Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao cảnh sát e ngại bắn vào kẻ chống đối hung hãn?

(VTC News) -

Chuyên gia tội phạm học nói về tâm lý e ngại của lực lượng cảnh sát giao thông khi không dám nổ súng bắn vào những kẻ chống đối hung hãn.

Thời gian qua liên tục xảy ra các trường hợp người vi phạm chống người thi hành công vụ. Mới đây, một chiến sĩ cảnh sát cơ động ở Bắc Giang bị xe 16 chỗ tông chết khi yêu cầu dừng xe kiểm tra khiến dư luận bức xúc. Việc này khiến nhiều độc giả băn khoăn vì sao nhiều cảnh sát bị sát hại trên đường nhưng không thấy công an nổ súng?.

Trả lời phỏng vấn của VTC News, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học cho rằng, quy định pháp luật chưa rõ ràng khiến các cán bộ chiến sĩ sợ sai, sợ vi phạm, sợ gây ra hậu quả, có tâm lý ngại quyết liệt nên không nổ súng trấn áp kẻ chống đối.

- Thời gian qua, liên tục xuất hiện những kẻ tội phạm manh động tấn công, lao xe vào cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động đang làm nhiệm vụ trên đường, gây thương tích, thậm chí chết người. Những kẻ chống người thi hành công vụ ngày càng manh động, thưa ông?

Về mặt hệ lụy, những hành vi chống người thi hành công vụ luôn tạo ra sự bức xúc trong dư luận xã hội, đó là hành vi xấu, tạo ra những tác động tiêu cực về một xã hội không kỷ cương.

Nếu hôm nay người này chống đối người thi hành công vụ mà không bị xử lý thì người khác cũng có thể chống lại được. Như vậy dẫn đến hậu quả việc thực hiện kỷ cương xã hội không được lâu dài, gây nên sự hỗn loạn xã hội.

Còn về mặt tính chất, đây là biểu hiện của sự manh động, thái độ manh động, liều lĩnh, nguy hiểm, bất chấp tất cả và coi thường tính mạng sức khoẻ, tính mạng, danh dự của những người thực thi công vụ.

Chưa kể có người có hành động chống người thi hành công vụ thể hiện thái độ rất liều lĩnh và tính nguy hiểm rất cao, chẳng hạn như sử dụng súng, sử dụng công cụ hỗ trợ, hung khí... gây nguy hiểm trực tiếp tới người thi hành công vụ.

Trong một số trường hợp, hành vi ban đầu là chống người thi hành công vụ nhưng sau đó lại chuyển hoá thành tội phạm, trở thành hành vi cố ý gây thương tích hoặc giết người.

- Vì sao gặp những kẻ chống đối đó cảnh sát không nổ súng trấn áp?

thin.jpg

Cần có chế tài gọi là hành lang pháp lý cơ bản để cho người thực thi nhiệm vụ đủ tự tin sử dụng vũ lực giải quyết vấn đề thì sẽ hiệu quả hơn.

PGS Đỗ Cảnh Thìn

Người thi hành công vụ phải có biện pháp, có cơ chế đảm bảo hành vi và phải làm đúng chứ không được lợi dụng việc sử dụng vũ khí để làm việc sai trái ảnh hưởng đến pháp luật.

Cần có chế tài gọi là hành lang pháp lý cơ bản để cho người thực thi nhiệm vụ đủ tự tin sử dụng vũ lực giải quyết vấn đề thì sẽ hiệu quả hơn.

Ở nước ngoài, dân họ hiểu biết pháp luật, luật pháp và hành lang rất rõ ràng. Trong khi đó ở nước ta đụng đến gì thì dư luận lại nghĩ khác đi, vì vậy người dân tạo ra áp lực không hề nhẹ đối với người thi hành công vụ.

Đây cũng chính là một trong những rào cản lớn khiến hiệu quả trong vấn đề thực thi pháp luật của cơ quan thực thi pháp luật khi giải quyết các vấn đề còn hạn chế, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ có chiều hướng phức tạp hơn.

- Chúng ta có cần nghiên cứu, xem xét bổ sung quyền được nổ súng vào những kẻ điều khiển phương tiện tấn công, đe dọa trực tiếp tính mạng người thi hành công vụ không, thưa ông?

Ngoài hành lang pháp lý phải nói về kỹ năng và đạo đức công vụ. Pháp luật quy định trường hợp nào được nổ súng và nổ súng theo quy định. Nhiều khi muốn thực hiện nhưng trình độ dân trí, xã hội hiện tại không phù hợp, dễ bị lạm dụng nên phải từng bước.

Pháp lệnh về quản lý sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ đã có điều chỉnh. Nền tảng quan trọng vẫn là ý thức và nhận thức, thứ 2 là kỹ năng và đạo đức công vụ, thái độ, kỹ năng xử lý giải tỏa xung đột và hành lang pháp lý và sự hỗ trợ ngoài hiện trường.

Hành lang pháp lý thì phải chặt chẽ hơn nữa để phù hợp và tạo cho người thực thi nhiệm vụ có thể yên tâm hơn, còn việc trấn áp là việc cuối cùng, bởi không còn gì nữa mới phải trấn áp.

Tài xế Trần Văn Dũng lái xe 16 chỗ tông chết chiến sĩ cảnh sát cơ động ở Bắc Giang.

- Vì sao lực lượng bảo vệ sự an toàn cho dân lại dễ dàng bị tấn công trong lúc thực thi nhiệm vụ?

Nếu như một số nước ví dụ như Mỹ, cảnh sát có quyền bắn để ngăn chặn hành vi chuẩn bị tấn công thì quy định của luật pháp và thực thi pháp luật của nước ta hiện còn một số khó khăn cho vấn đề thực thi nhiệm vụ để đấu tranh ngăn chặn đối với những người có hành vi vi phạm, khiến lực lượng thực thi công vụ còn "chùn tay".

Bên cạnh đó, nhiều khi trong quy định chưa rõ ràng, chẳng hạn như nếu cán bộ ngăn chặn không cẩn thận thì chính những người thi hành công vụ trở thành người phạm tội, vi phạm pháp luật.

Hoặc nhiều người có tâm lý ngại quyết liệt đối với hành vi vi phạm đó, sợ sai, sợ vi phạm, sợ gây hậu quả, vì vậy cũng bị ảnh hưởng về mặt tâm lý.

Cho nên hiện nay chúng ta đang cố gắng làm sao để từng bước luật hoá hành vi để lực lượng thực thi nhiệm vụ vừa bảo đảm được an toàn tính mạng cho bản thân mà vẫn đảm bảo trật tự công cộng cũng như xử lý được tội phạm một cách nghiêm khắc và kịp thời.

Ngoài ra, kỹ năng xử lý tình huống của một bộ phận người thi hành công vụ hiện nay còn hạn chế.

Việc xử lý tình huống, giải quyết mâu thuẫn có nhất thiết phải lao ra đầu xe không, có nhất thiết phải bám trên nắp capo không? Hoặc thái độ khi ứng xử làm sao để người ta không chống lại, đôi khi cũng là một cách thức được gọi là kĩ năng của người thi hành công vụ.

Nguyên nhân khác là dư luận xã hội hiện nay chưa hiểu đúng và đầy đủ, chưa tạo được sức ép cần thiết để lên án cũng như gây một áp lực đối với mọi hành vi bất chấp pháp luật, chống người thi hành công vụ.

Lý do nữa là xử lý đối với người chống người thi hành công vụ có lúc còn nương nhẹ, chưa thực sự nghiêm minh, chưa nghiêm khắc cho nên dẫn đến có biểu hiện “nhờn luật” .

- Tần suất xuất hiện nhan nhản những hành vi vô pháp vô thiên, coi trời bằng vung đó là điều không thể chấp nhận trong một xã hội văn minh?

Những hành động đó không thể chấp nhận được, đây là hành vi cần phải lên án, cần phải xứ lý, trừng trị, ngăn chặn, bởi một xã hội văn minh, trật tự, không thể để tồn tại những người chống lực lượng thi hành công vụ.

Tất cả mọi việc đều có pháp luật, người thi hành công vụ có sai thì có luật pháp và chế tài của các cơ quan tổ chức và luật pháp điều chỉnh, không ai có quyền chống người thi hành công vụ một cách trái pháp luật.

- Dường như số vụ chống người thi hành hiện nay đang tỷ lệ thuận với sự phát triển của mạng xã hội?

Có vấn đề tôi muốn cảnh báo hiện nay là sự phát triển mạnh của truyền thông, nhất là mạng xã hội, mạng internet cho thấy những hành vi chống người thi hành công vụ đang bị lan truyền, bị xuyên tạc, bị kích động một cách tiêu cực. Vì vậy rất nhiều người mơ hồ, thiếu bản lĩnh, thiếu nhận thức, thiếu ý thức thì bị nhiễm, bị ảnh hưởng tác động bởi những điều đó.

Có sự lan truyền, tác động chéo dẫn đến hiện tượng chống người thi hành công vụ như hiện nay dường như đang có xu hướng gia tăng và nó biểu hiện một sự không bình thường về mặt tâm lý xã hội cũng như hành vi xã hội, điều này cũng cần phải lên án, cần xử lý, cần răn đe.

Xin cảm ơn ông!

Minh Tuệ (thực hiện)

Tin mới