(VTC News) – Trong báo cáo giải trình bổ sung về dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chính phủ đã chỉ ra lợi ích khi xây dựng sân bay này.
Cảng hàng không Tân Sơn Nhất quá tải
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã nêu ra hiện trạng sân bay Tân Sơn Nhất. Đây hiện là sân bay dùng chung giữa quân sự và dân dụng, diện tích khai thác bay dân dụng chỉ có 590ha. Phần diện tích 517ha do quốc phòng quản lý, trong đó có 160ha sử dụng làm sân golf, có hình tam giác, nếu mở rộng cũng không đủ kích thước để xây thêm một đường cất hạ cánh.
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện tại được khẳng định không thể mở thêm đường băng để nâng công suất. |
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 2 đường cất hạ cánh song song cấu hình đóng, khoảng cách giữa tim 2 đường là 365m, không đạt khoảng cách tối thiểu (1.035m) theo tiêu chuẩn của ICAO để máy bay có thể cất, hạ cánh song song cùng lúc.
|
Trong khi số liệu thống kê cho thấy sản lượng vận chuyển của sân bay này có xu hướng tăng mạnh và ổn định qua các năm. Trong 9 tháng đầu năm nay, lượng khách đã đạt 16,5 triệu, tăng 11% so với cùng kỳ 2013.
Với tốc độ tăng trưởng trung bình chỉ 11,5%/năm thì sân bay này sẽ đạt hết công suất 25 triệu khách/năm vào 2016 và trở nên quá tải vào các năm sau đó.
“Theo tính toán, khi sản lượng hành khách tăng lên 25 triệu khách/năm thì hệ thống giao thông xung quanh Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ bị quá tài, dẫn tới ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên diện rộng”, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải tính toán, dự báo, năm 2015, sân bay này sẽ đón 22,1 triệu khách và 2020 lượng khách sẽ vượt xa công suất thiết kế với mức 30,3 triệu người. Năm 2025, con số dự tính là 40,4 triệu khách.
Khi quá tải, Tân Sơn Nhất sẽ không gánh được áp lực dồn lên cơ sở hạ tầng, cả về công suất khai thác của đường cất hạ cánh, vùng trời tiếp cận cất hạ cánh, sân đậu máy bay, nhà ga hành khách, hạ tầng giao thông tiếp cận…
Tốn kém mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết việc cải tạo, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cũng là một phương án được Bộ GTVT xem xét kỹ, trong thời gian dài, cả ở khía cạnh kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật và các tiêu chuẩn an toàn hàng không.
Để mở rộng đường cất hạ cánh, nhà nước phải giải tỏa, di dời, đền bù 140.000 hộ dân, làm xáo trộn cuộc sống của hơn nửa triệu người, đó là một áp lực dân sinh khổng lồ.
Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cũng vô cùng tốn kém và khó khăn |
Tổng vốn đầu tư dự kiến là 9,1 tỷ USD, cao hơn cả kinh phí khái toán đầu tư làm sân bay Long Thành giai đoạn I.
Một vấn đề khác phải cân nhắc, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng là việc mở rộng một sân bay cũ sẽ rất khó để đồng bộ về thiết bị hiện đại, tiếp tục gây lãng phí, chưa kể một sân bay lớn nằm giữa trung tâm thành phố lớn, dân cư đông đúc, công trình dân dụng có chiều cao vây quanh, là điều rất mạo hiểm về đảm bảo an toàn hàng không cũng như tính mạng, chất lượng sống của hàng chục vạn người dân bị ảnh hưởng ô nhiễm tiếng ồn...
Bên cạnh đó, phương án chọn sân bay quân sự Biên Hòa để mở rộng cũng được Bộ Giao thông Vận tải tính tới và phân tích.
Bộ trưởng Thăng giải đáp, trước hết đây là sân bay quân sự chiến lược trong việc đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia. Giả sử muốn chuyển đổi sang khai thác dân dụng, ngoài việc phải chi ra 7,5 tỉ USD và phải giải tỏa 6.000 hộ dân để làm lại từ đầu và hơn nữa phải xây dựng mới hoàn toàn cơ sở hạ tầng cảng hàng không để khai thác dân dụng thì mặt bằng hiện tại của sân bay này cũng không đủ cho một cảng hàng không quốc tế lớn, lại là nơi bị nhiễm độc điôxin ở mức rất cao.
Về khả năng chia sẻ hành khách cho Tân Sơn Nhất khi quá tải của các cảng hàng không Cần Thơ, Liên Khương và Cam Ranh, báo cáo giải trình do Bộ GTVT xây dựng viết, các sân bay này đã được phát triển theo đúng quy hoạch là để phục vụ cho các thị trường hàng không riêng biệt.
Đại diện Bộ giao thông Vận tải cho biết thêm khách đi tàu bay là đối tượng chọn điểm đến chứ không phải là sân bay quyết định điểm đến nên việc thu hút khách không chỉ do ngành hàng không quyết định mà còn phụ thuộc vào sự phát triển KT-XH của địa phương liên quan (hoàn toàn do thị trường quyết định). Do vậy, việc chia sẻ lượng khách của các cảng hàng không này với sân bay quốc tế là không đáng kể.
Vì sao lựa chọn xây dựng sân bay Long Thành
Về vị trí địa lý, Long Thành có địa hình lý tưởng để xây sân bay, lại nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam châu Á với các đường bay Đông - Tây, Bắc - Nam, thuộc những tuyến bay nhộn nhịp của thế giới, thuận lợi cho việc hành khách và hàng hóa chuyển tiếp, trước khi đi đến các châu lục như: Châu Âu, Trung Đông, Nam Á, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và Châu Đại Dương.
Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành |
Với các hãng hàng không và liên minh hàng không có nhu cầu làm căn cứ hoặc xây dựng lịch bay nối chuyến cho hành khách, hàng hóa, thì Long Thành cũng được đánh giá là điểm trung chuyển lý tưởng bởi khoảng cách hợp lý, tính hiệu quả cao.Những điểm hấp dẫn này được khẳng định sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Khu vực Long Thành cũng có địa hình, địa chất, thủy văn lý tưởng, mặt bằng tương đối bằng phẳng, không quá phức tạp, thuận lợi cho việc làm sân bay. Địa điểm này gần các nguồn cấp vật liệu lớn, đảm bảo đủ và thuận lợi cho công tác xây dựng. Đây cũng là khu vực có khí hậu tốt, có 2 mùa gió Đông Bắc và Tây Nam, ít xảy ra sương mù, bão.
Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh Việt Nam là một thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu dân và được dự báo là khu vực có tăng trưởng cao về sản lượng hành khách sử dụng dịch vụ hàng không.
Yếu tố dân số và tăng trưởng nội khu vực có lợi thế lớn khi so sánh Singapore hiện chỉ có 5,4 triệu người, Hong Kong trên dưới 6 triệu, Malaysia khoảng 30 triệu, Thái Lan con số này là 67 triệu.
Về môi trường xã hội, Việt Nam có nền chính trị ổn định, không có xung đột tôn giáo, sắc tộc có thể gây bẩn ổn xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế có thể làm sụt giảm tăng trưởng của ngành hàng không. Khu vực phía nam đất nước cũng được ICAO đánh giá khả năng hình thành cảng hàng không trung chuyển để phục vụ Liên minh hàng không Sky Team.
Sân bay Long Thành có nhiều điều kiện để phát triển |
Bộ trưởng Thăng cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua, nhiều nhà tài trợ quốc tế (tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ các nước), các nhà đầu tư, các tập đoàn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp... đã bày tỏ quan tâm đầu tư vào dự án sân bay Long Thành. Thậm chí có quốc gia đã “để mắt” đến Long Thành từ 3 - 4 năm trước, khi nghe nói khả năng Việt Nam đầu tư làm sân bay tại đây.
Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra nhiều thuận lợi khi xây dựng sân bay tại Long Thành.
Việc huy động 5.000 ha mặt bằng để phục vụ dự án, Bộ Giao thông Vận tải cho là khả thi. Phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án đã được tỉnh Đồng Nai chuẩn bị công phu, bài bản, người dân thuộc diện phải di dời ủng hộ rất cao, tỉ lệ trên 99%. Với cách GPMB từng phần theo tiến độ thì số người dân bị ảnh hưởng đột ngột không lớn, tiết kiệm tài nguyên đất đai và khu vực tái định cư đã sẵn sàng.
“Thiệt hại về lý thuyết đáng kể nhất là phải phá đi hơn 1.700 ha cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, nhưng trên thực tế thì số diện tích cao su này đã ở giai đoạn cuối của chu kỳ khai thác, năng suất mủ thấp, không còn hiệu quả” - báo cáo giải trình bổ sung của Chính phủ nêu rõ.
Phạm Thịnh