của đơn vị đứng sau, nguyên nhân dẫn đến việc eDiGi đóng cửa còn đến từ xu hướng mua sắm của người dùng. Người dùng ngày nay có xu hướng lựa chọn những nơi mua hàng với giá bán hợp lý hơn, đi kèm nhiều dịch vụ linh hoạt. Đó có thể là lý do dẫn tới mô hình cửa hàng cao cấp của eDiGi sụp đổ.  

Thời gian qua, tuy đã có nhiều hệ thống bán lẻ di động mở ra tại Việt Nam với đủ loại mô hình, lớn có nhỏ có, tuy nhiên hầu hết các đơn vị vẫn đang cạnh tranh nhau bởi giá bán thay vì dịch vụ. Theo ông Huy, với thị trường Việt Nam, có lẽ sẽ phải mất thêm nhiều năm nữa để các chuỗi bán lẻ cao cấp có thể hình thành thói quen trải nghiệm mua sắm cho người dùng.

Chỉ có 1 cửa hàng, eDiGi nằm ngay tại vị trí đắc địa, ở trung tâm Quận 1 (TP.HCM).

Cửa hàng “sang chảnh” có thực sự phù hợp với Việt Nam?

Khi được hỏi về các góc cạnh đằng sau câu chuyện eDiGi đóng cửa, ông Nguyễn Minh Khuê, đại diện truyền thông Viettel Store đưa ra nhận định, việc một mô hình kinh doanh ngừng hoạt động có rất nhiều nguyên nhân. Có thể mô hình này không phù hợp với tình hình hiện tại hoặc phía thương hiệu muốn đầu tư cho lĩnh vực và hoạt động kinh doanh khác. 

Tuy nhiên, theo ông Khuê, việc eDiGi đóng cửa sẽ là một dấu hỏi lớn cho sự phù hợp của mô hình brand shop (cửa hàng trưng bày, trải nghiệm sản phẩm) và mono store tại Việt Nam. Đặc biệt, cần đặt câu chuyện này trong bối cảnh thị trường bán lẻ vẫn bị phụ thuộc nhiều vào sự cạnh tranh về giá thay vì dịch vụ hoặc trải nghiệm mua sắm tại các cửa hàng cao cấp của nhãn hàng.

Vị chuyên gia này cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khi khách hàng phải thắt chặt chi tiêu, giá thành mới là yếu tố tiên quyết trong việc quyết định mua các sản phẩm công nghệ. Điều này đặc biệt đúng với các sản phẩm Apple. 

Khác với các mặt hàng khác, ngành hàng Apple thường có sự cạnh tranh lớn bởi nhiều hệ thống bán lẻ, giá cả niêm yết rõ ràng. Vậy nên, việc người dùng có chấp nhận bỏ thêm chi phí chỉ để có trải nghiệm tốt hơn ở các cửa hàng brand shop hoặc mono store hay không cũng là câu chuyện đáng bàn. Đây có thể là lý do giải thích cho câu chuyện vì sao eDiGi đóng cửa. 

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới