Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao chưa thể giao kỳ thi tốt nghiệp về địa phương tổ chức?

(VTC News) -

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT giải thích việc chưa thể giao việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương.

Sau hai ngày thi 28 - 29/6, hơn 1 triệu thí sinh cả nước đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Kỳ thi năm nay gây xôn xao dư luận với 2 lần đề thi bị thí sinh phát tán ra ngoài, ngữ liệu đề trùng lặp... Vì những vấn đề trên, một số chuyên gia cho rằng Bộ GD&ĐT nên giao việc tổ chức kỳ thi này về cho địa phương, "việc xét tuyển đại học các trường sẽ tự lo theo tinh thần tử chủ".

Theo Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay mang tính chất ba chung: chung đề, chung đợt và chung kết quả. Ngoài mục đích phục vụ xét tốt nghiệp, kết quả kỳ thi còn để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thưởng.

Năm nay hơn 100 giáo viên phổ thông, giảng viên đại học tham gia ra đề thi tốt nghiệp THPT trong gần một tháng. "Họ gánh áp lực của 63 tỉnh thành", thứ trưởng nói.

Vì vậy, đây chưa phải thời điểm thích hợp để giao kỳ thi tốt nghiệp về địa phương. "Mỗi địa phương tự ra đề, khó dễ khác nhau có đảm bảo công bằng không?", ông Thưởng đặt câu hỏi. Ông cũng lấy ví dụ hai thí sinh ở khác địa phương, cùng thi các môn Toán, Lý, Hoá, nhưng vì đề khác nhau nên kết quả cũng sẽ chênh lệch. Ngoài ra, còn cần tính toán tới vấn đề kinh tế, xã hội.

Hiện kỳ thi cũng có sự phân cấp về địa phương rất cao, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: "Đây không phải vấn đề Bộ 'ôm' hay không. Bộ có muốn mà không phù hợp thì cùng không 'ôm' được". Tinh thần chung của Chính phủ là phân cấp, phân quyền.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT phân tích thêm, nếu từng địa phương tự tổ chức, mọi khâu sẽ nhân lên 63 lần. Việc này đặt ra vấn đề về tính an toàn, bảo mật, đặc biệt là đề thi cho 15 môn.

Ra đề là khâu khó nhất, cũng là khâu quyết định trong việc đảm bảo tính công bằng giữa các tỉnh, thành. Bộ GD&ĐT với vai trò là cơ quan cấp quốc gia đang đảm nhận khâu này.

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2023. 

Tháng 3/2023, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn từng chia sẻ, nhìn lại quá trình giáo dục ở bậc phổ thông nước ta hiện nay, chúng ta không có kỳ thi kết thúc bậc học tiểu học và trung học cơ sở, chỉ khi kết thúc lớp 12 thì mới tổ chức kỳ thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT.

"Việc tổ chức kỳ thi này là cần thiết để đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông", bộ trưởng nói. Nếu thí sinh đáp ứng chuẩn đầu ra thì sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT và tỷ lệ này có thể cao tùy theo chất lượng, mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh các địa phương, các trường, tương ứng với điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện giáo dục của từng vùng miền.

Ông Sơn khẳng định, việc phân hóa này có ý nghĩa cho công tác quản lý giáo dục, tạo động lực để chất lượng giáo dục được duy trì ổn định và không ngừng nâng cao (không có điểm dừng của chất lượng giáo dục).

"Không tổ chức một kỳ thi kết thúc bậc học THPT sẽ không tạo động lực học tập tích cực, thậm chí sẽ có một bộ phận nhỏ học sinh phổ thông, nhất là học sinh các lớp THPT không học", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Từ năm 2015 đến năm 2020, kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT; đánh giá chất lượng dạy học và giúp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đầu vào. 

Câu hỏi có nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về từng địa phương nhiều lần được đề cập. Đơn cử như TP.HCM, năm 2017 thành phố từng trình xin ý kiến về "Đề án thi và xét tốt nghiệp THPT riêng từ 2017", nhưng không được phê duyệt.

Hà Cường

Tin mới