Trong mọi trận đấu bóng đá, chúng ta đều dễ bắt gặp hình ảnh cầu thủ nhổ nước bọt. Nhiều người cho rằng đây là hành vi phản cảm nhằm mục đích bày tỏ thái độ không vừa ý của các chân sút song thực tế lại không như vậy.
Chia sẻ với Goal, cựu thủ môn nổi tiếng Nigeria từng đoạt huy chương vàng Olympic là Joseph Dosu cho biết khi chạy quá nhiều, các cầu thủ sẽ cảm thấy khó thở. Để dễ lấy không khí vào cơ thể, họ làm sạch họng bằng cách nhổ nước bọt và đờm.
"Đó không phải hành động giải trí", ông Dosu khẳng định.
Theo BBC, các nghiên cứu chỉ ra hoạt động thể chất quá mức làm tăng lượng protein trong nước bọt, đặc biệt là chất nhầy có tên MUC5B. Chất nhầy này làm nước bọt đặc và khó nuốt hơn nên con người phải nhổ ra.
Cristiano Ronaldo là cầu thủ hay khạc nhổ trên sân. (Ảnh: Zimbo)
Hiện chưa rõ tại sao MUC5B lại tăng lên khi chúng ta hoạt động nhiều. Tuy nhiên vài ý kiến cho rằng đó là do khi tập thể dục thể thao, con người thở bằng mồm nhiều hơn nên cơ thể tiết ra chất nhờn để chống khô miệng.
Ngoài mục đích hỗ trợ hô hấp, hành vi khạc nhổ đôi khi được cho là triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc thể hiện sự nam tính.
Bác sĩ Paul Onyeudo từ Ủy ban Thể thao Quốc gia Nigeria cho biết một số ít cầu thủ bị tăng tiết nước bọt do bệnh tật. Tuy nhiên, nhìn chung, nhổ nước bọt là hành vi bình thường của các chân sút. Có những lo ngại rằng nhổ nước bọt phát tán các mầm bệnh như cúm vào không khí song bác sĩ Onyeudo nhận định khả năng này rất khó xảy ra bởi mọi cầu thủ đều được kiểm tra sức khỏe trước khi vào sân.
Theo cựu thủ môn Dosu, người hâm mộ không nên chỉ trích các cầu thủ vì khạc nhổ trên sân và các cơ quan quản lý như Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) cũng không nên trừng phạt hành vi này.
"Điều các cầu thủ không nên làm là nhổ nước bọt vào đối phương vì điều đó đi ngược với luật chơi", cựu thủ môn nói.